🔥 Bài đăng hot nhất

GIÚP BÉ TẬP ĐÁNH RĂNG, TƯỞNG KHÓ MÀ LẠI DỄ!

Có mẹ nào đang ấp ủ tập đánh răng cho con không, đọc bài này với mình nha. Minh thấy bạn chia sẻ rất kỹ và chi tiết ạ!


Mỗi ngày 2 lượt, đều đặn sáng và tối, mình đều bỏ hết công hết việc để đánh răng cùng hoặc đứng ngắm con đánh răng. Rồi thêm mấy phút nữa cho bạn ấy nằm ra ngửa mặt há miệng để mẹ đánh răng lại. Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã có thâm niên hơn gần 3 năm trong việc này


Vậy nên, trong bài viết này mình xin được tổng kết nhanh bộ môn BÉ TẬP ĐÁNH RĂNG, dành cho các bố mẹ có con từ 0-3 tuổi nhé.



Giai đoạn dưới 1 tuổi



Nên bắt đầu chăm sóc răng cho con ngay từ khi có chiếc răng sữa đầu tiên (thường là 6 tháng). Trên thị trường có nhiều loại gặm nướu có các sợi silicon để bé vừa gặm vừa chà răng nhưng mình không dùng mà lựa chọn bàn chải có đầu silicon, để bạn nhỏ làm quen với việc chải răng bằng bàn chải, người lớn chải răng bên cạnh làm mẫu cũng dễ dàng hơn. Bạn có thể chọn bàn chải có tay cầm to cho bé dễ dàng thao tác, còn có vòng tròn chặn để tránh con thọc bàn chải quá sâu trong miệng.


Dưới 1 tuổi thì mình chưa cho con sử dụng kem đánh răng, mà chỉ súc miệng bằng nước lọc, thường là bạn ấy đều nuốt chứ chưa biết nhổ, nhưng cũng cần tập vì vậy dùng nước lọc cho an toàn.


Tầm này xác định là con sẽ chỉ ngậm, chơi, nhai… bàn chải là chính, nhưng không sao, giai đoạn này chưa cần chú trọng đánh răng sao cho đúng mà chỉ cần bạn ấy biết cầm bàn chải, tạo thói quen và vui vẻ với việc chải răng mỗi ngày là được.


Sau khi con tự chải chán chê thì mình sẽ dùng rơ lưỡi bằng silicon đút vào đầu ngón tay để vệ sinh lại. Yên tâm con có cắn cũng không đau đâu mình đã thử. Cái nào cơ lông mềm, dài khoảng 2 đốt ngón tay là được.



Giai đoạn từ 1-3 tuổi


BƯỚC 1: CHUẨN BỊ


Giai đoạn này mình đổi cho con sang bàn chải đánh răng đầu lông nhựa mềm. Để mà nói về độ mềm thì vô cùng, nên là bố mẹ cứ mua vài loại về dùng rồi so sánh chọn ra loại mà bạn thấy mềm nhất nhé. Thêm vào đó, đầu bàn chải cũng phải bé để khi di chuyển trên bề mặt răng sẽ không chườm quá nhiều lên phần lợi nướu khiến lợi nướu bị đau.


Kem đánh răng thì ngoài việc có hương vị mà con thích, bố mẹ hãy chú ý chọn loại có thể nuốt được, vì khi trẻ mới đánh răng rất hay nuốt vào miệng.


BƯỚC 2: GIÚP BÉ HIỂU ĐƯỢC TẠI SAO LẠI PHẢI ĐÁNH RĂNG


Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo con để con hiểu nên vệ sinh răng miệng là việc tốt. Có thể cho con xem các sách về chủ đề này, ví dụ mình hay đọc quyển “Răng trắng khỏe, nụ cười xinh” trong bộ Tớ yêu cơ thể mình, có nhân vật ông nội rất lười đánh răng nên lớn lên đầy răng sâu còn về già phải dùng răng giả rất bất tiện, sách còn nói về vì sao răng lại sâu và làm thế nào để có 1 hàm răng khỏe đẹp (bao gồm cả việc đánh răng). Hay quyển “Cổ Oai ơi, đánh răng mỗi ngày 2 lần nhé” trong bộ truyện Cổ Oai ơi của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo.


