🔥 Bài đăng hot nhất

Phái đẹp toàn năng - Hành trình khẳng định chính mình và trải nghiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ!

Cuộc đời người phụ nữ như một cuộc hành trình đầy thú vị và cũng không ít bất ngờ, có thể biết được điểm đầu những chưa thể định hình được cái đích sẽ dừng lại… Vậy nên, bản thân mỗi người luôn nỗ lực hết mình trong hành trình tìm đến với lẽ sống, lí tưởng và niềm tin của cuộc đời mình…Trên chặng đường ấy, có những cột mốc đáng nhớ hay những những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời…

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió, mảnh đất quanh năm oằn lên bởi những tai ương mà ông trời thả xuống, thế nhưng cái khó khăn, khắc nghiệt ấy không những không làm cho những con người ở xứ ấy chịu khuất phục mà giữa những cằn khô , sỏi đá ấy, con người lại vươn lên với một nghị lực phi thường và đáng khâm phục. Vì thế, tôi tự hào được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp chịu thương, chịu khó của con người miền Trung, từ những tình cảm ấm áp của mẹ cha, của quê hương, bạn bè đã làm cho tôi trưởng thành theo năm tháng…

1. Hành trình tìm kiếm chính mình

Hồi còn trẻ, tốt nghiệp trung học tôi đỗ vào ngành sư phạm của một trường đại học khá nổi tiếng lúc bấy giờ với số điểm không hề khiêm tốn, tôi trở thành sinh viên với cuộc sống mới đầy trải nghiệm nơi chốn phồn hoa đô thị. Nhưng dù sao quãng đời sinh viên cũng khá êm đềm với những tháng ngày trên giảng đường với những ước mơ hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ, với những lo toan cơm áo gạo tiền… nhưng không đáng kể bởi thời đó hầu như các bạn sinh viên ai cũng nhận được sự chu cấp khá đầy đủ từ gia đình.

Cuộc sống của mình thực sự bắt đầu từ khi rời xa mảnh đất quê hương  miền Trung yêu dấu và lập nghiệp ở miền nam xa xôi. Ngày quyết định vác ba lô lên đường vào nam lập  nghiệp, mẹ hỏi “ con đã suy nghĩ kĩ chưa? Phận gái mười hai bến nước, mẹ lo cho con lắm…” Từ nhỏ, tôi đã là đứa làm cho cha mẹ phải lo lắng nhiều nhất không phải vì chuyện học hành mà là vì sức khỏe, một đứa yêu ớt nhất trong nhà, ốm suỵt soẹt suốt và mẹ nói hình như tôi đã hai lần chết hụt… Thế nhưng, để an ủi mẹ và lấy nghị lực cho bản thân, tôi đã gạt đi lời mẹ “ mẹ lo gì chứ, người ta làm được thì con cũng làm được, với lại mai này giao thông thuận tiện con về với mẹ mấy chốc”, để rồi hôm vác ba lô ra đi mà không dám ngoảnh nhìn lại vì sợ nhìn thấy cảnh mẹ gạt vội giọt nước mắt lăn tròn bên gò má…

Tôi xa quê cũng từ đó. Những khó khăn , vất vả của một đứa con gái xa quê có lẽ bất cứ ai tha phương đều thấu hiểu. Những bất đồng về ngôn ngữ, về văn hóa, về văn hóa, về phong tục tập quán… và hơn hết là nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ các em đến cồn cào, da diết, nhiều lúc muốn bỏ lại tất cả để vác ba lô chạy về nhà với mẹ. Có những lúc buôn quá, gọi điện thoại cho mẹ, khi mẹ nhấc điện thoại lại, nghe giọng mẹ là đã nức nở rồi, lập tức dập máy để tự trấn an mình, không thể lỡ hẹn với lời hứa trước khi ra đi với mẹ được “ con sẽ ổn và sống tốt”. Rồi những khó khăn đó cũng dần qua, người ta bảo cái gì lần đâu tiên cũng sẽ khó khăn, dần dần mọi thứ sẽ ổn, và thế tôi đã tìm lại được chính mình,cái tôi bản lĩnh đầy kiêu hãnh như trước kia…Đôi lúc nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình trẻ con quá thể, nhưng không sao hết, ai cũng đã từng như thế, và rồi ai cũng sẽ lớn lên…Có những bài học mẹ cha hay thầy cô không chỉ cho chúng ta nhưng cuộc đời lại dạy chúng ta rõ ràng hơn, thiết thực hơn…

