Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Đoàn Hạnh
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên
Cập nhật 22/12/2022

Huyết áp cao khi mang thai nên xử trí sao đây mẹ ơi?

Huyết áp cao khi mang thai nên xử trí sao đây mẹ ơi?
Bệnh cao huyết áp không chừa bất kỳ ai, kể cả mẹ bầu. Hơn nữa, huyết áp cao khi mang thai còn gây nhiều biến chứng thai kỳ cho mẹ. Vậy mẹ nên xử trí ra sao?

Huyết áp cao là mầm mống của nhiều căn bệnh tim mạch nguy hiểm như tai biến, suy tim. Điều này còn nguy hiểm hơn nếu mẹ đang mang trong mình một “sinh linh bé nhỏ”. Cao huyết áp khi mang thai là do đâu? Xử trí và phòng ngừa tình trạng này như thế nào? Hãy để MarryBaby mách bạn trong bài viết dưới đây nhé.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp cao (tăng huyết áp) là khi huyết áp có chỉ số ≥ 130/80 mm Hg. Bệnh lý này xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao và tạo ra nhiều áp lực cho tim. Ngoài ra, huyết áp cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Huyết áp cao có nhiều loại như:

  • Cao huyết áp vô căn: Loại này không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp mắc bệnh.
  • Cao huyết áp thứ phát: Trường hợp này là triệu chứng của một số bệnh khác ở thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Loại này thường xảy ra ở người lớn tuổi
  • Cao huyết áp khi mang thai (gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật): Loại này cảnh báo các nguy cơ tim mạch trong thai kỳ.

Huyết áp cao là gì?

Huyết áp cao khi mang thai là thế nào?

Huyết áp cao khi mang thai là khi trị số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg. Huyết áp cao khi mang thai không phải lúc nào cũng nguy hiểm nếu được kiểm soát tốt.

  • Cao huyết áp khi mang thai nhẹ nếu trị số trong khoảng 140-159/90-109 mmHg
  • Cao huyết áp khi mang thai nặng nếu trị số ≥ 160/110 mmHg

Cao huyết áp khi mang thai gồm 4 thể lâm sàng sau:

  • Tăng huyết áp mạn tính

Tình trạng này xảy ra trước khi mẹ mang thai hoặc trước thai được 20 tuần. Phụ nữ bị tăng huyết áp mãn tính cũng có thể bị tiền sản giật trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.

  • Tăng huyết áp thai kỳ

Tình trạng này xảy ra khi mẹ bị cao huyết áp khi mang thai và không có protein trong nước tiểu, kèm với các vấn đề về tim hoặc thận khác. Tăng huyết áp thai kỳ được chẩn đoán sau 20 tuần của thai kỳ. Tình trạng này thường biến mất trong vòng 42 ngày sau sinh.

  • Tiền sản giật

tiền sản giật gây huyết áp cao khi mang thai

– Tình trạng này thường xảy ra ở mẹ bầu mang thai lần đầu, đa thai, thai trứng, mắc hội chứng phospholipid, đặc biệt là mẹ bầu bị tăng huyết áp mãn tính, bị thận hoặc đái tháo đường.

Tiền sản giật được chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm protein niệu và huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg.

– Tình trạng này thường xuất hiện ở tuần thứ 20 ở mẹ bầu có huyết áp bình thường trước đó và liên quan đến sự chậm phát triển của thai nhi do suy thai. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mẹ sinh non.

  • Tiền sản giật trên nền bệnh lý tăng huyết áp mãn tính

Tình trạng này sẽ có xác suất xảy ra cao khi thai phụ bị cao huyết áp kèm thêm protein niệu lần đầu.

>>Mẹ có thể quan tâm: Thuyên tắc ối, tai biến sản khoa nguy hiểm với các bà mẹ

  • Huyết áp cao khi mang thai tháng cuối là sao?

Nhiều mẹ đặc biệt quan tâm về tình trạng huyết áp cao khi mang thai tháng cuối. Lúc này, một số bộ phận trong cơ thể mẹ buộc phải tăng sinh mạch máu do các thay đổi về sinh lý tim mạch như tăng thể tích máu, nhịp tim. Hơn nữa, mẹ cũng đang cần nhiều lưu lượng máu hơn bình thường. Vì lẽ đó, mạch máu sẽ chịu áp lực nhiều hơn, làm huyết áp cao khi mang thai tháng cuối.

>>Mẹ có thể quan tâm: Tháng cuối thai kỳ nên ăn gì?

Nguyên nhân bầu bị huyết áp cao khi mang thai

Nguyên nhân bầu bị huyết áp cao khi mang thai

Để biết cách giảm huyết áp cao khi mang thai, mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra huyết áp cao. Cao huyết áp khi mang thai có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:

  • Chế độ sinh hoạt

Có một chế độ sinh hoạt lành mạnh là cách giảm huyết áp cao khi mang thai hiệu quả. Chế độ sinh hoạt và ăn uống bị “buông thả” sẽ khiến mẹ bị thừa cân hoặc béo phì, ít vận động là những nguyên chính gây huyết áp cao khi mang thai.