BƯỚC 3: HƯỚNG DẪN BÉ ĐÁNH RĂNG ĐÚNG CÁCH BẰNG VIỆC LÀM MẪU


Bố mẹ làm mẫu cho con bằng cách đánh cùng con, chỉ cho con xem răng trước, răng sau, các mặt của răng để bé nắm bắt cách làm. Lưu ý không được dạy con chải răng kiểu kéo đàn, nó sẽ làm tổn thương lợi, hại men răng ghê gớm.


Bạn cũng có thể cho con xem clip có cảnh các bạn đánh răng để bé bắt chước theo, mình hay bật bài Brush your teeth.


BƯỚC 4: BỐ MẸ ĐÁNH LẠI CHO BÉ


Sau khi bé tự chải răng xong sẽ đến màn bố mẹ đánh lại cho sạch. Lưu ý cần chọn tư thế sao cho thoải mái nhất để các bạn ấy không sợ việc bố mẹ đánh răng cho. Mình để con nằm ra, đầu gối lên đùi mẹ, mặt ngửa lên trên và hơi chếch khoảng 45 độ (chứ không ngửa hẳn song song với trần nhà).


Mình sẽ hô to “Đan ơi, AAA… nào!”. Với việc hô A thật to, miệng con cũng sẽ mở lớn, lúc đó chải mặt nhai và mặt trong của răng, chải từ chân răng lên (với mặt trong) và kéo từ trong ra ngoài (với mặt nhai). Tiếp theo, mình hô “Đan ơi, III… nào!”. Với việc hô I thật to, hai hàm của con sẽ cắn vào nhau để bắt đầu chải mặt ngoài của răng. Mình làm mẫu nhe răng “I kiểu chuẩn”, tức 2 hàm đủ chạm vào nhau (chứ không phài 2 hàm cắn vào nhau). Khi chải thì chải lần lượt 2 răng mỗi lần, đầu bàn chải sẽ chếch lên 45 độ nếu chải hàm trên và chếch xuống 45 độ nếu chải hàm dưới, để làm sạch bề mặt răng lẫn phần tiếp xúc giữa răng-lợi và cả 1 phần lợi nữa.


Và đừng quên làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa. Bố mẹ lưu ý không bật lên bật xuống vì dễ bật mạnh khiến chảy máu lợi của con, mà nên tì chỉ nha khoa vào 1 bên răng, kéo xuống nhẹ nhàng, rồi tì vào bên răng đó và kéo lên; xong lặp lại với kẽ răng đó nhưng tì chỉ nha khoa vào bên răng bên kia, như thế mới có tác dụng làm sạch kẽ răng.



Một số lưu ý khi giúp bé tập đánh răng


- Không nên gây căng thẳng với con gây ra áp lực. Nếu bé không thích đánh răng lúc đó, ba mẹ sẽ cất đi và thử vào lúc khác. Luôn nhớ là giai đoạn 0-3 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn là giai đoạn bé tập đánh răng thôi, nên hãy sẵn sàng tâm thế để luyện sự kiên trì với các bạn nhỏ nhé.


- Hãy tập cho bé đánh răng đều đặn mỗi ngày vào một giờ cố định để bé có thói quen, cứ đến giờ đó lại biết mình phải đánh răng.


- Và đừng quên khen ngợi bé” “Con của mẹ thật giỏi, răng con đã trắng đẹp hơn rồi đấy, con đánh răng đúng cách nên hơi thở thật thơm tho”. Những câu nói khích lệ khiến bé rất thích thú vì mình là người giỏi giang, sẽ tự giác đánh răng mà không cần ba mẹ nhắc.


Mong rằng ba mẹ sẽ tạo được hứng thú và giúp bé hiểu ý sự cần thiết của việc vệ sinh răng miệng hàng ngày, tránh được việc sâu răng cho bé. Đồng thời giúp con có sức khỏe tốt cũng như sự tự tin trong giao tiếp sau này.


Cre: Hoang Lan Phuong

GIÚP BÉ TẬP ĐÁNH RĂNG, TƯỞNG KHÓ MÀ LẠI DỄ! 
7
4.2k
3 Bình luận

dễ thương quá ạ, mình tập con theo bí quyết này mới được, bữa giờ con cũng ngặm cắn đầu bàn chảy thôi làm mình muốn bỏ cuộc rồi

1 năm trước
Thích
Trả lời

Tip hay quá nè. Bé nhà mình cũng luyện cho thích đánh răng từ bé

1 năm trước
Thích
Trả lời

Hay quá mom. Cám ơn chia sẻ rất chi tiết của mom

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!