Người mẹ Phạm Xuân Trang, 30 tuổi, làm nhân viên văn phòng, hiện sống ở quận 3, TP.HCM là một người mẹ rất đặc biệt khi đã quyết định mang song thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hay còn gọi là làm IVF.
Vì sao giữa những cách mang thai khác, chị lại chọn phương pháp IVF để có con?
Vợ chồng tôi kết hôn từ 2017, đến năm 2020 thì đến thời điểm phù hợp để có con. Sau khi để “thả” tự nhiên khoảng hơn nửa năm với đủ mọi nỗ lực thì vợ chồng tôi vẫn chưa có con. Sau đó, vợ chồng tôi quyết định đi kiểm tra khả năng có con thì cho ra kết quả thì tôi bị đa nang buồng trứng còn còn chồng tôi thì có dấu hiệu bất thường về hình thái tinh trùng. Với tình hình như vậy thì bác sĩ tại phòng khám Ngọc Lan chuyên khoa hiếm muộn tư vấn hai phương pháp có thể hỗ trợ chúng tôi: một là bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), hai là thụ tinh nhân tạo (IVF).
Đối với trường hợp của chúng tôi, phương pháp IUI chỉ có khả năng thành công khoảng 10% thôi. Tôi thấy để có con bằng cách này thì sẽ tốn quá nhiều thời gian để thử đi thử lại. Tôi muốn sử dụng cách hiệu quả mang lại kết quả nhanh chóng hơn vì đây đã là thời điểm phù hợp nhất để sinh con, nên cuối cùng tôi chọn làm IVF.
Việc làm có thai bằng phương pháp làm IVF chắc chắn sẽ rất khó khăn hơn mang thai tự nhiên rất nhiều, còn riêng với chị đã phải trải qua quy trình làm IVF này như thế nào?

Người mẹ nào cũng vậy, việc mang thai tự nhiên đã nhiều vất vả, nhưng mang thai bằng phương pháp IVF còn khó khăn hơn gấp bội. Về phía người chồng thì rất nhẹ nhàng, đơn giản, chỉ có lấy tinh trùng một lần là xong. Còn về người vợ thì phải trải qua nhiều quy trình đau đớn hơn.
Bắt đầu từ ngày kinh thứ ba, quy trình chích thuốc vào vùng bụng gần buồng trứng để tăng kích cỡ buồng trứng sẽ kéo dài 2 tuần cho đến ngày rụng trứng. Việc chích thuốc diễn ra hàng ngày, thậm chí có ngày chích 2 lần.
Sau đó thì bác sĩ sẽ tiến hành gây mê để hút trứng. Tôi khác nhiều mẹ khác khi buồng trứng của tôi bị quá kích nên khi lấy trứng ra phối thì được đến khoảng 25 cái phôi – tương đương với cả mấy năm mình rụng trứng. Đó là điều thành công ban đầu hơn mức tưởng tượng. Lúc đó, hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng.
Lấy trứng xong rồi, tôi tiếp tục phải chích thuốc và uống thuốc, đặt thuốc ở âm đạo. Có thể tính đến từ lúc bắt đầu cho tới khi mang thai là hàng trăm mũi kim tiêm vào người. Quá trình chích thuốc kéo dài rất đau đớn và mệt mỏi, vùng bụng bị căng to, rất nặng nề và khó chịu.
Vậy sau bao lâu thì chị chính thức có thai khi làm IVF thành công?
Lần đặt phôi đầu tiên của tôi không thành công dù đã là phôi loại 1 với khả năng dính bầu rất cao. Mất khoảng chừng 2 tuần lưng chừng ở giữa việc có thai hay không với rất nhiều hy vọng phập phồng. Chờ qua 1 tháng đến lần đặt phôi thứ hai thì tôi quyết định đặt hai phôi để tăng khả năng dính bầu mặc dù bác sĩ có khuyến cáo tôi về khả năng mang thai đôi và những rủi ro đi kèm với việc mang thai đôi. May mắn đến lần này thì vợ chồng tôi được nhận tin vui khi đã chính thức mang thai.
Sau khi đón nhận tin cấy phôi thành công thì cảm xúc của chị và chồng như thế nào?

Tôi phải trải qua đến hơn 10 lần đến thử máu để kiểm tra có thai hay không. Khi biết tin vui, tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm, thầm cảm ơn mọi thứ đã suôn sẻ. Nhưng tôi vẫn chưa thật sự quá mừng vì với quá trình IVF, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có thai rồi vẫn có thể sảy, chỉ sau quá trình 3 tháng đầu mang thai thì mới vào vùng an toàn. Làm IVF thì phải theo dõi quá trình mang thai rất kỹ thế nên vợ chồng tôi xác định phải đi từng bước cẩn trọng, không quá mong chờ ở phía trước.
Trong 40 tuần mang song thai, chị đã trải qua những khó nhọc, đau đớn như thế nào trên cơ thể?
Tôi bị tiểu đường thai kỳ, phải kiêng cữ trong việc ăn uống rất nhiều. Tôi còn bị rối loạn tuyến giáp nên trong mấy tháng liền, tôi uống thuốc trị tuyến giáp rất nhiều nên đâm ra tôi bị nổi mẩn đỏ trên lưng và vai rất nặng. Những chiếc mụn sưng tấy và rất ngứa, vô cùng khó chịu.
Đặc biệt, tôi còn bị nghén rất nặng, hầu như buồn nôn cả ngày, ngày nôn 2-3 cữ trong cả 3 tháng đầu. Còn trong 3 tháng cuối, thì thai đè lên dạ dày nên bị trào ngược axit khiến tôi bị đau ở vùng ngực ghê gớm.
Không chỉ vậy, quá trình thai kỳ của tôi rất nặng nề vì chân tôi còn bị sưng phù. Mỗi lần đi khám thì bác sĩ đều “than trời”, cứ tưởng tôi bị dư đạm trong máu. Việc mang thai đôi còn có nguy cơ tiền sản giật cao nên tôi phải uống thuốc phòng ngừa. Không chỉ vậy, tôi còn phải đặt vòng nâng cổ tử cung ngay từ 3 tháng giữa đến lúc gần sinh.
Quá trình chị chuyển dạ và sinh ra hai “thiên thần” bé nhỏ diễn ra như thế nào?
Chỉ mới khoảng 36 tuần, khi đi khám thai định kỳ thì lúc đó tôi đã bắt đầu có cơn co thắt mạnh, có dấu hiệu sinh non nên bác sĩ cho tôi nhập viện gấp. Buổi sáng đi khám, buổi chiều nhập viện, ngày phải chích thuốc dưỡng thai 3 lần. Tôi phải ngồi xe lăn để y tá đẩy đi chứ không được tự ý đi lại và phải tháo gấp vòng nâng cổ tử cung nếu không sẽ gặp nguy hiểm.