  • Số lần mang thai

Phụ nữ mang thai lần đầu có nhiều khả năng bị huyết áp cao khi mang thai. Tin vui là, khả năng tăng huyết áp sẽ giảm dần trong những lần mang thai tiếp theo.

  • Số lượng thai nhi

Mẹ bầu mang song thai, đa thai sẽ dễ bị cao huyết áp khi mang thai. Vì cơ thể mẹ phải làm việc “chăm chỉ” hơn để nuôi dưỡng nhiều hơn một em bé.

  • Tuổi tác

Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người dưới độ tuổi này. Do đó, cách giảm huyết áp cao khi mang thai là mang thai sớm hơn 35 tuổi.

  • Tiền sử bệnh

Phụ nữ bị huyết áp cao trước khi mang thai có nguy cơ mắc các biến chứng liên quan trong thai kỳ cao hơn những người có huyết áp bình thường.

>>Mẹ có thể quan tâm: Sản giật là gì? – Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?

Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?
Cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?

Điều không ít mẹ bầu băn khoăn là cao huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không. Thống kê cho thấy khoảng 5-10% phụ nữ bị cao huyết áo khi mang thai. Huyết áp cao khi mang thai nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có thể dẫn đến:

  • Lượng máu đến nhau thai ít hơn: Nếu nhau thai không nhận đủ máu, thai nhi có thể bị thiếu oxy và có ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể dẫn đến bé phát triển chậm, sinh con nhẹ cân hoặc sinh non. Hơn nữa, bé sinh non dễ gặp vấn đề về hô hấp và dễ nhiễm trùng hơn.
  • Nhau bong non: Đây là hiện tượng nhau thai tách khỏi thành của tử cung trước khi thai nhi sinh. Nếu bị nặng có thể gây chảy máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
  • Tổn thương các cơ quan khác: Huyết áp cao khi mang thai không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tổn thương não, mắt, tim, phổi, thận, gan và các cơ quan quan trọng khác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Chuyển dạ sinh sớm: Mẹ có thể phải sinh sớm để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng do huyết áp cao khi mang thai.
  • Bị mắc bệnh tim mạch trong tương lai: Bị tiền sản giật (một thể lâm sàng của cao huyết áp) có thể làm mẹ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch) trong tương lai. Nguy cơ này tăng lên nếu mẹ bị tiền sản giật nhiều hơn 1 lần hoặc sinh non do huyết áp cao khi mang thai.

>>Mẹ có thể quan tâm: 4 cách phòng ngừa tiền sản giật cực hữu ích cho mẹ bầu

Dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai

Trong một số trường hợp, các dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai có thể không rõ ràng nên thường bị bỏ qua.

Nếu mẹ đi khám thai thường xuyên, mẹ có thể theo dõi được trị số huyết áp của mình, tiểu cầu trong máu.

  • Huyết áp cao khi mang thai là 140/90 mmHg và huyết áp cao nghiêm trọng trong thai kỳ là 160/110. Trong khi đó, huyết áp bình thường là khoảng 120/80 mmHg.
  • Mức độ tiểu cầu trong máu giảm

Nếu mẹ không khám thai thường xuyên, đây là một số dấu hiệu của huyết áp cao khi mang thai cho mẹ tham khảo:

  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Protein dư thừa trong nước tiểu
  • Các thay đổi về thị lực như: mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải
  • Suy giảm chức năng gan
  • Khó thở do phù phổi
  • Tăng cân đột ngột và phù – đặc biệt là ở mặt và tay
  • Đi tiểu ít

>>Mẹ có thể quan tâm: Đau bụng khi mang thai tháng thứ 5, dấu hiệu mẹ không nên chủ quan

Mẹ bị huyết áp cao khi mang thai nên xử trí ra sao?

Mẹ bị huyết áp cao khi mang thai nên xử trí ra sao?

Sau khi biết các dấu hiệu cao huyết áp khi mang thai, mẹ hẳn rất tò mò cách điều trị, cải thiện tình trạng này. Thực tế, việc điều trị cụ thể cho bệnh tăng huyết áp thai kỳ sẽ được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa dựa trên các cơ sở:

  • Mang thai, tuổi thai, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của mẹ
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Khả năng đáp ứng của mẹ đối với thuốc, hoặc liệu pháp cụ thể

