Đọc truyện cổ tích cho bé giúp phát triển tư duy và ngôn ngữ

Đọc truyện cổ tích cho bé vừa là phương pháp giúp bé tiếp cận kiến thức phổ thông, lại vừa thúc đẩy khả năng ngôn ngữ (nghe, đọc) của bé phát triển nhanh chóng. Dưới đây là một vài câu chuyện nhỏ, mẹ hãy đọc truyện cổ tích cho bé nhé!

Đọc truyện cổ tích cho bé: Chú chồn lười học

Ở một khu rừng thông nọ, có một chú chồn mướp sống cùng cha mẹ. Vì là con một trong nhà nên chồn mướp được cha mẹ cưng chiều hết mực. Mặc dù đã đến tuổi đi học nhưng chồn con vẫn không chịu đến trường học chữ, suốt ngày chỉ rong chơi.

Một hôm nọ, chồn mải rong chơi nên bị lạc vào trong rừng sâu và không tìm được đường ra. Chồn lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường, nhưng ngặt nỗi, chồn không biết chữ nên không đọc được. Lúc này, chồn con mới hối hận, vừa khóc vừa nghĩ, nếu trước đây chịu khó đi học, biết chữ thì bây giờ đâu phải khổ thế này.

Đúng lúc ấy, một bác sư tử bất ngờ xuất hiện. Chồn con tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha. Nào ngờ, bác sư tử trả lời: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ nên không đọc được bảng chỉ đường đúng không?”.

Chồn con nghe vậy gật đầu. Được bác sư tử khuyên răn và chỉ đường, chồn con cuối cùng cũng tìm được về nhà. Từ đó, chồn con quyết tâm đi học đều đặn và chăm chỉ mỗi ngày.

Ý nghĩa: Đọc truyện cổ tích “Chú chồn lười học” cho bé dạy bé rằng trẻ em cần chăm chỉ học hành, trang bị kiến thức đầy đủ để biết được những điều cần thiết, giúp chúng ta vượt qua khó khăn.

Đọc truyện cổ tích cho bé: Mai An Tiêm

Ngày xưa, có một người tên là Mai An Tiêm được Vua Hùng yêu mến nhận làm con nuôi. Một lần, vì hiểu lầm lời nói của An Tiêm nên nhà vua nổi giận, đày An Tiêm ra đảo hoang. Ở đảo hoang, hai vợ chồng An Tiêm dựng nhà bằng tre nứa, lấy cỏ phơi khô tết thành quần áo.

Một hôm, An Tiêm thấy một đàn chim bay qua thả xuống loại hạt đen nhánh. Chàng bèn nhặt và gieo xuống cát, thầm nghĩ: “Thứ quả này chim ăn được thì người cũng ăn được”. Rồi hạt nảy mầm, mọc ra một loại cây dây bò lan rộng. Cây ra hoa rồi ra quả. Quả có vỏ màu xanh thẫm, ruột đỏ, hạt đen nhánh, có vị ngọt và mát.

Từ đấy, cả gia đình cùng nhau trồng trái cây lạ ấy trên khắp cả đảo. Mỗi lần thu hoạch, Mai An Tiêm lại khắc tên mình vào mấy quả ấy rồi thả ra biển với hy vọng một ngày nào đó có ai đó sẽ tìm ra mình.

Một ngày nọ, có một chiếc thuyền buôn ghé vào đảo để tìm hiểu xem ai đã trồng được giống quả quý như vậy. Kể từ đó, gia đình An Tiêm đổi thứ quả này lấy các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống ở trên đất liền.

Về phần vua Hùng, sau khi đuổi gia đình An Tiêm ra hoang đảo cũng rất day dứt. Đến một hôm, có một thị thần dâng lên nhà vua trái lạ đó. Hùng Vương nhìn thấy tên con trai được khắc trên quả lạ thì mừng lắm, vội sai người giong thuyền ra đón gia đình An Tiêm về.

Kể từ đó, thứ quả lạ ấy xuất hiện trên khắp cả nước ta, được nhiều người yêu thích do có vị ngọt dìu dịu và man mát, đó chính là quả dưa hấu .

Ý nghĩa của truyện đọc cổ tích cho bé: người dám nghĩ và dám làm sẽ rất dễ đạt được thành công. Vì vậy bé hãy ốc gắng đừng bỏ cuộc nhé!

Đọc truyện cổ tích cho bé: Gió Bắc và Mặt Trời

Ở trên bầu trời cao, Gió Bắc và Mặt Trời tranh cãi về ai mạnh mẽ hơn. Trong lúc ấy, có một người du khách đi qua và đang mặc chiếc áo khoác.

“Chúng ta hãy thi đấu nhé!” Mặt Trời nói, “Ai có thể làm cho người đó cởi bỏ áo khoác trước sẽ chiến thắng.”

“Đồng ý!” Gió Bắc hào hứng.

Dứt lời, Gió dồn hết sức thổi cơn gió lạnh vào người du khách. Vì trời trở lạnh đột ngột, anh ta thậm chí còn giữ chặt chiếc áo hơn vào mình. Gió Bắc thổi mãi mà anh ta không chịu cởi áo ra, mãi cũng thấm mệt.

Đến lượt của Mặt Trời, Mặt Trời bừng lên những tia nắng chói chang, làm người đàn ông phải cởi bỏ mũ và mở nút áo. Khi nắng trở nên nóng bức hơn, anh ta quên cả việc giữ áo và cuối cùng là lột sạch áo, chạy đến bóng cây ngồi nghỉ mát. Và Mặt Trời đã chiến thắng.

Ý nghĩa: Đọc truyện cổ tích “Gió Bắc và Mặt Trời” cho bé để dạy bé sự dịu dàng và bình tĩnh mới làm lay động nhanh nhất trái tim người khác. Trái lại, đe dọa bằng sức mạnh bạo lực chỉ khiến người khác thêm phản kháng và xa lánh mình.

Trên đây là 3 câu chuyện nhỏ giúp bé phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ. Mẹ hãy đọc truyện cổ tích cho bé hoặc giúp bé tập đọc nhé!

❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!

Đọc truyện cổ tích cho bé giúp phát triển tư duy và ngôn ngữ
Thích
Chia sẻ
Lưu
Bình luận
2
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!