NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN DIỆN MỘT TRƯỜNG MẦM NON KHÔNG TỐT

Khi con đi học, bố mẹ sẽ có rất nhiều lo lắng. Mặc dù mỗi trường mầm non tùy vào giá cả và định hướng sẽ khác nhau rất nhiều nhưng có nhiều điểm cơ bản mà bố mẹ có thể nhận diện được ở các trường, nhất là trường tư thục có giá cả từ khoảng 3 triệu/ tháng trở lên.


-THAY GIÁO VIÊN THƯỜNG XUYÊN VÀ KHÔNG ĐÀO TẠO NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO VIÊN


Đối với một trường mầm non, điều quan trọng nhất là giáo viên. Nhiều trường mầm non còn quy định không thay đổi giáo viên trong ít nhất 1 năm để đảm bảo trẻ không bị xáo trộn quá nhiều vì chúng sẽ mất thời gian làm quen với giáo viên, giáo viên cũng mất thời gian để tìm hiểu từng trẻ. Vì thế, hãy đảm bảo giáo viên đứng lớp của con không bị thay quá thường xuyên, tối đa chỉ thay 1 lần, 1 cô giáo trong suốt 1 năm học. Nếu trường có giáo viên đã công tác trên 3 năm có thể là dấu hiệu chứng tỏ chế độ đãi ngộ của trường khá ổn. Việc trường liên tục thay giáo viên, tỉ lệ giáo viên nghỉ việc cao hay các giáo viên vừa mới được nhận vào làm đã trực tiếp làm giáo viên chính phản ánh quy trình tuyển dụng và chất lượng giáo viên của trường có vấn đề, cho dù trường có bào chữa bằng lí do gì đi chăng nữa.


Công việc của một giáo viên mầm non rất áp lực nên một môi trường làm việc thoải mái sẽ giúp các cô có nhiều năng lượng hơn. Vì thế, hãy quan sát và chú ý đến cách các cô tương tác, phối hợp với nhau trong lớp có hài hòa không, khi có vấn đề các cô có đổ lỗi cho nhau không. Những người quản lí trường đánh giá và kiểm soát chất lượng của các cô, nói chuyện với các cô có nghiêm minh và phù hợp không hay khó chịu và bắt ép. Một số trường thực sự rất niềm nở với phụ huynh nhưng đối xử với giáo viên không tôn trọng, không tạo cảm hứng cho họ làm việc hiệu quả.


Một vấn đề nữa là hãy xem trường có những cách để giảm tải công việc cho các cô không hay yêu cầu các cô làm từ A đến Z. Giảm tải có thể là phân chia giáo viên dạy và trợ giảng, giáo viên dạy và giáo viên chăm sóc, giáo viên chuyên biệt giảng dạy các môn như tiếng Anh, kĩ năng sống, thể chất…, tăng cường nhân viên tạp vụ để đảm nhiệm toàn bộ công việc vệ sinh; các giáo viên tuyển sinh và hiệu trưởng, hiệu phó hỗ trợ chăm sóc trẻ mới đi học hay những trẻ quá khó thích nghi để hỗ trợ giáo viên đứng lớp.... Việc này sẽ giúp các cô quản lí lớp tốt hơn, giảm thời gian và số việc phải làm, tăng thời gian nghỉ ngơi và đầu tư thời gian cho việc sáng tạo, tương tác chất lượng với trẻ.


Trường chú trọng đến chất lượng cũng sẽ đầu tư đào tạo đầu vào cho giáo viên, training thường xuyên hàng tháng, có thể mời chuyên gia bên ngoài hoặc đơn giản chỉ là giáo viên trong trường training lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm. Những việc này tùy vào mức học phí để trường có thể cân đối phù hợp và đây là điểm để đánh giá trường có thật sự đầu tư vào con người không.


-VỆ SINH HOẶC THAY QUẦN ÁO KHÔNG ĐẢM BẢO RIÊNG TƯ


Mỗi trường có cách bố trí nhà vệ sinh riêng, nhà vệ sinh trong lớp hoặc vài lớp chung một nhà vệ sinh. Tốt nhất hãy chọn trường có nhà vệ sinh phân chia nam và nữ riêng biệt, có thể trong cùng một phòng, chỉ cần có vách ngăn riêng. Nếu nhà vệ sinh của trường quá bé, ít nhất hãy đảm bảo có vách ngăn khu vệ sinh và rửa tay để trẻ không phải đi rửa tay khi bạn khác đang vệ sinh trong đó. Các em nhỏ dưới 2 tuổi có thể các cô cho đi vệ sinh hay thay quần áo trong lớp vì di chuyển còn khó khăn nhưng với các bạn trên 2 tuổi thì không nên để bé đi vệ sinh ngay trong lớp, trước mặt các bạn hay đi vệ sinh ở nhà vệ sinh mà không đóng cửa hay có vách ngăn, thay quần áo trước mặt nhau hay đi vệ sinh xong cởi truồng vào lớp. Các cô giáo mầm non thường quen và tiện cho trẻ đi vệ sinh tại chỗ, thay quần áo trong lớp nhưng đây là những bài học cơ bản đầu tiên về vệ sinh cá nhân và an toàn thân thể mà trẻ cần học, việc các cô có chú trọng đến những cái đó không sẽ thể hiện việc các cô tích cực tiếp thu để tạo môi trường tốt hơn cho trẻ thế nào.


