🔥 Bài đăng hot nhất

Top truyện thai giáo tháng thứ 9 mẹ kể bé nghe

Đến với tháng thứ 9, mẹ cần chuẩn bị tâm lý đón thiên thần bất kỳ lúc nào. Nhiều mẹ có thể cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, nhưng cũng có người thì lại phấn khởi, hào hứng đón em bé chào đời. Dưới đây là những truyện thai giáo tháng thứ 9, mẹ hãy dành thời gian 15 phút mỗi tối đọc to cho bé nghe để mẹ đỡ mệt và con được nghe giọng mẹ cũng nghe truyện trong thời gian quan trọng này nha.

Truyện Cô bé quàng khăn đỏ

Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ, vì vậy, mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ. Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô dặn:

– Con đi thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy. Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có nhiều hoa, nhiều bướm, không nghe lời mẹ dặn, cô tung tăng đi theo đường đó. Đi được một quãng thì gặp Sóc, Sóc nhắc:

Bạn đang xem: 9 Truyện Thai Giáo Tháng Thứ 9 Hay Nhất Cho Bé

– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, lúc nãy tôi nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?

Cô bé không trả lời Sóc. Cô cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm hỏi:

– Này, cô bé đi đâu thế?

Nghe chó sói hỏi, cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:

– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.

Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói nghĩ bụng: À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:

– Nhà bà ngoại cô ở đâu?

– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.

Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.

Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:

– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?

Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…

– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.

– Thế à, thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá. Cháu lại đây với bà.

Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô ngạc nhiên lùi lại hỏi;

– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?

– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. Chó sói đáp

– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?

– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.

Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:

– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?

– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.

Sói nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng em bé Khăn Đỏ đáng thương.

Sói đã no nê lại nằm xuống giường ngủ ngáy o o. May sao, lúc đó bác thợ săn đi ngang thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão, và tuy vậy vẫn còn có cơ cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra. Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:

– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói, tối đen như mực. Bà lão cũng còn sống chui ra, thở hổn hển. Khăn đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.

Từ dạo ấy, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.


Truyện Ba Lưỡi Rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.


Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.

Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.

Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.


Truyện Cừu non và Cá

Ngày xửa ngày xưa có hai anh em nhà kia mẹ mất sớm, hai anh em phải ở với dì ghẻ, mụ chẳng thương gì con chồng, tìm mọi cách để hành hạ hai đứa bé.

Cách nhà không xa là ao, rồi đến một bãi cỏ. Hai anh em cùng với trẻ con hàng xóm chơi đuổi bắt, vừa chơi chúng vừa hát:

Này sên hỡi, sên ơi,

Ta để ngươi sống sót,

Ngươi móc thóc cho chim,

Để chim móc rơm rạ,

Ta đem cho bò ăn,

Bò no căng cho sữa,

Ta nhào bột đưa lò,

Bác thợ làm bánh cho,

Mèo ăn no, bắt chuột

Chuột nhắt trèo hàng rào,

Cắn đứt dây chuột chạy.

Đám trẻ đứng thành vòng tròn, vừa vỗ tay vừa đếm hát, chữ đứt dây rơi vào ai thì người đó chạy ra khỏi hàng, những đứa trẻ khác chạy theo đuổi bắt.

Nhìn qua cửa sổ thấy đám trẻ nô đùa vui vẻ dì ghẻ lại càng bực mình. Vốn biết phép thuật của phù thủy mụ dì ghẻ phù phép biến bé trai thành con cá con và bé gái thành cừu non. Cá con buồn rầu, lặng lẽ bơi đi bơi lại trong ao, còn con cừu non buồn rầu cũng không kém, đi đi lại lại trên bãi cỏ nhưng chẳng hề đụng tới một ngọn cỏ nào cả.

Một thời gian dài trôi qua. Một hôm có khách tới chơi, mụ dì ghẻ độc ác nghĩ dịp may đã đến. Mụ gọi ngay đầu bếp lại và bảo:

– Ra ngoài bãi cỏ bắt con cừu vào làm thịt, hôm nay chẳng còn gì đãi khách.

