Cách nhận biết sữa giả, sữa pha trộn tạp chất tại nhà
Vụ việc khiến hàng triệu phụ huynh hoang mang, bởi hình thức sữa giả ngày càng khó nhận biết. Trong khi đó, hậu quả của việc sử dụng sữa công thức không đạt chuẩn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
5 cách phân biệt sữa bột thật và giả
TS Julia Evans, chuyên gia dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (BDA), nhấn mạnh: "Sữa bột giả thường nhắm vào tâm lý chuộng giá rẻ và sự thiếu cảnh giác của người tiêu dùng. Nhưng nếu tinh ý, bạn vẫn có thể phát hiện sản phẩm bất thường ngay từ lần đầu sử dụng".
Dưới đây là 5 dấu hiệu TS Evans khuyến nghị phụ huynh cần đặc biệt chú ý:
1. Kiểm tra kỹ bao bì
Sữa giả thường "nhái" gần như hoàn toàn bao bì sản phẩm thật. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, sẽ thấy một số điểm bất thường: màu sắc in nhòe, font chữ thiếu sắc nét, logo mờ, thiếu tem chống giả hoặc tem dán lệch, bong tróc. Các chi tiết như mã vạch, hạn sử dụng cũng có thể bị in sai hoặc làm mờ nhạt.
2. Kiểm tra tem xác thực
Nhiều thương hiệu sữa uy tín hiện nay tích hợp mã QR, mã SMS xác thực, hoặc tem phản quang vỡ. Khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nên truy xuất mã để xác thực nguồn gốc. Nếu hệ thống trả về "không tồn tại", mã trùng lặp hoặc không nhận diện được cần dừng sử dụng ngay.
3. Quan sát mùi, màu, độ hòa tan
Sữa thật thường có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, mùi thơm nhẹ đặc trưng. Khi pha với nước ấm, bột tan đều, không vón cục. Ngược lại, sữa giả có thể có mùi tanh, hôi nhẹ, màu trắng nhợt hoặc quá sẫm, khó tan, để lại nhiều cặn lắng.
4. Theo dõi phản ứng của người uống
Nếu người uống có dấu hiệu như tiêu chảy, nôn trớ, mẩn đỏ quanh miệng, lười bú, chậm tăng cân... sau khi đổi sữa, phụ huynh cần nghĩ đến khả năng sản phẩm không đạt chất lượng. Dù không phải lúc nào cũng là sữa giả, đây vẫn là cảnh báo không nên bỏ qua.
5. Nơi mua hàng - yếu tố then chốt
TS Robert Simmons, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết: "Phần lớn sản phẩm giả đều được bán qua các kênh không chính thống: shop cá nhân trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không kiểm soát, người xách tay không có hóa đơn rõ ràng".
Ông khuyến nghị chỉ nên mua sữa tại cửa hàng mẹ và bé uy tín, đại lý phân phối chính hãng hoặc siêu thị lớn, nơi có cam kết đổi trả và hóa đơn hợp lệ.
Theo khảo sát của trang Consumer Health Review (Anh), 83% phụ huynh không thể phân biệt được sữa giả nếu chỉ nhìn vào bao bì bên ngoài. Đây là lý do nhiều gia đình vô tình sử dụng sản phẩm giả trong thời gian dài mà không hề hay biết.
"Giá rẻ không đồng nghĩa với tiết kiệm. Nếu sữa giả làm con bạn suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, hay phải điều trị y tế - thì cái giá phải trả còn lớn gấp nhiều lần", TS Julia Evans nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen săn hàng xách tay, giảm giá online, nhưng lại ít quan tâm tới hóa đơn, giấy kiểm định. Đây là một trong những điểm yếu khiến thị trường sữa giả vẫn có đất sống.
Ấn Độ phát hiện làm sữa giả từ hóa chất độc hại
Tháng 2/2025, Ấn Độ phát hiện một hệ thống sản xuất sữa giả từ kali xút, bột đậu nành, chất tạo ngọt hết hạn sử dụng từ 2 năm trước.
Trong đó, kali xút (KOH) là hóa chất nguy hiểm có thể gây bỏng miệng, cổ họng, dạ dày nếu nuốt phải; gây khó thở khi hít vào và tổn thương mắt vĩnh viễn nếu tiếp xúc trực tiếp.
Cách nhận biết sữa giả, sữa pha trộn tạp chất tại nhà
Trước thực trạng sữa giả tràn lan, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã hướng dẫn một số cách đơn giản để kiểm tra sữa tại nhà:
Kiểm tra tinh bột: Đun sôi 2-3ml sữa, để nguội rồi thêm 2-3 giọt dung dịch i-ốt. Sữa nguyên chất sẽ không đổi màu, còn sữa có tinh bột sẽ chuyển sang màu xanh lam.
Kiểm tra chất tẩy rửa: Trộn sữa và nước theo tỷ lệ 1:1, lắc đều. Sữa thật tạo ít hoặc không có bọt. Nếu có nhiều bọt hoặc bọt lâu tan, có thể đã bị pha chất tẩy.
Kiểm tra pha nước: Nhỏ vài giọt sữa lên bề mặt sáng bóng rồi nghiêng. Sữa thật chảy chậm, để lại vệt trắng; sữa pha loãng chảy nhanh và không để lại vệt.
Lưu ý: Người tiêu dùng nên mua sữa từ các thương hiệu uy tín, kiểm tra tem chống hàng giả, tránh mua hàng "xách tay", hàng "giá rẻ bất ngờ" trên mạng xã hội, livestream...
(Tin tổng hợp từ Dân Trí)
Lưu lại để làm nè
Giờ sữa giả nhiều quá sợ ghê
lưu lại để đọc nhiều lần cho nhớ các mẹ ơi