Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Trung Hiếu
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hoàng Công Hải
Cập nhật 28/11/2022

Nguyên nhân băng huyết sau sinh và cách phòng tránh

Nguyên nhân băng huyết sau sinh và cách phòng tránh
Theo số liệu tại các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3-8% tổng số ca sinh. Vậy nên, mẹ cần nâng cao nhận thức về căn bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân khi vượt cạn.
băng huyết sau sinh
Tất cả phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần đều có nguy cơ bị băng huyết sau sinh.

Băng huyết sau sinh là một trong những tai biến sản khoa phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho sản phụ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm có tới 25% số ca tai biến sau sinh do băng huyết. Để phát hiện và điều trị kịp thời, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm này.

Hiện tượng băng huyết là gì?

Băng huyết sau sinh là tình trạng mất quá nhiều máu ngay sau khi sinh con hoặc trong vài tuần đầu tiên sau sinh, hơn nửa lít máu đối với sinh thường qua ngả âm đạo và trên 1 lít máu đối với mổ lấy thai. Quá trình mất máu có thể diễn ra ồ ạt hoặc từ từ nhưng đều nguy hiểm cho sản phụ.

Về mặt chuyên môn, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào huyết áp, các biến động về mạch, kết quả xét nghiệm HCT (Hematocrit: khái niệm dùng để chỉ phần trăm hồng cầu trong máu)… của bệnh nhân.

Nếu mẹ chưa rõ về băng huyết sau sinh mổ hoặc thắc mắc sinh mổ có bị băng huyết không thì dựa trên giải thích “hiện tượng băng huyết là gì”, chắc hẳn mẹ đã có câu trả lời.

Thực tế cho thấy thai phụ sinh mổ dễ bị băng huyết hơn sinh thường.

Hiện tượng băng huyết là gì?

Băng huyết sau sinh 1 tháng: băng huyết muộn sau sinh

Băng huyết sau sinh gồm hai loại: băng huyết nguyên phát và băng huyết thứ phát.

– Băng huyết nguyên phát thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

– Băng huyết thứ phát xuất hiện muộn hơn, sau 24 giờ đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn.

Như vậy, băng huyết sau sinh 1 tháng thuộc trường hợp băng huyết thứ phát. Thống kê cho thấy tỷ lệ sản phụ bị băng huyết thứ phát là 2%.

Băng huyết sau sinh hay xảy đến đột ngột, khó có thể dự báo trước nên việc cứu sống bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm, chuyên môn của bác sĩ. Tuy nhiên, để hạn chế những hậu quả của căn bệnh gây ra, mẹ đừng bỏ qua các thông tin dưới đây.

Triệu chứng băng huyết sau sinh

Mẹ bị băng huyết sau sinh thường có các dấu hiệu sau:

– Chảy máu từ đường sinh dục: lượng máu có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng.

– Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích: đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão, không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ (xương mu) sau sinh.

– Các dấu hiệu toàn trạng chung mất máu: da xanh niêm nhợt, tay chân lạnh, vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, khát nước, mạch nhanh, huyết áp giảm, có thể bị sốc nếu mất máu quá nhiều.

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng băng huyết sau sinh, bao gồm:

1. Đờ tử cung

Đờ tử cung là tình trạng tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã được lấy ra. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp bị băng huyết.

Sản phụ bị băng huyết do đờ tử cung sẽ chảy máu ngay sau khi sổ nhau, dễ bị sốc, choáng, thậm chí nguy kịch nếu cấp cứu muộn.

Các yếu tố có thể dẫn đến đờ cổ tử cung bao gồm:

– Chất lượng cơ của tử cung kém do người mẹ sinh nhiều lần, hoặc do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng.

– Tử cung quá căng do đa thai, nước ối quá nhiều hoặc thai to, phải mổ lấy thai, tăng rủi ro băng huyết sau sinh mổ.

– Quá trình chuyển dạ kéo dài.

– Bị nhiễm trùng ối, viêm màng đệm.

– Thai phụ bị suy nhược, thiếu máu hoặc rối loạn đông máu.