Nghe lời đầu bếp dắt cừu vào bếp, trói bốn chân lại mà chẳng hề thấy cừu cựa quậy. Nhưng vừa mới rút dao ra liếc vào đá cho sắc để chọc tiết cừu thì bác đầu bếp nhìn thấy một con cá bơi đi bơi lại trong rãnh nước cống, thỉnh thoảng lại ngoi lên ngước nhìn bác. Khi thấy bác đầu bếp dẫn cừu đi cá liền lách theo lạch nước vào tận trong nhà.

Đang mải nhìn cá bỗng bác nghe thấy tiếng người nói:

Anh ở trong ao sâu,

Biết đâu em đau khổ

Bác đầu bếp liếc dao,

Chọc cổ em làm thịt.

Cá con đáp:

Em gái anh nơi nao

Biết anh bao phiền muộn.

Nghe thấy cừu nói những lời buồn tủi với cá, bác đầu bếp giật mình sợ hãi, bác nghĩ, có lẽ đây không phải là cừu mà là người bị mụ chủ nhà độc ác phù phép hóa thành cừu. Định thần lại bác nói:

– Cứ yên tâm, ta không làm thịt ngươi đâu.

Bác bắt một con heo làm thịt để đãi khách, còn cừu bác dẫn tới gởi ở nhà một bà nông dân tốt bụng, bác kể cho bà nghe những điều tai nghe mắt thấy. Nghe chuyện bà biết ngay đó là ai, vì trước kia bà là vú nuôi của gia đình hai em bé. Bà dẫn cừu đến chỗ một bà mụ đỡ đầu. Bà đọc thần chú xong thì cừu và cá hiện nguyên hình thành người. Sau đó bà dẫn hai em tới một căn nhà nhỏ ở giữa một khu rừng lớn. Hai anh em sống ở đó tuy lẻ loi nhưng yên ổn và sung sướng.


Truyện Gà Trống và Vịt Bầu

Gà trống và Vịt bầu là đôi bạn rất thân. Gà trống tính tình kiêu căng, còn Vịt bầu thì hiền lành, ngoan ngoãn và tốt bụng.

Một hôm, hai bạn xin phép bố mẹ rủ nhau đi chơi. Bố mẹ của hai bạn dặn rằng: “Các con đi chơi hoặc đi đâu, muốn làm một việc gì đó thì phải suy nghĩ thật kĩ rồi mới làm nhé”.

Hai bạn vừa đi vừa chuyện trò ríu rít. Đến một khúc sông rộng. Vịt bầu bảo Gà trống:

– Gà trống ơi! Phía bên kia sông cảnh đẹp lắm!

Gà trống nhìn thoáng qua rồi nói với Vịt bầu:

– ừ nhỉ! Chúng mình sang bên kia sông chơi đi!

Vịt bầu nghe Gà trống nói, chợt nhớ liền suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

– Không được đâu Gà trống ơi! Khúc sông rộng như thế này, mình thì bơi được, còn bạn thì biết làm sao? Bạn không nhớ lời bố mẹ dặn à?

Vịt bầu vừa nói dứt lời thì Gà trống đáp ngay:

– Ôi dào! Cậu biết bơi thì bơi, còn mình biết bay thì bay chứ sao! Bởi vì mình có cánh mà.

Vịt bầu chưa kịp ngăn bạn thì Gà trống đã vỗ cánh bay vèo. Nhưng đến giữa sông, Gà trống nhìn xuống dòng nước đang chảy, chóng mặt và mỏi cánh qua không thể bay được nữa. Gà trống bị rơi tõm xuống sông. Gà trống kêu thất thanh:

– Cứu mình với Vịt bầu ơi! Cứu mình với!…

Vịt bầu vội bơi ra giữa sông để cứu Gà trống. Nhưng Gà trống vừa to, vừa uống một bụng nước đầy nên Vịt bầu chẳng làm sao đưa Gà trống lên bờ được. Cũng may lúc đó có bác Ngỗng Nâu bơi tới và đưa Gà trống lên bờ.