Bước qua tuổi 25, tôi trở thành một người vợ. Anh và tôi đều là những đứa xa quê tha phương cầu thực, chúng tôi yêu nhau và quyết định đến với nhau bởi một lẽ hết sức tự nhiên, cuộc đời “ đến sỏi đá cũng cần có nhau”. Tôi hạnh phúc vì có anh ở bên cạnh trong những ngày tháng đầu tiên lập nghiệp nơi xứ người, không phải sự quan tâm đến từ những vật chất xa hoa phù du sang trọng như bao người khác, anh đến với tôi bằng sự cảm thông , chia sẻ từ những điều bình dị nhất, đơn giản chỉ là cái tay nắm tay thật chặt mỗi khi tôi buồn, hay là chỉ ngồi bên cạnh cho tôi tự vào vai mà khóc cho hết uất ức, tủi hờn trong cuộc sống. Tôi bằng lòng với lựa chọn của mình và mỉm cười hạnh phúc bên anh. Ai cũng nói chúng tôi đẹp đôi, và chúng tôi kết thúc cuộc sống độc thân của  mình bằng một cái đám cưới nhẹ nhàng , đơn giản cùng những lời chúc phúc của mọi người…

Người ta nói, cuộc sống của người phụ nữ thực sự bắt đầu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Ngẫm lại, tôi thấy cũng đúng. Hai vợ chồng tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng và con số không tròn trĩnh. Mọi vất vả lo toan cũng bất đầu từ đó, nếu như trước đây chưa bao giờ tôi phải lo lắng chuyện đối nội đối ngoại ra sao, kinh tế sắp xếp như thế nào cho hợp lí thì bây giờ tôi phải đối mặt với nó… Hồi đầu tôi cũng tùm lum hạt dưa lắm, cứ loanh quanh , luẩn quẩn hoài, nhưng nhờ sự chỉ dẫn của mẹ, sự chia sẻ, an ủi của chồng dường như mọi thứ đều ổn. Tôi tự thấy bản thân mình cần phải sống hạnh phúc thì  mới lan tỏa ảnh hưởng tới những người xung quanh được. Vậy nên, tôi luôn dành nhiều thời gian cho chồng, cho gia đình, đó là những bữa cơm đạm bạc mà rộn rã tiếng cười, bên cạnh đó tôi đầu tư cho chuyên môn nhiều hơn… Tôi thấy mình yêu đời, yêu cuộc sống và luôn rạng rỡ…

Và rồi, hạnh phúc vỡ òa khi tôi biết mình có một sinh linh bé nhỏ đang dần hiện hữu trong cơ thể mình. Ngày thử que lên 2 vạch là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Xưa nay người ta vẫn thường nói nhiều đến thiên chức làm mẹ của phụ nữ, tôi cũng chỉ được nghe qua và biết tới trên sách vở, lí thuyết, trên mạng internet mà thôi thì bấy giờ là lúc tôi được thực sự cảm nhận và trải nghiệm cái cảm xúc thiêng liêng ấy.

2. Hành trình mang thai với những trải nghiệm khó quên:

a. Quãng đường đầu tiên – niềm hạnh phúc xen lẫn những “cực hình”…

Lạ thật con yêu ạ, khi mẹ thử que lên hai vạch là lúc mẹ chưa trễ ngày so với chu kì, vậy mà khi mẹ biết mình có thai ngày trước ngày hôm sau mẹ đã có dấu hiện nghén rồi con ạ. Bố chọc mẹ là, sao mà nhanh thế chứ?chắc lại nhõng nhẽo chồng đây. Cơ mà, mẹ cũng chẳng thể hiểu tại sao mẹ lại ốm nghén nhanh đến thế. Ngay khi chưa có con,mẹ đã tìm hiểu khá nhiều tài liệu về bà bầu cho nên khi que thử lên 2 vạch là bố đã ngay lập tức xách ngay về 1 hộp sữa bầu Anmum matena hương vị socola. Mẹ đã uống ngay ly sữa đầu tiên và nói với bố” người ta nói sữa bầu khó uống, tưởng khó uống kiểu gì chứ như thế này, em uống được lượt mấy xô cơ”. Hehe, nghĩ lại mà buồn cười quá con ạ

Mẹ chưa kịp tận hưởng niềm vui khi biết có con thì mẹ đã phải đối mặt với triệu chứng ốm nghén. Giờ nghĩ lại mẹ vẫn còn khiếp sợ con ạ. Mẹ đã chứng kiến một cô cùng trường ốm nghén từ khi mang bầu cho tới lúc đi sinh, mẹ đã thấy tội nghiệp lắm rồi, ai ngờ, bây giờ lại đến lượt mẹ. Bốn tháng đầu tiên của thai kì là cả một cực hình đối với mẹ

