🔥 Bài đăng hot nhất

Dấu hiệu động thai nguy hiểm và cách xử lý

Động thai là gì?

Động thai là một triệu chứng rất phổ biến trong quá trình mang thai của mẹ bầu, đặc biệt là ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Động thai là dấu hiệu điển hình của tình trạng dọa sảy, đe dọa đến tính mạng của thai nhi bên trong bụng mẹ. Nếu bị động thai, mẹ sẽ thấy hiện tượng chảy máu âm đạo khi mang thai. Sự xuất hiện của một ít máu có màu đỏ hoặc màu đen lẫn dịch nhầy, kèm theo tình trạng mỏi vai, đau bụng, bụng dưới trương lên.

Động thai và sảy thai hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều mẹ bầu vẫn nhầm lẫn giữa 2 tình trạng trên, do đó không biết nên xử lý như nào cho đúng để tránh hậu quả không mong muốn. Để biết mình đang trong tình trạng nào mẹ cần phân biệt rõ các triệu chứng của động thai và sảy thai.

Các dấu hiệu động thai, dọa sảy thai

Thông thường các dấu hiệu dọa sảy thai chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hoặc từ tháng thứ 4 - tháng thứ 6. Lúc này, cổ tử cung chưa mở mà trứng đã thụ tinh vào làm tổ trong tử cung lại chưa chắc nên thai dễ bị bong ra. Sau khoảng thời gian đó, hiện tượng này sẽ không còn phổ biến nữa. Khi thai nhi được 6 tháng mà sản phụ bị đau bụng chuyển dạ nhưng cổ tử cung không mở thì có nguy cơ sinh non.

Một số các dấu hiệu dọa sảy thai thường gặp có thể kể đến như:

• Chảy máu âm đạo, máu thường có màu đỏ hoặc đen lẫn với dịch nhầy

• Xuất hiện các cơn đau âm ỉ vùng bụng dưới, đau lưng

• Âm đạo xuất hiện một vài vệt máu nhỏ màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm

Mẹ bầu nên làm gì khi bị động thai?

Hiện nay, không có cách xử lý nào được xem là tốt nhất giúp mẹ khắc phục tình trạng động thai. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện bất thường, mẹ nên:

• Nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, tránh di chuyển xa.

• Mẹ bầu cần đi khám thai ngay để được bác sĩ tư vấn những cách xử lý hiệu quả. Bác sĩ có thể kê cho mẹ thuốc chống co thắt tử cung hoặc khâu vòng tử cung để bảo vệ thai nhi nằm im trong bụng mẹ trước khi chào đời.

• Nếu thấy đau bụng, mẹ không được dùng tay xoa bụng vì động tác này có thể kích thích tử cung co thắt, tăng nguy cơ đẩy thai nhi ra ngoài gây sảy thai hoặc sinh non.

• Một lưu ý quan trọng nữa là nếu đã từng bị động thai, tuyệt đối mẹ bầu không được quan hệ vợ chồng vì nó tạo hưng phấn kích thích cổ tử cung co bóp và có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Mẹ cũng nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thường xuyên để phát hiện bất thường kịp thời nhằm đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

• Mẹ bầu không được siêu âm thai đầu dò, không đưa bất kỳ vật gì vào âm đạo để tránh việc kích thích cổ tử cung mở ra.

• Đặc biệt, hãy uống thuốc theo đúng đơn mà bác sĩ kê, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng.

Ngoài ra, chú ý chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cũng là yếu tố hết sức quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc ngăn chặn tình trạng động thai. Mẹ bầu nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, giàu vitamin và khoáng chất, tinh bột, protein, chất sắt.

• Mẹ nên hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê... Những loại thực phẩm như đồ ăn gỏi, rau sống… đều là những loại thực phẩm gây kích thích mạnh tới hệ tiêu hóa gây rối loạn và dẫn tới sảy thai.

• Lưu ý tư thế nằm: Lựa chọn tư thế nằm khi bị dọa sảy thai là một điều vô cùng quan trọng để tránh tạo sức ép đè lên bụng của mẹ bầu. Trong thời gian này mẹ bầu nên chọn các tư thế ngủ tốt cho bà bầu như tư thế nằm nghiêng bên trái, chân trái duỗi, chân phải hơi gập là tốt nhất.

Cách phòng tránh động thai cho mẹ bầu

Muốn phòng tránh nguy cơ động thai, mẹ bầu cần nhớ:

• Phải giữ cho tâm lý thật thoải mái, hạn chế căng thẳng, lo âu quá mức độ.

Chú ý nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Lựa chọn tư thế nằm nghỉ ngơi hợp lý, tốt nhất là nên chọn tư thế nằm nghiêng bên trái

• Chăm vận động nhẹ, luyện tập thể dục vừa phải để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

• Không được thức quá khuya hoặc lao động nặng nhọc quá sức. Đặc biệt, đối với những mẹ bầu thực hiện thụ tinh nhân tạo cần phải hạn chế vận động đến mức tối đa trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ để tránh ảnh hưởng tới thai nhi.

• Hạn chế quan hệ tình dục khi mang thai với chồng vào những tháng đầu hoặc tháng cuối của thai kỳ. Mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ về cách quan hệ khi mang thai như thế nào là tốt nhất.

• Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tích cực sử dụng các loại thực phẩm giàu chất đạm, chất xơ, chất sắt cho bà bầu,...

• Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,... vì những chất này đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi và rất dễ dẫn tới tình trạng động thai, sảy thai.

• Thường xuyên đi khám sức khỏe thai kỳ theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, không bỏ lỡ buổi khám. Từ đó, nắm bắt được sự phát triển của thai nhi và kịp thời có các biện pháp xử lý khi cần thiết.


Hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm về các dấu hiệu động thai và cách phòng tránh nó sẽ giúp các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

0
18k
0 Bình luận
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!