Được Vịt bầu và bác Ngỗng Nâu cứu sống. Gà trống ân hận lắm. Từ đó, Gà trống bỏ được tính kiêu căng và luôn nghe lời bố mẹ dặn.

Trên đây là toàn bộ nội dung câu chuyện gà trống và vịt bầu. Các thầy cô và các vị phụ huynh có thể cho bé nghe thêm truyện kể về gà trống và vịt bầu trong video bên dưới.


Truyện Cáo cụt đuôi

Một con Cáo bị mắc bẫy, sau nhiều lần giật mạnh đau đớn vùng vẫy thoát ra được, bèn chạy đi. Nhưng nó phải bỏ lại cái đuôi đẹp đẽ của nó lại trong bẫy.

Trong một thời gian dài, nó không dám gặp mặt những con Cáo khác, vì nó biết rất rõ rằng, tất cả lũ Cáo kia sẽ lấy nó làm trò cười, chế giễu và đùa cợt sau lưng nó. Nhưng nó sống một mình cũng khó, nó cuối cùng cũng nghĩ ra được một kế để giải quyết cái vấn đề hóc búa này.

Nó kêu gọi triệu tập một cuộc họp mặt tất cả lũ Cáo, nói rằng nó có một vài điều quan trọng cần phải nói cho cả làng biết.

Khi chúng đã đến tham dự đông đủ, con Cáo cụt đuôi đứng dậy và diễn thuyết một hồi rất lâu về việc những con Cáo đã mắc nạn chỉ vì cái đuôi của mình.

Con này thì đã bị chó săn vồ vì khi chạy đuôi bị vướng vào bụi gai. Con kia thì không thể chạy đủ nhanh để thoát vì cái đuôi quá nặng nề. Ngoài ra, như ai cũng đã biết, nó nói, rằng con người bây giờ đi săn Cáo cũng chỉ là muốn có được cái đuôi Cáo, họ cắt đuôi để treo làm chiến tích đi săn thú. Với những chứng cứ về tính nguy hiểm và vô dụng của cái đuôi, Cáo Già nói, nó khuyên tất cả các con Cáo nên về cắt đuôi đi, nếu muốn được sống cho an toàn.

Khi nó vừa nói xong, một cụ Cáo đứng dậy, nói và cười mỉm:

“Lão Cáo, xin lão vui lòng quay mặt đi chỗ khác một chút, rồi chúng tôi sẽ trả lời lão.”

Khi con Cáo Cụt Đuôi tội nghiệp quay mặt đi, cả làng Cáo ồ lên cười và la ó, lúc đó Cáo Cụt Đuôi biết là có thuyết phục lũ Cáo kia bỏ cái đuôi của chúng thì cũng chẳng có ích gì nữa.

Lời bàn: Đừng bao giờ nghe lời những người không muốn bạn hơn họ.

Bác gấu đen và hai Chú thỏ

Trời mưa to như trút nước. Gió thổi ào ào… bẻ gẫy cả cành cây. Gấu Đen đi chơi về bị ướt lướt thướt, nước mưa chảy ròng ròng xuống mặt Gấu. Gấu chạy mãi, chạy mãi trong rừng để tìm chỗ trú nhờ. May quá nhà của Thỏ Nâu đây rồi!


Tranh truyện bác gấu đen và hai chú thỏ

– Cốc, cốc, cốc.

Thỏ Nâu đang ngủ liền tỉnh dậy, gắt gỏng hỏi:

– Ai đấy nửa đêm rồi phải để cho người ta ngủ chứ?

– Bác Gấu Đen đây! Mưa to quá, cho bác trú nhờ một đêm với.

Thỏ Nâu không mở cửa, nó càu nhàu:

– Không trú nhờ được đâu. Bác to quá, bác làm đổ nhà của cháu mất!

Gấu Đen van nài:

– Bác không làm đổ nhà của cháu đâu mà. Cho bác vào đi. Bác vào rất nhẹ nhàng thôi!