-THIẾU TƯƠNG TÁC VỚI PHỤ HUYNH


Để có thể giáo dục trẻ tốt nhất cần có sự tương tác và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Sự tương tác này không phải là qua việc hàng ngày các cô niềm nở chào đón bố mẹ và các con hay khen ngợi con. Sự tương tác này có chất lượng hay không thể hiện ở chiều sâu của những trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên.


Ở mỗi trường sẽ có cách riêng để thực hiện việc này như gửi nhận xét của giáo viên về trẻ cho gia đình hàng tháng. Nhưng chỉ một chút tinh tế, bố mẹ có thể biết các cô giáo có bỏ tâm sức vào bản nhân xét ấy không. Nếu bản nhận xét ấy chi tiết đến từng bữa con ăn được mấy bát, mấy thìa thì chứng tỏ trường quá chú trọng việc ăn uống và áp lực lên các cô khá nặng, các hoạt động khác khó đảm bảo được vì mỗi cô phụ trách 5, 7 bạn, mỗi ngày ăn 4-5 bữa, các hoạt động ăn học liên tiếp nhau, chưa kể dọn dẹp, vệ sinh (mặc dù việc này cũng có thể do áp lực từ phía bố mẹ về chuyện ăn của con). Nếu bạn muốn con được trải nghiệm và vui chơ nhiều, hãy đề nghị các cô tập trung vào các hoạt động học tập và trải nghiệm của trẻ, phần ăn uống chỉ cần ghi chú lại hôm nay con ăn có nhiều/ ít hơn những ngày thường một cách rõ ràng không là ổn.


Về các nhận xét khác của trường về con, bố mẹ là người hiểu con nhất và chỉ cần để tâm đọc cũng có thể hiểu được cô có hiểu và để ý đến con mình hay không. Nếu phần nhận xét của cô càng chi tiết, có những ví dụ, sự việc cụ thể như hôm nay nói gì, hành động như thế nào thì càng chứng tỏ cô thật sự hiểu và để ý đến trẻ còn nếu nhận xét chung chung, không có dẫn chứng cụ thể thì bố mẹ hãy đặt câu hỏi với cô.


Nếu trường không có nhận xét của trẻ hàng tháng hay họp riêng với phụ huynh thì ít nhất cũng cần có một thông báo về tuần vừa qua của lớp con học như thế nào hoặc tích cực trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi trả trẻ, chỉ cần chú trọng vào những bất thường ngày hôm đó là đủ.


Khi bạn có ý kiến với bất kì vấn đề nào của trường, hãy góp ý với giáo viên hoặc người phụ trách tuyển sinh ở trường và đánh giá thái độ của trường có tiếp thu góp ý đó không, nếu có thì tiến hành thế nào, nếu không thì lí do vì sao. Vấn đề ở đây không phải là việc trường sẽ tiếp thu mọi ý kiến của phụ huynh mà là thái độ khi tiếp thu, đánh giá ý kiến đó và tích cực đổi mới để có môi trường tốt hơn cho các con hay không.


-LỚP HỌC KHÔNG ĐẢM BẢO SẠCH SẼ VÀ THÔNG THOÁNG


Một vấn đề ở nhiều trường tư hiện nay là bố mẹ thường chỉ đón, trả con ở cổng và tầng 1, rất ít khi lên thăm lớp học của con. Chính vì thế, bố mẹ sẽ có thể ngạc nhiên nếu một ngày vô tình lên thăm sẽ thấy lớp học của con bừa bộn, bẩn hay nhếch nhác. Một lớp học mầm non không cần lúc nào cũng gọn gàng nhưng ít nhất đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, xử lí nhanh chóng mùi thức ăn hay lỡ các bé đi vệ sinh trong lớp. Vì thế, hãy thi thoảng dạo thăm và để ý lớp học, nhà vệ sinh của con và hỏi nhà trường xem quy trình dọn dẹp, vệ sinh nhà trường có đảm bảo không (ít nhất là tổng vệ sinh toàn trường 1 tuần/ lần, khử trùng đồ chơi của trẻ)


-CHẤT LƯỢNG VÀ VỆ SINH BỮA ĂN


Thực phẩm bẩn và lượng, chất của bữa ăn ở trường luôn là vấn đề khiến nhiều bố mẹ bận tâm nhất sau những lùm xùm thực phẩm bẩn, bữa ăn èo ọt ở nhiều trường, kể cả những trường quốc tế, chất lượng cao thu phí cao ngất ngưởng nhưng bố mẹ lại dường như chẳng mấy khi bước chân đến bếp ăn của trường.


