Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Thu Hoàng
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 13/12/2020

Cách chữa hậu sản sau sinh, mẹ tham khảo ngay kẻo muộn

Cách chữa hậu sản sau sinh, mẹ tham khảo ngay kẻo muộn
Một trong những điều khiến mẹ lo lắng là vấn đề về hậu sản. Bệnh hậu sản có những dấu hiệu như thế nào? Liệu nó có nguy hiểm không? Cách chữa hậu sản sau sinh ra sao? Cùng MarryBaby tìm hiểu mẹ nhé!
Cách chữa hậu sản sau sinh, mẹ tham khảo ngay kẻo muộn
Cách chữa hậu sản sau sinh để mẹ nhanh chóng lấy lại sự vui tươi, tự tin

Thế nào là hậu sản?

Hậu sản được tính là giai đoạn 6 tuần kể từ ngày sinh con. Như vậy, bất kỳ người phụ nữ nào sau khi sinh con cũng sẽ bước vào thời kỳ hậu sản. Cho nên, giai đoạn này, bà đẻ cần được chăm sóc một cách đặc biệt nhằm tránh các loại bệnh hậu sản thường gặp.

Trong giai đoạn mới sinh con, bà đẻ thường gặp các vấn đề về tinh thần và sức khỏe, ví dụ như mắc các bệnh về táo bón, rụng nhiều tóc, sản dịch ra nhiều, trầm cảm sau sinh, nhiễm trùng hậu sản…

Nguyên nhân gây hậu sản ở mẹ sau sinh

Hậu sản xảy ra do các lý do chủ yếu sau:

  • Trước khi sinh, người mẹ không được chăm sóc sức khỏe tốt: dinh dưỡng nghèo nàn, lao động quá sức, không bổ sung các loại vitamin.
  • Cơ thể không hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến kiệt sức, suy nhược, thể trạng yếu.
  • Căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, suy nghĩ nhiều, nghỉ ngơi ít, ngủ ít.
  • Không có sự kiêng cữ sau khi sinh con: phải làm việc sớm, chăm con quá sức, áp lực, quan hệ tình dục quá sớm
  • Trong khi cho con bú không bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.

Dấu hiệu nhận biết hậu sản sau sinh

Dấu hiệu nhận biết hậu sản sau sinh

Theo thống kê, có khoảng từ 15-20% phụ nữ sau sinh mắc các chứng hậu sản. Các dấu hiệu nhận biết bệnh hậu sản bao gồm:

  • Rụng tóc quá nhiều.
  • Thường xuyên bị đau đầu
  • Bị suy sụp tinh thần
  • Cơ thể suy nhược, không có sức sống
  • Thường xuyên lo lắng, cáu gắt
  • Có những suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm…
  • Đường tiết niệu có vấn đề: tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu có màu đục và hôi.
  • Giảm cân nhiều, gầy gò, ốm yếu…

Cách loại hậu sản thường gặp và cách chữa hậu sản sau sinh

Để mẹ biết cách chữa hậu sản sau sinh, cần căn cứ vào các loại hậu sản cụ thể. Tùy vào từng loại mà có cách chữa trị khác nhau. Có một số bệnh mẹ có thể tự dùng các bài thuốc dân gian, chữa tại nhà; tuy nhiên, gặp những vấn đề phức tạp hơn, mẹ cần tới bệnh viện đề được can thiệp kịp thời.

Sau đây là các loại hậu sản mà bà đẻ thường gặp:

1. Băng huyết sau sinh

hạ huyết áp, một biểu hiện băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa thường gặp, có nguy cơ cao nhất trong vòng 24 giờ sau sinh và là nguyên nhân chính gây tử vong ở sản phụ.

Băng huyết sau sinh do nhiều nguyên nhân như quá trình đẻ kéo dài hoặc mẹ gặp các vấn đề về nhau thai, do tử cung của mẹ bị dị dạng, có sẹo…

Những mẹ bị băng huyết sau sinh có triệu chứng chung là chảy nhiều máu sau khi đẻ và sổ nhau, dẫn tới mẹ bị choáng váng, xây xẩm mặt mày, mạch đập nhanh, huyết áp hạ, tay chân lạnh toát.

Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như vậy, mẹ và người thân không được tự chữa mà cần ngay lập tức báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi huyết áp, mạch; cho sử dụng các loại thuốc cầm máu, kháng sinh hoặc truyền dịch nếu cần… Băng huyết sau sinh rất nguy hiểm, nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây tử vong.

2. Bế sản dịch sau sinh

Sau sinh, phụ nữ thường ra nhiều sản dịch và thường kéo dài từ 2-3 tuần. Nhưng có khi sản dịch kéo dài liên tục và quá 30 ngày, thậm chí tới 45 ngày vẫn chưa hết, thì lúc này mẹ cần nghĩ đến bệnh bế sản dịch sau sinh.

Triệu chứng của bế sản dịch là mẹ bị ra sản dịch kèm mủ, mùi hôi (do sản dịch nhiễm khuẩn), mẹ bị sốt và đau bụng. Một số người còn bị ra máu.

Cách chữa hậu sản sau sinh với trường hợp này như thế nào? Nếu thấy những triệu chứng trên, mẹ cần đi bác sĩ khám ngay lập tức. Mẹ lưu ý bệnh không thể tự chữa ở nhà. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng các phương pháp như: nong cổ tử cung, hút dịch tử cung hoặc cho mẹ dùng thuốc kích thích co bóp tử cung.

3. Nhiễm khuẩn hậu sản

Cách chữa hậu sản sau sinh

Nhiễm khuẩn hậu sản tức là nhiễm khuẩn ở đường sinh dục, gây nên do một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể mẹ trong quá trình sinh đẻ.

Mẹ bị nhiễm khuẩn hậu sản có triệu chứng sốt trên 38ºC, mệt mỏi, đau sưng, có mủ tại chỗ viêm, sản dịch có mùi hôi. Nếu bị nặng, sản phụ thường sốt cao, rét run người, hạ huyết áp, kém ăn, mệt mỏi, choáng váng.

Nếu thấy các triệu chứng trên, mẹ cần ngay lập tức tới bệnh viện để được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hoặc tiến hành phẫu thuật để thoát lưu. Không nên ở nhà tự chữa, vì nếu bệnh nặng kéo dài có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung, 2 phần phụ và ảnh hưởng tính mạng người mẹ.

4. Tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh là một căn bệnh hậu sản hiếm gặp. Thông thường, bệnh xảy ra trong khoảng 48 giờ sau khi sinh, nhưng đôi khi muộn hơn, đến 6 tuần sau sinh.

Sản phụ mắc tiền sản giật hậu sản sẽ có những triệu chứng như: tăng huyết áp, đạm niệu, kèm theo nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau thượng vị, tiểu ít, phù nề, tăng cân nhanh.

Khi có dấu hiệu tiền sản giật, cần phải đưa ngay sản phụ tới bệnh viện. Các bác sĩ sẽ kê đơn cho mẹ dùng thuốc chữa cao huyết áp. Nếu bị nhẹ, mẹ sẽ được chỉ định dùng magie sulfat dùng trong vòng 24 giờ, bên cạnh đó mẹ được đo và kiểm tra huyết áp thường xuyên, xét nghiệm nước tiểu.

5. Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh

nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh là do vi khuẩn đi qua niệu đạo, xâm nhập vào đường tiểu và gây nhiễm trùng.

Khi mắc bệnh này, sản phụ thường buồn đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu rất ít. Khi tiểu, bà đẻ còn thấy ngứa rát, đau buốt và nước tiểu bị đổi màu, đau âm ỉ vùng bụng dưới. Khi bệnh nặng, mẹ có thể buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh.