Mẹ có con khi trời miền Nam đã bước vào đầu mùa nắng nóng. Cái oi bức thật khó chịu với những người bình thường, còn với mẹ lại kinh khủng hơn. Mỗi sang sớm thức dậy là ánh nắng mặt trời đã chói chang hắt vào tận phòng ngủ của bố mẹ nên có muốn ngủ nướng tí cũng khó nữa là. Cũng may sao mẹ chỉ nôn từ 10h sáng trở đi cho đến đêm khuya thôi, cho nên mỗi sáng sớm mẹ tranh thử ăn thật nhiều. Thời gian ấy, ngày nào cũng như  ngày nào, mẹ làm bạn thân với cái chậu nhựa con ạ, cứ mỗi lần ăn gì vào là mẹ lại mang cái chậu thau ra một góc nhà và ôm lấy vậy. giờ nghĩ lại mới thấy thương bố, mẹ sợ tất cả cái loại mùi, từ cái mùi cơm sôi cho đến mùi tỏi phi hay hành phi, cho nên mỗi lúc bố nấu nương là mẹ lại lang thang ra bãi cỏ trống ngoài đường để chạy trốn tới khi nào bố nấu nướng xong xuôi thì mới mò về. Hồi đó, mấy thầy cùng trường thường trêu mẹ là” sao mà mẹ nghén khôn vậy”, nhưng có ai muốn vậy đâu con nhỉ?Con quấy mẹ quá. Dường như ngày nào mẹ cũng nôn ói nên đã trở thành thói quen rồi thì phải. Suốt một tuần dài mẹ nôn ra máu, nhìn cái chậu máu đỏ tươi mà mẹ run quá, bố con cũng sợ nên chở mẹ lên trạm xá liền, y tá nói không sao, vì nôn nhiều quá nên bị rách mô thanh quản thôi, nghỉ ngơi và cố đừng để nôn nhiều là sẽ đỡ. Nghe vậy mẹ cũng đỡ lo được phần nào.Mẹ cứ nghĩ có lẽ nào mẹ nghén tới ngày đi sinh không con, tự nghĩ vậy mà rùng mình.

Tuần thứ 9, con làm mẹ hết hồn đấy nhé. Hai ngày tự nhiên mẹ thấy mình ăn ngon miệng hẳn lên, chả thấy nôn ói giừ nữa, lúc đầu mẹ cứ tưởng chắc hết thời gian nghén rồi, nhưng hết ngày thứ hai, mẹ lang thang trên mạng đọc thì thấy người nói nếu hiện tượng nghén dừng đột ngột vậy thì cần phải kiểm tra ngay. Sáng ngày tiếp theo, bố đi làm nên một mình mẹ đến phòng khám, sau khi siêu âm cộng với sự trình bày của mẹ, bác sĩ kết luận “thai boc tách 30%, có dấu hiệu dọa sảy”. Nghe bác sĩ nói mà mắt mẹ mờ đi, tay chân run lẩy bầy và toàn thân thì lạnh toát, mãi một lúc sau mới định thần được. Mẹ chạy xe một mạch về nhà rồi leo lên giường và nằm khóc. Mẹ cứ suy nghĩ vớ vẩn và tưởng tượng ra mọi thứ. Mẹ sợ lắm. Trưa bố về thấy mẹ nằm khóc thì hốt hoảng hỏi chuyện gì xảy ra, mẹ chẳng nói chẳng ràng đưa cho bố tờ giấy siêu âm. Bố bình tĩnh hơn mẹ, gọi điện cho bà ngoại, ngoại bảo luộc trứng gà với ngải cứu rồi gắng mà ăn, nghỉ ngơi, không đi lại nhiều. Nhưng để yên tâm nên chiều đó bố đã chở mẹ tới phòng khám của 1 bác sĩ sản khoa có uy tiên để kiểm tra lại. Sau khi kiểm tra kĩ càng, bác sĩ  kết luận “thai khỏe mạnh”. Ôi, ơn trời, bố mẹ vui như bắt được vàng vậy.

1/3 chặng đường đầu tiên đã trải qua với mẹ như địa ngục trần gian , sau này nghĩ lại, mẹ vẫn thấy sợ, người ta sợ đau đẻ nhưng mẹ lại sợ ốm nghén con trai ạ. Dù mệt mỏi nhưng khi nghe mọi người nói vì thai khỏe nên mới bị nghén, không biết đúng hay sai nhưng cũng an ủi mẹ phần nào.

B Chiến tích đầu tiên của nhóc con!