– Dùng thuốc gây mê, magie sunfat, oxytocin hoặc một số loại thuốc khác hỗ trợ quá trình chuyển dạ.

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh

2. Bất thường của bánh nhau

Diện tích bánh nhau lớn, đến lúc bong ra sẽ gây chảy máu nhiều.

Sản phụ có nhau bám bất thường như nhau tiền đạo, nhau bám thấp, nhau cài răng lược… dẫn tới chảy máu nhiều sau sinh.

3. Tổn thương đường sinh dục

Vỡ tử cung, rách cổ tử cung, âm đạo có thể xảy ra khi đẻ thường. Tuy nhiên, các biến chứng này xuất hiện nhiều hơn trong các trường hợp đẻ khó, cần can thiệp thủ thuật.

Ngoài ra, đẻ quá nhanh hoặc đẻ rơi cũng dễ tổn thương đường sinh dục, dẫn đến bị băng huyết sau sinh.

4. Bị rối loạn đông máu

Hiện tượng này thường xảy ra trong các trường hợp như: nhau bong non, thai lưu, tắc mạch ối, nhiễm trùng hoặc mẹ có bệnh lí rối loạn đông máu từ trước…

5. Lộn tử cung

Tử cung bị lộn ra ngoài, do thao tác kéo dây rau thô bạo, áp lực quá lớn lên đáy tử cung hoặc do rau cài răng lược gây nên. Bên cạnh băng huyết sau sinh, lộn lòng tử cung cũng làm cho tử cung dễ nhiễm trùng hậu sản hơn

Biến chứng của băng huyết sau sinh

Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không mà gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau:

– Choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy tim, suy não, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong hoặc sống thực vật.

– Tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản.

– Biến chứng lâu dài như không thể có con (nếu bị cắt tử cung), thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh)…

Các yếu tố nguy cơ khác của băng huyết sau sinh

Bên cạnh các nguyên nhân gây băng huyết sau sinh đã nhắc đến ở trên, những thai phụ có đặc điểm sau thuộc nhóm có nguy cơ cao:

– Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.

Thai phụ bị béo phì, tiểu đường type 2.

– Mẹ bầu đã từng bị băng huyết ở lần sinh trước.

Các yếu tố nguy cơ khác của băng huyết sau sinh

Cách điều trị băng huyết sau sinh

Khi băng huyết sau sinh xảy ra, sản phụ cần được nhanh chóng tiến hành các phương pháp cầm máu và hồi sức tích cực, vừa kết hợp kiểm tra nguyên nhân vừa điều trị.

1. Hồi sức tích cực

Cho sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy, xoa bóp đáy tử cung qua thành bụng, đè động mạch chủ bụng để giảm lượng máu đến tử cung. Đảm bảo huyết động sản phụ ổn định. Theo dõi huyết áp, mạch, tri giác, nhịp thở, niêm mạc thường xuyên.

Truyền dịch mặn đẳng trương, truyền máu bằng hồng cầu lắng, tiểu cầu đậm đặc, huyết tương tươi, thuốc vận mạch… khi có chỉ định.

Việc xác định kịp thời nguyên nhân gây băng huyết sau sinh là vô cùng quan trọng. Vì chỉ có loại bỏ được nguyên nhân kết hợp hồi sức chống sốc thì mới có thể chấm dứt được chảy máu.

2. Điều trị sản khoa

Xác định nguyên nhân gây băng huyết sau sinh và tình trạng nhau thai, điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh.

2.1 Rau chưa bong

Nguyên nhân do rau bị cầm tù, rau cài răng lược hoặc rau bám chặt

Xử trí: bóc rau nhân tạo, kiểm soát tử cung, sử dụng các thuốc co bóp tử cung để kiểm soát tử cung và dự phòng nhiễm khuẩn. Trong quá trình bóc, nếu chẩn đoán rau cài răng lược thì mổ cắt tử cung.

2.2 Rau đã bong

Nguyên nhân thường do đờ tử cung, sót rau, lộn tử cung, chấn thương sinh dục hoặc rối loạn đông máu.