Bố mẹ thi thoảng vào cuối ngày hoặc đầu buổi sáng khi đón trẻ nên ghé thăm bếp ăn 1 lần/ tháng để kiểm tra độ sạch sẽ và thức ăn lưu cữu ở bếp ăn. Hầu hết các trường hiện nay đều có bếp ăn 1 chiều, thực phẩm cũng nhập từ nhiều nhà cung cấp khác nhau bố mẹ khó có thể thẩm định được. Tuy nhiên, ít nhất thi thoảng quan sát xem cô đầu bếp của trường có phải là người sạch sẽ và nấu ăn vệ sinh không, bếp ăn của trường có lộn xộn không, thức ăn sống chín có lẫn lộn không, rác có bừa bãi trên bệ hay dưới đất không, ruồi muỗi có bâu thức ăn không… sẽ giúp bố mẹ đảm bảo những yêu cầu nhất định cho bữa ăn của con.


-HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP VÀ THỂ CHẤT


Ngoài các trường quốc tế hoặc các trường theo một phương pháp giáo dục sớm nào đó đúng hướng có chương trình học khá chuyên biệt và được lên kế hoạch tỉ mỉ, hầu hết các trường tư thục hiện nay đều chắt lọc những hoạt động, phương pháp và tự lên lịch học riêng cho mình theo từng tuần, từng tháng. Vì vậy, khi nhìn vào lịch học, bố mẹ hãy xem sự cân đối giữa các hoạt động học tập và vui chơi tự do, thể chất, sáng tạo. Liệu các bé có bị học quá nhiều mà không có thời gian vận động, vui chơi không? Khoảng thời gian giữa các hoạt động có hợp lí không, ít nhất phải 30 phút cho mỗi hoạt động, chưa kể thời gian di chuyển và ổn định. Trong giờ học nếu bé không hào hứng thì các cô có cho phép bé chơi ở góc chơi riêng của lớp và không làm phiền các bạn đang học không? Bất kì hoạt động nào cũng không thể khiến tất cả trẻ hào hứng nên nếu các cô bố trí một vài góc hoạt động khác nhau sẽ giúp trẻ tham gia tốt hơn.


-BIỂU HIỆN CỦA TRẺ


Cách tốt nhất để bạn nhận biết tình hình của con ở trường là nhìn vào biểu hiện của con. Nếu con bạn đi học về mà quá ngoan ngoãn, yên lặng, trông thì có vẻ vào khuôn phép nhưng thực chất là sợ sệt thì cũng không hẳn là một dấu hiệu tốt, có thể bé đã bị dọa nạt, ép buộc ở trường. Nhưng nếu như bé có những dấu hiệu như nửa đêm sợ hãi khóc lóc, tè dầm dù trước đó đã biết đi vệ sinh thành thạo… có thể là dấu hiệu bé gặp phải vấn đề gì đó, không nhất thiết là ở trường nhưng bố mẹ cũng nên lưu tâm chú ý.


Và quan trọng hơn là hãy quan sát các cô và trò chuyện với con hàng ngày. Khi nói chuyện các cô có ngồi xuống ngang tầm con không, cách nói chuyện là cáu kỉnh hay nghiêm túc, con đi học về kể chuyện ở lớp có gì bất thường không… Các bé lớn còn có thể thích chơi trò chơi đóng vai làm cô giáo, diễn lại những gì cô thể hiện ở trường cũng là cách để bố mẹ nhận diện. Tuy nhiên, bố mẹ không nên dùng tâm lí đề phòng để hỏi con như “Hôm nay cô có đánh con không?”, điều này sẽ gây tác dụng ngược lại, tạo thành áp lực cho cả cô giáo và con. Hãy để tâm nhưng đừng soi mói và nghi ngờ nhé!


Hi vọng những tổng kết trên đây của Mầm Nhỏ sẽ giúp các trường có thể quản lí trường tốt hơn, hoàn thiện hơn và các bố mẹ sẽ quan tâm hơn đến việc học của con ở trường và phối hợp, hỗ trợ nhà trường nhé!

Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
4
2

Chuẩn luôn mom ạ. Mình toàn hỏi và để ý con xem thái độ của con về trường thế nào

3 năm trước
Thích
Trả lời

Quá chi tiết luôn, cảm ơn chia sẻ của mom, mình sẽ lưu ý sau này để chọn trường thích hợp cho con

3 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!