Cú đạp đầu tiên –  niềm hạnh phúc vào đêm giao thừa…

Qua ba tháng đầu, mẹ đã thấy mình dần ổn hơn, dù còn nôn và ói nhiều nhưng mà cũng ăn được nhiều hơn. Đây là thời gian mẹ đỡ mệt mỏi hơn nên bắt đầu cho con nghe nhạc, đọc thơ và đi tập thể dục đều đặn hơn. Con yêu dường  như cũng hiểu được những tâm tư của mẹ nên cũng đỡ quấy hơn. Mỗi ngày mẹ đều đặn viết lại những thay đổi cho con, có những hôm cuốn nhật kí chi chít chữ nhưng có những hôm chỉ vài ba chữ “bố mẹ yêu con”. Bố cũng dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện, tâm sự cùng con. Mẹ vẫn còn nhớ lắm cái cảm giác lần đầu tiên cảm nhận được cú đạp của con. Đó là vào đêm giao thừa con trai ạ. Bố mẹ đều xa quê, tha hương cầu thực nên mỗi khi đến tết nhìn cảnh người ta dắt díu nhau về quê ăn tết mà lòng mẹ buồn rười rượi. Mẹ cũng mong lắm chứ cái tết sum họp và đoàn tụ sau cả năm trời xa cách, nhưng mà do nhiều điều kiện nên mẹ vẫn chưa thực hiện được niềm mong ước đó. Cho nên, cái tết thứ hai của gia đình mình lại ở miền Nam. Dù có chuẩn bị một ít gọi là không khí đón tết nhưng mà nhà mình vẫn thấy thiếu thiếu điều gì ấy. Năm đó, bố mẹ có gói chung một cặp bánh chưng để vừa cúng ông nội con, vừa cho có không khí tết. Đêm 30 như mọi năm, bố tranh thủ làm gà để cúng giao thừa rồi sang chung vui với mấy thầy ở bên trường. Bình thường mẹ cũng lẽo đẽo theo bố, nhưng năm đó mẹ không thể đi theo vì mẹ đang mang bầu nghe người ta nói là kiêng. Mẹ cũng không mê tín cho lắm, nhưng thôi ở nhà cho lành.

Bố làm xong con gà thì cũng đã 21h đêm, tự nhiên hôm đó bố chưa vội qua trường mà còn nấn ná xem chương trình Chào Xuân trên ti vi. Mẹ nằm cho con nghe nhạc. Con trai mẹ thích nghe nhạc không lời của Bestoven và Moda. Mẹ thấy nhiều sách vở nói cho con nghe nhạc thính phòng để kích thích sự thông minh nên mẹ cũng làm theo. Làm mẹ ai cũng muốn dành điều tốt nhất cho con mình cả con yêu ạ. Mẹ vẫn nhớ rất rõ, lúc cho con nghe bản giao hưởng Đồng quê thì mẹ tháy có một cảm giác gì là lạ ở bụng. Mẹ cố để ý thì thấy thi thoảng như có gì cứ búng búng như con tôm ở trong bụng mẹ. Càng lúc mẹ càng cảm nhận được một cách rõ rệt, nhịp điệu càng lúc càng nhanh và mạnh. Mẹ gọi bố vào, bố cũng lắng nghe và cảm nhận được điều đó. Mẹ gọi ngay cho bà ngoại, bà ngoại nói rằng thai máy hay còn gọi là con đạp. Lúc ấy con tròn 16 tuần tuổi, chuẩn bị bước qua tuần 17. Ôi, con có biết cái cảm giác lúc đó của mẹ như thể nào không? Mẹ không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả hết được những cung bậc tình cảm lúc đó. Lần đầu tiên, mẹ cảm nhận rõ ràng nhất, có một hình hài bé nhỏ đang cựa quậy trong bụng mẹ. Lần đầu tiên mẹ thấu hiểu cái cảm giác rưng rưng khi mà con biết đáp trả những âu yếm, yêu thương của bố mẹ. Bố con vui lắm nên ở nhà luôn với mẹ con mình. Mãi đến sau này, mỗi đêm giao thừa trôi qua, bố đều nhắc lại cái sự kiện quan trong ấy.

Cũng từ giây phút ấy trở đi, con trở nên nghịch ngợm hơn nhiều. Những cú đạp cứ nối tiếp nhau làm mẹ vui mãi, dù có những lúc con làm mẹ đau đến méo mặt, cái bụng của mẹ cũng từ đó mà có những hình thù khác lạ. Con lớn dần lên, mỗi cú đạp mẹ cảm nhận được là bàn chân con, là cùi tay con hay cái mông đáng yêu đang gò mình trong cái bào thai ấm áp kia. Con mặc sức tung hoành nhé…

c. Những ngày tháng sắp cán đích – Con vẫn lì lợm cố thủ mãi trong cái vỏ bọc ấm áp:

Những tháng cuối của thai kì, cơ thể mẹ càng nặng nề hơn, mẹ tăng những 15 kg, một con số ngoài sức tưởng tượng khi mà thời con gái của mẹ đỉnh cao nhất cũng chỉ 42 kg mà thôi. Những giấc ngủ càng trở nên khó khăn hơn vì con lớn nên diện tích bào thai thu hẹp, con đạp nhiều hơn vì sự chật chội, nhỏ bé ấy. Mẹ chẳng thể nằm ngủ một cách thoải mái nữa, có những hôm nửa đêm tình dậy ngồi thu lu một mình dù buồn ngủ cho ríu mắt. Mỗi lần bố đi làm về lại ghé vào bụng mẹ và gọi “Bin ơi” là con lại đạp loạn xì ngầu lên, hoặc có tiếng động mạnh là con như vui sướng lắm, đạp liên hồi. Thấm thoắt, cũng sắp đến ngày dự sinh. Bố mẹ đếm từng ngày để gặp mặt con. Nhưng dến ngày dự sinh, con vẫn tỏ ra không muốn rời cái tổ ấm đã gắn bó hơn 9 tháng ấy dù mẹ đã uống không ít lá tía tô và ăn hết một nồi cháo trắng do mẹ tự tay đi xin về và nấu.

Con vẫn muốn kéo dài sự chờ đợi của bố mẹ. Ba lần đi khám, ba lần bs cho về vì chưa có dấu hiệu gì. Lần thứ 4, bố mẹ quyết định nhập viên cho yên tâm vì đã hết tuần 41, sắp sửa sang tuần 42. Rồi sự chờ đợi của bố mẹ cũng được đền đáp xứng đáng.

d. Con chào đời- niềm hạnh phúc vỡ òa

21h50’’ ngày 30/07/2013 con trai yêu của mẹ chào đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của bố mẹ. Mẹ vẫn nhớ như in cái khuôn mặt ngơ ngác với đôi mắt đen láy nhìn mẹ khi cô y tá bế lại gần cho mẹ nhìn mặt con. Hình ảnh đó đã, đang và sẽ in đậm trong trái tim của ngời mẹ này, con trai ạ!

Giờ đây, mỗi khi nhìn vào khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, nụ cười ấy, mẹ thấy những cực khổ mà ngày trước mẹ mang bầu con đã được đền đáp xứng đáng. Không  từ ngữ nào để diễn tả hết niềm hạnh phúc khi bố mẹ có con. Mỗi lần bàn tay bé xiu, nhỏ xinh ấy áp vào má mẹ, đút vào miệng làm lành mỗi lúc mẹ làm mặt giận, hay mân mê cái bầu vú lúc bú, mỗi lần nhìn con rạng ngời trong nụ cười ấy, lòng mẹ như tan chảy…

Yêu thương đong đầy. Cũng từ cái giây phút con hiện hữu trong cuộc đời bố mẹ là con đã cho bố mẹ một gia đình trọn vẹn, một lí tưởng sống, một tương lai để phấn đấu…Và một nơi để quên đi những mệt nhoài của cuộc sống khi ôm trọn con vào lòng…

2. Hành trình nuôi con: Chặng đường dài với những bài học mẹ chưa bao giờ trải qua:

Nuôi con quả thực chưa bao giờ là dễ dàng với một người lần đầu tiên làm mẹ. Tất cả đều bỡ ngỡ, vụng về từ cách ẵm con, cho con bú hay ru con ngủ. Ngày mới sinh mọi thứ  sao mà lạ lẫm quá chừng.

Những ngày đầu khi con khóc chào đời:

Ngày con ra đời, bố mẹ đã hạnh phúc biết bao nhiêu, nghe tiếng khóc oa oa của con, được ôm con trong vòng tay của mình, mẹ cảm nhận được hơi thở, được nhịp đập đầu tiên khi con gia nhập thế giới này. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi mà sữa mẹ thì mãi không chịu về dù hai bầu ngực căng tức đau đớn, bà ngoại và bố đã dùng đủ cách để sữa về nhưng sao khó thế. Ngày thứ nhất mẹ vẫn còn nhớ như in cái cảnh bố con bón cho con từng thìa sữa công thức vừa vụng về, vừa run run. Sang ngày thứ 2 bà ngoại đã không chịu được cảnh con khóc nấc lên vì khát sữa nên đã bế con đi xin sữa, lúc đó mẹ thấy mình thật bất lực và vô dụng biết bao, có mỗi cái chuyện sữa cho con ăn mà mẹ cũng không làm được, mẹ thật tệ phải không con. Nhưng ơn trời, nhờ chị y tá bày và trực tiếp mát xa ngực cho mẹ mà chỉ cuối ngày thứ 2 sữa mẹ lạ về ồ ạt cho con, nhìn con chúm chím cái miệng nuốt ừng ực từng ngụm sữa mà mẹ hạnh phúc biết bao. Mẹ, bà và bố như thở phào nhẹ nhõm trước kì tích thứ nhất. Mẹ tự trách mình hồi bầu bì lên mạng cứ đọc vớ vẩn cái gì mà những cải trực tiếp liên quan nhất mẹ lại chưa hề một lần lướt qua. Mãi sau này khi đọc những tài liệu về sữa mẹ, mẹ lại thấy hối hận vì đã không cho con được những giọt sữa non đầu đời, bới theo các tài liệu mà mẹ đọc được thì những giọt sữa non ấy như thần dược. Mẹ đã không làm được cái việc đơn giản mà tất cả các bà mẹ đều làm được cho con mình, mẹ cảm thấy áy náy vô cùng…