1. Điều trị không dùng thuốc

  • Giảm cân nếu mẹ bị thừa cân: Mẹ có thể tham khảo các chỉ số trọng lượng bách phân vị để biết cân nặng chuẩn trong từng giai đoạn của thai kỳ và điều chỉnh cho phù hợp.
  • Tập thể dục thường xuyên: Mẹ lưu ý nên tập thể dục đều đặn để tránh huyết áp tăng trở lại. Ngoài ra, mẹ chú ý chọn các bài tập yoga, đi bộ… nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đến bé trong bụng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Mẹ nên bổ sung vào thực đơn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein tốt, thực phẩm giàu canxi, kali, magie, trái cây rau củ; đồng thời loại bỏ chất béo bão hòa và cholesterol. Nếu tuân thủ theo thực đơn trên, mẹ có thể làm giảm huyết áp tới 11mmHg.
  • Tránh uống rượu và hút thuốc: Uống nhiều rượu sẽ làm tăng chỉ số huyết áp và giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp. Bên cạnh đó, bỏ hút thuốc cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ vỡ ối sớm.
  • Cắt giảm lượng caffeine: Mặc dù vai trò của caffeine đối với huyết áp vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, caffeine có thể làm tăng huyết áp lên đến 10mmHg ở những người không dung nạp caffeine thường xuyên. Nếu mẹ thuộc team ủng hộ đồ uống nhiều caffein, mẹ hãy đo huyết áp trong vòng 30 phút sau khi uống thức uống có chứa caffeine, trường hợp chỉ số này tăng từ 5-10mmHg, đây là “thông điệp vũ trụ” gửi đến cho mẹ rằng, mẹ phải cắt giảm lượng caffeine nạp vào mỗi ngày.
  • Giảm căng thẳng: Mẹ có thử tâm sự với người thân, bạn bè hoặc đi massage, ngồi thiền để tinh thần thư thái và giảm căng thẳng.
  • Ăn tỏi hoặc bổ sung chiết xuất tỏi: Một nghiên cứu cho thấy, bổ sung tỏi hàng ngày giúp giảm huyết áp tâm thu lên đến 5mmHg và giảm huyết áp tâm trương tối đa 2,5mmHg. Mẹ lưu ý chỉ nên ăn hoặc dùng tỏi như một gia vị với số lượng 2-4 tép tỏi mỗi ngày để tránh gây tụt huyết áp quá mức.
  • Đảm bảo giấc ngủ sâu và ngon: Huyết áp thường giảm xuống khi chúng ta ngủ. Do đó, mẹ bị mất ngủ, thiếu ngủ thường dễ bị huyết áp cao khi mang thai.

2. Điều trị dùng thuốc

Huyết áp cao khi mang thai sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí dẫn đến tử vong. Việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao khi mang thai cần phải theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, liều thuốc, thời gian dùng… Một số loại thuốc hiệu quả để điều trị ban đầu và sau đó kiểm soát huyết áp:

  • Thuốc cường adrenergic
  • Chất ức chế men chuyển angiotensin
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB). Tuy nhiên thuốc này chống chỉ định khi mang thai.
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc giãn mạch trực tiếp
  • Thuốc lợi tiểu. Chú ý việc sử dụng thuốc này cần có chỉ định từ bác sĩ.

Cách phòng ngừa huyết áp cao khi mang thai

Phòng bệnh hơn chữa bệnh! Sau đây là những cách phòng ngừa cao huyết áp khi mang thai cho mẹ tham khảo:

  • Nghiên cứu cho thấy aspirin liều thấp (75-100mg) hàng ngày có hiệu quả để phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật. Hơn nữa, Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cũng khuyến cáo nên bắt đầu sử dụng liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày từ giữa tuần 12-28 thai kỳ (tối ưu nhất là trước tuần 16) cho đến lúc sinh ở những phụ nữ có nguy cơ cao tiền sản giật.
  • Các nguy cơ tiền sản giật cao có thể là: Tăng huyết áp trong lần mang thai trước, bệnh thận mạn tính, bệnh tự miễn lupus ban đỏ, hội chứng kháng phospholipid, đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2, tăng huyết áp mạn tính.
  • Các nguy cơ trung bình tiền sản giật bao gồm: Mẹ mang thai lần đầu, mẹ bầu ≥ 40 tuổi, có khoảng cách giữa hai lần mang thai hơn 10 năm, BMI ≥ 35 kg/m2 tại lần khám đầu tiên, gia đình có tiền sử mắc bệnh, mang đa thai. Hiện nay đã có các test sàng lọc tiền sản giật thực hiện ở quí I thai kỳ (11 tuần – 13 tuần 6 ngày) nhằm đánh giá người có nguy cơ cao hay thấp với tiền sản giật, từ đó sử dụng các biện pháp dự phòng hiệu quả.
  • Mẹ nên bổ sung canxi (1,5-2 g/ngày đường uống) để phòng ngừa tiền sản giật tại lần khám tiền sản đầu tiên.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn cũng giúp phòng ngừa huyết áp cao khi mang thai hiệu quả.

Trên đây là chia sẻ của MarryBaby về bệnh cao huyết áp khi mang thai. Hy vọng mẹ đã nắm đầy đủ thông tin để chuẩn bị và điều chỉnh khi cần để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. High Blood Pressure During Pregnancy

https://www.cdc.gov/bloodpressure/pregnancy.htm#

Truy cập ngày 10/11/2022

2. High blood pressure and pregnancy: Know the facts

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098

Truy cập ngày 10/11/2022

3. Preeclampsia and High Blood Pressure During Pregnancy

https://www.acog.org/womens-health/faqs/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy

Truy cập ngày 10/11/2022

4. High Blood Pressure in Pregnancy

https://medlineplus.gov/highbloodpressureinpregnancy.html

Truy cập ngày 10/11/2022

5. The impact of salt intake during and after pregnancy

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29046520/

 Truy cập ngày 10/11/2022

x