Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Vũ Thị Tuyết Hoa
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên
Cập nhật 30/04/2023

Premium

Tổng hợp các đặc điểm tinh dịch và tinh trùng bất thường khiến nam giới khó có con

Tổng hợp các đặc điểm tinh dịch và tinh trùng bất thường khiến nam giới khó có con
Tỉ lệ vô sinh ở nam giới đang ngày càng gia tăng. Nhận biết những bất thường của tinh dịch và tinh trùng ở nam giới sẽ giúp bạn theo dõi sức khỏe tốt hơn và điều trị hiệu quả nếu có những dấu hiệu đáng lo ngại.

Các yếu tố sau đây không thể thiếu để quá trình thụ thai được xảy ra, bao gồm:

Đọc toàn bộ nội dung

Bài viết này chỉ dành riêng cho thành viên của HelloBacsi. Bạn hãy đăng nhập hoặc tham gia ngay để đọc hết nội dung này.

– Tinh trùng của đàn ông sau khi xuất tinh phải di chuyển đến địa điểm thụ tinh với trứng trong cơ thể người phụ nữ qua quá trình quan hệ tình dục.

Trứng rụng ở cơ thể nữ giới

– Sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng phải được xảy ra để tạo thành phôi.

Phôi thai làm tổ và bắt đầu phát triển trong tử cung.

Do đó, các vấn đề về tinh trùng hoặc trứng chính là nguyên nhân chính gây nên vô sinh và khó thụ thai.

Nếu đang nghi ngờ có những bất thường của tinh dịch và tinh trùng là nguyên nhân gây khó thụ thai, bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.

Tinh dịch ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

1. Thành phần của tinh dịch

thành phần của tinh dịch

Tinh dịch là một chất phức hợp do cơ quan sinh sản của nam giới tạo ra với thành phần chủ yếu từ nước, huyết tương và chất nhầy (một chất bôi trơn). Tinh dịch cũng chứa 5 – 25 calo và một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm:

  • Kali
  • Kẽm
  • Xitrati
  • Canxi
  • Magie
  • Đường
  • Fructozơ
  • Axit lactic
  • Chất đạm
  • Ngoài các chất dinh dưỡng, tinh dịch còn chứa tinh trùng. Tinh trùng là những tế bào có thể thụ tinh với trứng. Một lần xuất tinh có thể chứa 200.000.000 – 300.000.000 tinh trùng.

    Tinh trùng cần chất dinh dưỡng vì phải di chuyển một quãng đường rất xa và chịu đựng môi trường khắc nghiệt của âm đạo. Các chất dinh dưỡng có trong tinh dịch sẽ giữ cho tinh trùng sống sót và cung cấp năng lượng trong khi chúng di chuyển đến trứng.

    Nguồn năng lượng chính của tinh trùng là fructose, một loại đường.

    >> Xem thêm: Tinh trùng là gì? Tinh trùng khác tinh dịch như thế nào?

    Tinh trùng là gì? Tinh trùng khác tinh dịch như thế nào?

    2. Các đặc điểm của tinh dịch không khỏe mạnh

    Các đặc điểm của tinh dịch không khỏe mạnh
    Các đặc điểm của tinh dịch không khỏe mạnh

    Các đặc điểm tinh dịch bất thường có thể nói lên được sức khỏe sinh sản của nam giới, bao gồm khối lượng tinh dịch, độ đặc của tinh dịch, màu sắc cũng như mùi của tinh dịch mỗi lần xuất tinh.

    2.1. Khối lượng tinh dịch

    Khối lượng tinh dịch được giải phóng trong quá trình xuất tinh có thể khác nhau, trung bình là 3,4 ml (mL), tương ứng khoảng 2/3 thìa cà phê.

    Khối lượng tinh dịch có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nghiên cứu cho thấy lượng tinh dịch cao hơn bình thường tương ứng với số lượng tinh trùng càng thấp. Điều này là do sự pha loãng của các tế bào tinh trùng.

    Mặt khác, thể tích tinh dịch thấp hơn bình thường (dưới 1,5 mL) cũng tương ứng với khả năng thụ thai thấp hơn. Thể tích tinh dịch ít có thể là do xuất tinh ngược (tinh dịch chảy ngược trở lại bàng quang thay vì ra khỏi cơ thể.