Cú sốc đầu tiên khi lần đầu làm bố, làm mẹ

Tuy nhiên, việc sữa chưa về kịp cho con trai không gì thấm tháp với những gì mà gần 1 tuần sau sinh bố, mẹ, con và bà ngoại trải qua con trai ạ. Có lẽ, vì con nằm trong bụng mẹ 41 tuần và khi sinh con ra, nước ối đã chuyển màu nên ngay sau sinh còn cần được theo dõi và uống thuốc kháng viêm, vì các bác sĩ sợ con bị nhiễm khuẩn từ nước ối. Kết quả kiểm tra đều ổn cả. Duy chỉ có một điều, sang ngày thứ 3, khi bố thay áo quần cho con, bố đã phát hiện ra con có dấu hiệu của bệnh vàng da, ngay lập tức, bố lên báo bác sĩ, con được mang lên để lấy máu xét nghiệm. Mẹ ôm con lên phòng xét nghiệm lấy máu mà chân không thể nào bước nổi, dù sau sinh mẹ thấy mình rất khỏe so với những người xung quanh, mẹ có thể tự làm vệ sinh cho mình mà không cần ai giúp đỡ và có thể chạy phăng phăng khi tới lúc tái khám lại. Mẹ cảm thấy như trời đất sụp đổ bởi lúc đó mẹ chẳng thể biết vàng da là gì nữa. Nghe tiếng con khóc khi bị lấy máu xét nghiệp mà lòng mẹ gan ruột rối bời, mắt mẹ nhòe đi. Dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng ngay sau đó, con được mang lên phòng chiếu đèn dành cho trẻ bị vàng da. Mãi sau này, mẹ mới biết, những  em bé được sinh vào mùa mưa như con dễ mắc bệnh vàng da, đó có thể là vàng da sinh lí hoặc bệnh lí vì thiếu ánh nắng mặt trời nên cơ thể  không thể tổng hợp được vitamin D. Những ngày đầu mẹ đã cảm thấy cực kí mệt mỏi, nhưng những ngày sau đó không nghĩa lí gì so với lúc đầu con ạ. Khi con được mang lên phòng chiếu đèn thì ở đó đã có 1 bạn nằm đấy, nghe nói đã nằm 10 ngày rồi mà vẫn chưa tiến triển gì. Mẹ thật sự run sợ con trai ạ. Mà không sợ sao được khi mà một đứa trẻ sơ sinh cò vài ba ngày tuổi, cơ thể trần truồng, mắt bị bịt kín bằng băng đen, chỉ mặc 1 cái bỉm và băng rốn, rồi nằm trong một cái lồng có 8 bóng đèn chiếu trực tiếp lên cơ thể. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đó, mẹ thấy trời đất nghiêng ngả, mẹ sợ lắm, mẹ cứ ôm con khư khư trong tay mà không dám bỏ con ra cho cô y tá hướng dẫn đặt vào lồng chiếu đèn, mãi một lúc sau mẹ mới đưa con cho bố rồi bỏ ra ngoài bịt kín mắt không dám nhìn. Nhưng mãi con vẫn không chịu hơp tác, không chịu nằm yên để đeo cái băng đen vào để bảo vệ mắt, con liên tục lấy tay quơ quơ và kéo ra. Làm mãi không được, cô y tá đành hướng dẫn cho bố rồi đi làm việc của cô ấy. Mẹ nhin con mà xót quá, mẹ chỉ cầu trời nắng để con được tắm nắng có lẽ sẽ đớ hơn phải nhìn con trong cảnh tội nghiệp đó, nhưng con sinh ra đang ở giữa trọng điểm của mùa mưa thì lấy đâu ra được chút nắng chứ. Vậy là bố đành phải kiên nhẫn đeo vô tháo ra mấy chục lần cũng không tài nào đẻ con vào cái lồng kính được. Cuối cùng, mẹ đành phải ôm con ngồi ghế cho con bú say rồi từ từ thả con vào lồng, nhưng cứ được 5 phút là con lại lăn lộn, mẹ đành ôm con và quay đèn chiếu trực tiếp vào người luôn. Bây giờ nghĩ lại, mẹ không biết lúc ấy sao mà mẹ giỏi vậy, mới sinh được 2 ngày mà mẹ đã phải ngồi hàng giờ ôm con vậy để chiếu đèn, dù lưng mẹ đau nhức, mỏi cổ, mỏi tay, nhưng mẹ vẫn cố. Bà ngoại thì cứ vào phòng là nước mắt ngắn, nước mắt dài, không thể làm được gì, còn bố thì luýnh quýnh. Cái băng đen che mắt của con cứ bị lôi ra lôi vào mãi con vẫn không chịu, mà nếu để đèn công suất cao vậy chiếu trực tiếp vào mắt thì sẽ hỏng mắt con mất, cho nên chỉ cần con lăn lộn 1 tí là bố mẹ bế ra ngay. Luẩn quẩn hết một ngày mà hầu như không thể nào chiếu đèn được cho con. Đêm, con ngủ say giấc thì bố mẹ lại cho con vào, cả nhà phân chia nhau để canh con, bố 4 tiếng, gì cả 4 tiếng, mẹ thì bà ngoại bắt đi ngủ để có sữa cho con bú, nhưng mà làm sao mẹ ngủ được khi con một mình cô đơn trong cái lồng chụp vậy chứ,nhìn cảnh 1,2 giờ sáng, bố vẫn ngồi bên cạnh canh con mà lòng mẹ quặn thắt, lúc ấy, mẹ thương con, thương bố biết nhường nào…Hai người đàn ông quan trọng của cuôc đời Mẹ. Sau này, con hãy biết yêu thương và trân trọng sự hi sinh mà bố đã dành cho con, con trai nhé!