  • Kiểm soát tử cung sau khi giảm đau
  • Sử dụng thuốc tăng co tử cung và kháng sinh dự phòng
  • Ép tử cung bằng 2 tay và xoa bụng trong đờ tử cung
  • Xử lí các vết rách, lấy khối máu tụ, khâu cầm máu
  • Nếu lộn lòng tử cung thì nắn lại bằng tay, tăng co bóp, giảm đau, kháng sinh dự phòng.

2.3 Phẫu thuật: Cắt tử cung

Dựa vào loại tổn thương và tình trạng bệnh nhân để chỉ định cắt tử cung hay bảo tồn tử cung

Đây là cách cuối cùng nhằm cứu tính mạng người mẹ. Phương pháp này được chỉ định khi nguyên nhân băng huyết sau sinh là đờ tử cung không hồi phục, vỡ tử cung, chảy máu tại vị trí rau tiền đạo, rau cài răng lược, bệnh nhân đã đủ số con và lớn tuổi.

Đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đủ con, các tổn thương có thể bảo tồn được tử cung, có thể dùng thuyên tắc mạch hoặc thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên.

Đặc biệt, cắt tử cung có chỉ định tuyệt đối trong trường hợp nhau cài răng lược.

Phòng tránh băng huyết sau sinh

Theo chuyên gia sản khoa, để hạn chế nguy cơ băng huyết sau sinh, mẹ đừng quên làm theo hướng dẫn sau:

– Khám thai định kỳ đầy đủ như lịch hẹn, đặc biệt là với sản phụ mang đa thai, đa ối hoặc thấp bé… Nhờ đó, bác sĩ có thể tiên lượng được cuộc chuyển dạ. Đồng thời, thai phụ sẽ được phát hiện các bệnh lý nội khoa để điều trị sớm, chuẩn bị tốt cho việc sinh nở.

– Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học trong thai kỳ, tránh tình trạng thiếu máu, thai nhi quá to, nặng cân.

Phòng tránh băng huyết sau sinh

– Trong thời kỳ mang thai, cần đi thăm khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết âm đạo, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thai máy yếu, khó thở…

– Sản phụ cần được xử lý tích cực ở giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ bằng cách kiểm soát tốt quá trình sổ nhau, đề phòng chảy máu sau sinh…

– Nên theo dõi sát sản phụ ít nhất 6 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời nếu xảy ra tình trạng băng huyết.

– Ở giai đoạn hậu sản, sản phụ phải được nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc nặng nhọc, không lo lắng quá mức, vì sản phụ vẫn có thể băng huyết muộn sau sinh, băng huyết sau sinh 1 tháng.

– Sau sinh nở, phụ nữ nên giữ gìn vùng kín thật sạch sẽ, không đặt bất kỳ vật gì vào âm đạo. Tuyệt đối không quan hệ nếu còn ra sản dịch để tránh nhiễm trùng.

Như vậy mẹ đã biết băng huyết sau sinh là gì. Có thể nói, việc mẹ chăm sóc bản thân đúng cách trong thai kỳ cũng như ở thời kỳ hậu sản góp phần đáng kể trong việc phòng tránh băng huyết sau sinh.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Postpartum Hemorrhage https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=postpartum-hemorrhage-90-P02486 Ngày truy cập: 17/10/2021.

2. Postpartum Hemorrhage: Prevention and Treatment https://www.aafp.org/afp/2017/0401/p442.html Ngày truy cập: 17/10/2021.

3. Prevention and Management of Postpartum Hemorrhage https://www.aafp.org/afp/2007/0315/p875.html Ngày truy cập: 17/10/2021.

4. Postpartum hemorrhage management, the importance of timing https://www.researchgate.net/publication/322968243_Postpartum_hemorrhage_management_the_importance_of_timing Ngày truy cập: 17/10/2021.

5. Postpartum haemorrhage: prevention and treatment https://www.researchgate.net/publication/308910861_Postpartum_haemorrhage_prevention_and_treatment Ngày truy cập: 17/10/2021.

x