– Nhẹ cũng đổ, không nhẹ cũng đổ. Bác đi đi!

Thỏ Nâu vẫn nằm trong nhà nói vọng ra, nó nhất định không ra mở cửa. Gấu Đen buồn rầu đi. Nước mưa chảy ròng ròng xuống cổ Gấu Đen. Gấu Đen đi mãi, đi mãi, vừa mệt vừa rét. Bỗng nhiên Gấu Đen nhìn thấy có một ngôi nhà. Trong nhà thắp đèn sáng trưng. Có tiếng thỏ trắng khe khẽ hát “Là lá la…”. Gấu Đen lại gần và rụt rẻ gõ cửa:

– Cốc, cốc, cốc.

– Ai đấy ạ?

– Bác Gấu Đen đây! Cho bác vào trú nhờ có được không?

Thỏ trắng bước ra mở cửa.

– Ồ! Chào bác Gấu Đen, mời bác vào đây, bác ướt hết rồi!

Thỏ trắng dắt bác Gấu Đen vào nhà, kéo ghế mời bác Gấu Đen ngồi. Gấu Đen hơ người một lúc, nước mưa trên mặt cũng khô, trên cổ cũng khô.

Trong khi bác Gấu Đen sưởi ấm. Thỏ Trắng bưng ra một đĩa bánh mới bác Gấu Đen ăn. Gấu Đen cảm động nói:

– Bác… Bác xin cảm ơn Thỏ Trắng.

Gấu Đen ăn xong, Thỏ Trắng và bác Gấu Đen cùng đi ngủ.

Nửa đêm bão nổi lên ầm ầm. Cành cây gẫy kêu răng rắc. Có tiếng đập của thình thình:

– Bạn Thỏ Trắng ơi! Cho tôi vào trú nhờ với, nhà của tôi đổ mất rồi!

Gấu Đen vội choàng dậy, chạy ra mở cửa. Thỏ Nâu vừa khóc vừa kể với bác Gấu Đen và Thỏ Trắng.

– Hu, hu, hu, nhà của tôi đổ mất rồi. Làm thế nào bây giờ!

Gấu Đen kéo Thỏ Nâu đến bên đống lửa an ủi Thỏ Nâu:

– Đừng khóc nữa Thỏ Nâu ơi! Cháu sưởi cho ấm người đi! Nhà bị đổ chứ gì? Sáng mai bác và Thỏ Trắng sẽ làm lại nhà cho cháu. Thỏ Trắng cũng nói thêm:

– Bạn đừng lo, sáng mai tôi cũng sẽ giúp bạn làm lại nhà!

Thỏ Nâu sưởi một lúc, nước mưa trên người đã khô. Lúc này Thỏ Nâu mới ân hận là đã đuổi bác Gấu Đen. Thỏ Nâu ngập ngừng định xin lỗi bác Gấu.

– Thôi Thỏ Nâu đừng buồn, bác không giận cháu đâu. Thôi nào bác cháu ta đi ngủ kẻo khuya quá rồi!

Đêm hôm ấy, Thỏ Nâu và Thỏ Trắng ôm bác Gấu Đen ngủ thật ngon lành.

Trên đây là những truyện thai giáo tháng thứ 9 hay nhất và các phụ huynh nên đọc cho các bé nghe mỗi ngày trong khoảng thời gian chờ đón bé nha.

5
18k
5 Bình luận

Tặng e-voucher 50K mua sắm sàn thương mại điện tử (shoppe, lazada,...) may mắn + Hỏi bác sĩ trực tuyến miễn phí khi tham gia Cộng đồng MarryBaby => Gia nhập ngay

3 tuần trước
Thích
Trả lời

Lưu lại để thai giáo cho con nào

3 tuần trước
Thích
Trả lời

Những câu truyện thai giáo rất hay

11 tháng trước
Thích
Trả lời

Truyện thai giáo cho bé hay ghê

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cảm ơn chia sẻ của bạn, truyện nào cũng hay

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!