Những ngày sau, cả nhà mình hốc hác trong lo âu, dù con cũng đã đỡ được phần nào, mẹ lo sợ nhất là khi đêm đến, vì khi đêm đến, mẹ sợ cả nhà mệt mà lỡ ngủ quên, mẹ sợ con phải nằm cô đơn trong cái lồng kính đáng ghét ấy… Một tuần ròng ra, cả nhà mình vật vờ trong bệnh viện, ai cũng mệt mỏi, đờ đẫn, nhưng ai cũng cố gắng tỏ ra vui vẻ, thoải mái để trấn an tinh thần Mẹ. Nhưng mẹ biết, con trai mẹ thương mọi người nên cũng đã hợp tác, đỡ quấy hơn, dần dà, làn da con cũng đã trở nên hồng hào, có sức sống. Khi bác sĩ khám lại, thấy có dấu hiệu tiến triển tốt nên đã cho con xuất viện để về nhà tiếp tục theo dõi và tắm nắng. Nghe được tin này, ai cũng mừng chảy nước mắt, như trút được gánh nặng nghìn cân trên vai. Ngày con xuất viện, cả nhà mình như được tái sinh, bà ngoại đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ để đón 2 mẹ con mình về cái tổ chim ấm áp. Người hạnh phúc nhất có lẽ là bố và mẹ, những ngày tháng ấy, mẹ chẳng thể nào quên được.

Rồi những khó khăn của lần đầu làm mẹ cũng dần qua, dần dần mẹ cũng có chút kinh nghiệm nhiều hơn trong việc chăm con, lo cho con ăn uống, chơi đùa với con. Có những lúc con ốm, bố mẹ thức trắng để lo cho con, những lúc con ốm bệnh không chịu ăn uống … tất cả rồi cũng trở thành bình thường. Mẹ chịu khó đọc sách, tìm hiểu các kiến thức về nuôi dạy con, ngày ấy bữa nào mẹ cũng mò vào Mary Baby để học hỏi kinh nghiệm của các mẹ đi trước. Có lẽ vì vậy mà giờ ngồi lật giở lại những đoạn nhật kí mẹ viết cho con trên Blog Em bé cũng khá nhiều, lâu lâu mẹ vẫn ngồi đọclại để thấy những ngày trôi qua thực sự ý nghĩa với mẹ như thế nào.

Mỗi ngày nhìn con lớn lên, lòng mẹ lại trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau.Lần đầu tiên nhìn thấy nụ cười của con, giòn tan, trong trẻo, thánh thiện đến không cùng… Mẹ thấy, thế giới này sao đẹp đến thế, mẹ nhìn thấy cầu vồng rực rỡ và những bình yên rải thảm… Khi con ốm, nhìn vào đôi mắt mệt mỏi, nụ cười nhợt nhạt, tim mẹ như bị ai bóp nghẹt, mẹ ước giá như mẹ có thể chịu đựng thay con tất cả, điều mà mẹ tin bất cứ bà mẹ nào trên đời cũng muốn như vậy…