Cách chữa hậu sản sau sinh khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu như sau:

  • Nếu mẹ chỉ bị viêm nhiễm nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước để vi khuẩn bị thải ra theo đường nước tiểu, vệ sinh cá nhân sạch sẽ và ăn nhiều trái cây chứa vitamin C để kìm hãm sự phát triển của cầu khuẩn niệu đạo và tăng sức miễn dịch cho cơ thể. Mẹ tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh nếu bị viêm nhẹ.
  • Nếu bị viêm nặng, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và điều trị. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc thảo dược, hạ sốt, kháng viêm, giảm đau hoặc tiêu viêm.

6. Đau tầng sinh môn hậu sản

Mẹ sinh thường qua đường âm đạo thường bị đau tầng sinh môn hậu sản. Trong quá trình rặn đẻ, tầng sinh môn có thể bị đau do giãn nở để em bé chui ra ngoài. Nhiều người còn bị rách tầng sinh môn do rặn đẻ không đúng hoặc do em bé to. Một vài trường hợp do bác sĩ chỉ định rạch tầng sinh môn cho bé có thể lọt ra.

Vết rách, vết khâu tầng sinh môn lành lại tùy thuộc vào mức độ và cơ địa của người mẹ. Để giảm đau tầng sinh môn sau sinh, mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Chườm đá: Sử dụng một chiếc khăn mềm, cho đá viên vào và chườm vào khu vực vùng đáy chậu. Chườm đá giúp giảm viêm, giảm sưng đau. Nên thay đá mới thường xuyên và giặt khăn sạch sẽ.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau như: ibuprofen, acetaminophen (dùng theo toa của bác sĩ).
  • Sử dụng thuốc xịt gây tê giảm đau.
  • Xịt nước ấm sau khi đi tiêu tiểu xong, lau khô bằng khăn mềm (tránh dùng giấy vệ sinh khô).
  • Tắm bằng nước ấm, thay băng vệ sinh thường xuyên, tránh vận động mạnh.

7. Viêm vú, tắc tia sữa

Viêm vú, tắc tia sữa

Nếu tình trạng tắc tia sữa không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra hiện tượng viêm tuyến vú ở mẹ sau sinh. Biểu hiện của viêm tuyến vú là mẹ bị đau tức ngực, vú bị sưng đỏ, tình trạng viêm nặng mẹ thường bị sốt và ớn lạnh.

Cách chữa hậu sản sau sinh với trường hợp này là mẹ có thể sử dụng các phương pháp dân gian như dùng lá lô hội, giấm táo, bắp cải… để đắp lên chỗ vú bị sưng đau. Hoặc massage nhẹ nhàng vú, chườm nóng – chườm lạnh, sử dụng dụng cụ hút sữa, hút sạch sữa ra ngoài. Nếu bệnh không đỡ, bác sĩ có thể chỉ định cho mẹ dùng kháng sinh và kháng viêm.

Mẹ nên nhớ rằng chớ nên để tình trạng viêm tuyến vú trở nên nặng vì có thể dẫn tới áp xe vú rất nguy hiểm.

8. Trĩ và táo bón

Phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con thường dễ bị táo bón, bệnh nặng khiến cơ thể hình thành các búi trĩ, khiến mẹ đi tiêu khó khăn. Hãy bổ sung nhiều chất xơ, rau củ quả, trái cây và tinh bột tốt, hạn chế dầu mỡ hoặc đồ cay nóng.

Khi bị táo nặng, mẹ có thể sử dụng các bài thuốc dân gian như chè đu đủ, cháo vừng hoặc các loại lá có tính mát như diếp cá. Đừng để tình trạng táo bón trở nên trầm trọng. Nếu không đỡ, hãy đến bác sĩ để được kê đơn thuốc mẹ nhé.

9. Trầm cảm sau sinh

Sau sinh, phụ nữ thường có nhiều thay đổi về nội tiết tố, hơn nữa, phải chịu những áp lực của việc nuôi con, chăm con, chăm sóc gia đình khiến phụ nữ mệt mỏi, suy nghĩ, dẫn tới trầm cảm sau sinh.

Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh là người mẹ có những suy nghĩ tiêu cực, thường buồn chán, bực bội, lo lắng… Khi bệnh nặng, mẹ thường có những suy nghĩ dại dột, thậm chí tự làm hại bản thân và con của mình.

Bệnh trầm cảm sau sinh cần được chồng và người thân quan tâm, chú ý. Bệnh nhẹ chỉ cần chữa tại nhà bằng sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình như đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ tâm tư – tình cảm, chia sẻ việc nhà và gánh nặng con cái. Nếu mẹ bị trầm cảm sau sinh nặng, cần có sự can thiệp của bác sĩ và có thể phải sử dụng các loại thuốc chữa trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm, vì vậy mẹ đừng chủ quan mà nên tìm ngay cách chữa.

10. Tiêu tiểu không tự chủ

Cách chữa hậu sản sau sinh

Trong thai kỳ, do kích thước và trọng lượng thai nhi khiến cho sức nâng đỡ của niệu đạo bị yếu đi và bàng quang bị chèn ép, gây rối loạn khả năng kiểm soát. Vì vậy, thường đến tam cá nguyệt thứ ba, mẹ thường gặp tình trạng són tiểu. Hơn nữa, trong quá trình rặn đẻ, chuyển dạ… sàn chậu và các dây thần kinh bàng quang bị suy yếu, tiếp tục gây tình trạng tiêu tiểu không tự chủ ở mẹ.

Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần sau sinh, thậm chí, trong một vài trường hợp có thể tới vài tháng hoặc lâu hơn. Tiêu tiểu không tự chủ mặc dù không gây nguy hiểm nhưng mẹ bị bệnh này sẽ cảm thấy rất phiền phức. Vậy nên, mẹ hãy tập các bài tập kegel để củng cố sàn đáy chậu, giúp kiểm soát bàng quang tốt hơn. Nếu không thấy đỡ, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Vì mẹ có thể đang mắc các bệnh về đường tiết niệu cần được điều trị.

Hậu sản sau sinh có nguy hiểm không?

Một số bệnh hậu sản như rụng tóc, rạn da, tiêu tiểu không tự chủ… mẹ có thể chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, hầu hết hậu sản sau sinh vô cùng nguy hiểm, vậy nên mẹ hãy tìm hiểu cách chữa hậu sản sau sinh và áp dụng cho mình.

Nếu mẹ bị hậu sản, cơ thể sẽ khó chịu, đau đớn, cản trở trong sinh hoạt vợ chồng. Về lâu dài, hậu sản dẫn tới việc mẹ bị những cơn đau đầu tấn công mà không rõ nguyên nhân, thậm chí những lần đẻ tiếp theo sẽ khó khăn hơn.

Phòng ngừa hậu sản cho mẹ sau sinh

Cách chữa hậu sản sau sinh

  • Trong thai kỳ, mẹ nên khám thai đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm những nguy cơ gây băng huyết.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
  • Không quan hệ vợ chồng sớm.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, không nên nhịn tiểu.
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
  • Không làm việc nặng quá sớm, san sẻ việc nhà và việc chăm em bé cùng người thân trong gia đình.
  • Vận động với những bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, kegel.
  • Vệ sinh thân thể, đặc biệt là vùng kín một cách sạch sẽ; mặc quần áo thoáng mát.
  • Không nên sử dụng tampon quá sớm khi đang có sản dịch mà nên sử dụng băng vệ sinh vì tampon sẽ vô tình đưa vi khuẩn vào tử cung. Thường xuyên thay băng vệ sinh để cơ thể sạch sẽ.

Cách chữa hậu sản sau sinh của MarryBaby hy vọng sẽ mang đến những kiến thức bổ ích để mẹ tránh được các rắc rối không đáng có sau sinh. Chúc mẹ luôn khỏe mạnh.

Phương Linh

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

x