Ngày con chập chững bước chân đầu tiên của cuộc đời, lòng mẹ thấy hân hoan đến lạ… Con đã tự bước trên đôi chân của mình để đón nhận những cung bậc cuộc sống đang chờ đợi con phía trước… Con vấp ngã, dù lòng mẹ chỉ muốn chạy ngay lại để đỡ con dậy, ôm con vào lòng và an ủi…Nhưng không lí trí mach bảo mẹ “hãy để con tự bước đi và tự đứng dậy sâu vấp ngã”, vậy nên, dẫu ánh mắt con như cầu cứu, như van xin, như nhờ vả, như tin cậy hướng về mẹ, mẹ vẫn phải tự kiềm chế cảm xúc…

Rồi cái thời con cất tiếng gọi “ mẹ oi” mà tim mẹ như muốn tan chảy…Lòng mẹ lâng lâng trong niềm hạnh phúc khôn tả, mẹ thấy mình bỗng trở nên dịu hiền đến lạ, bao dung và thiện nguyện hơn…Nhà mình ríu rít,líu lo tiếng con yêu mỗi ngày, mẹ như thấy lòng mình trẻ lại trong những giây phút ở bên con.

Mỗi ngày thức dậy, con đều ôm mẹ vào lòng, hai bàn tay nhỏ xíu vỗ vỗ nhẹ vào lưng và thủ thỉ “mẹ ơi, em yêu mẹ” sao mẹ thấy lòng thênh thang đến lạ, mẹ thấy đời mình ý nghĩa biêt bao nhiêu…Con dạy cho mẹ biết yêu thương, biết khoan dung, biết kiềm chế cảm xúc, và biết trao đi yêu thương thật nhiều để nhận về những yêu thương…

Tuy nhiên, dẫu việc chăm con, nuôi con chiếm khá nhiều thời gian của mẹ nhưng mẹ vẫn không quên được nhiệm vụ ở cơ quan của mẹ đâu nhé. Mẹ vẫn cố gắng dành thời gian lo cho chuyên môn để không thua kém ai nha. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ, chia sẻ từ bố mà mẹ đã đạt được những mục tiêu phấn đấu mẹ đề ra.  Mẹ luôn cố gắng nỗ lực hết mình để xứng đáng làm tấm gương sáng cho con sau này.

Hạnh phúc dường như mẹ nhận lại được lớn hơn gấp nhiều lần mà những cố gắng nỗ  lực mẹ đã bỏ ra. Niềm hạnh phúc của mẹ, của gia đình mình dường như nhân đôi khi mẹ biết mình đã có thêm một thành viên bé nhỏ hiện hữu trong cuộc sống của mẹ. Cái cảm giác mang thai lần đầu hay lần thứ hai vẫn nguyên vẹn những cảm xúc ban đầu. giờ đây, mẹ đang cố gắng nhiều hơn nữa cho cuộc sống của  chính mình, của gia đình mình. Hơn ai hết, mẹ cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn. Người ta bảo hạnh phúc là có một chốn để đi về, một gia đình để yêu thương, một công việc để cống hiến, mẹ thấy mình đang có tất cả những điều đó. Mẹ thực sự hài lòng và mãn nguyện với cuộc sống bây giờ. Dẫu biết cuộc đời phía trước sẽ nhiều khó khăn, vất vả và cả những lo toan, nhưng bản thân mẹ sẽ cố gắng để luôn là chính mình, để mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa. Bởi bản thân mình có hạnh phúc thì mới đem lại hạnh phúc và tiếng cười cho người khác, phải không các mẹ?

Phái đẹp toàn năng - Hành trình khẳng định chính mình và trải nghiệm thiên chức làm vợ, làm mẹ!
0
2.5k
0 Bình luận
may mắn nha mom ơi, luôn thành công như này nè
7 năm trước
Thích
Trả lời
may mắn nha chị, bài viết hay quá đi à
7 năm trước
Thích
Trả lời
may mắn nha chị, có quà nhé
7 năm trước
Thích
Trả lời
chúc chị may mắn nha, đọc bài của chị mà ngưỡng mộ quá đi à
7 năm trước
Thích
Trả lời
chúc người đẹp đạt giải nha, may mắn nhé
7 năm trước
Thích
Trả lời
ngưỡng mộ chị quá đi á, may mắn chị nha
7 năm trước
Thích
Trả lời
chúc nàng có quà nha, ngưỡng mộ thật luôn ý
7 năm trước
Thích
Trả lời
mọi nỗ lực cố gắng đều xứng đáng được đền đáp chị nhỉ?
7 năm trước
Thích
Trả lời
ngưỡng mộ quá chị ơi, nghĩ lại em còn thua xa á
7 năm trước
Thích
Trả lời
nàng thật giỏi, vừa làm tốt việc nước vừa đảm việc nhà nè
7 năm trước
Thích
Trả lời
Xem thêm 51 bình luận
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!