    Khối lượng tinh dịch thấp cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý khác như có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hoặc bệnh tim.

    Khối lượng tinh dịch thấp không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vô sinh hoặc bệnh tật. Chúng cũng có thể là dấu hiệu mất nước hoặc bạn mới xuất tinh gần đây.

    Nếu lượng tinh dịch luôn bất thường và bạn không thể thụ thai, bạn có thể đến bệnh viện để thăm khám với bác sĩ.

    2.2. Mùi của tinh dịch

    Tinh dịch thường có mùi clo hoặc amoniac và có vị hơi ngọt do hàm lượng đường fructose cao. Mùi tinh dịch có thể là khác nhau ở mỗi người.

    Một số loại thực phẩm có thể làm thay đổi mùi của tinh dịch, khiến tinh dịch trở nên đắng, hăng hoặc có mùi xạ hương như:

    • Tỏi
    • Thịt
    • Hành
    • Bắp cải
    • Cà phê
    • Măng tây
    • Rượu bia
    • Sản phẩm từ bơ sữa

    Các loại thực phẩm khác giúp tinh dịch có mùi hoặc vị dịu hơn hay ngọt hơn là cần tây, rau mùi tây và dứa.

    Hút thuốc lá cũng có thể làm thay đổi hương vị hoặc mùi của tinh dịch. Ngoài ra, thuốc lá có thể làm giảm chất lượng, số lượng và khả năng vận động của tinh trùng, khiến bạn khó thụ thai hơn.

    Một yếu tố nghiêm trọng khác có thể ảnh hưởng đến mùi hoặc vị của tinh dịch là nhiễm trùng. Chúng bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưchlamydia, lậu và trichomonas (nhiễm trùng đường sinh dục nam).

    Nếu tinh dịch của bạn có mùi hôi khó chịu, đây đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng đường sinh dục hoặc đường tiết niệu. Bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám với bác sĩ.

    >> Xem thêm: Tinh trùng có vị gì? Mặn, đắng, chua hay tanh?

    2.3. Màu sắc và độ đặc của tinh dịch

    Màu sắc và độ đặc của tinh dịch bình thường
    Màu sắc và độ đặc của tinh dịch bình thường

    Tinh dịch bình thường thường có màu trắng đục hoặc hơi vàng. Độ đặc phải tương tự như độ đặc của lòng trắng trứng hoặc hơi giống thạch. Đôi khi có thể có những hạt giống như thạch trong tinh dịch, nhưng tình trạng này là bình thường nếu bạn bị mất nước hoặc không xuất tinh trong một thời gian dài.

    Bạn cũng cần lưu ý những thay đổi về máu sắc tinh dịch dưới đây bởi cũng nói lên phần nào sức khỏe của bạn.

    a. Đỏ hoặc Nâu

    Nếu tinh dịch của bạn có màu đỏ hoặc nâu thì có thể là dấu hiệu của máu. Nguyên nhân gây xuất tinh máu bao gồm:

    • Vỡ mạch máu
    • Phì đại tuyến tiền liệt
    • Chấn thương tinh hoàn
    • Sỏi thận hoặc bàng quang
    • Thắt ống dẫn tinh gần đây
    • Sinh thiết tuyến tiền liệt gần đây
    • Bệnh lây truyền qua đường tình dục
    • Viêm tinh hoàn (viêm tinh hoàn, thường là do nhiễm trùng)
    • Viêm mào tinh hoàn (viêm mào tinh hoàn, thường là do nhiễm trùng)

    Hầu hết các trường hợp xuất tinh ra máu có thể chữa trị được. Hiếm khi có máu trong tinh dịch là dấu hiệu của bệnh ung thư.

    b. Vàng hoặc xanh

    Tinh dịch có màu vàng hoặc xanh rõ rệt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Một số nguyên nhân phổ biến và không phổ biến của tinh dịch màu vàng hoặc xanh bao gồm:

    • Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng
    • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) như chlamydia, lậu và trichomonas
    • Vàng da hoặc tích tụ sắc tố màu vàng gọi là bilirubin do các tình trạng như viêm gan và sỏi mật
    • Pyospermia, một tình trạng liên quan đến vô sinh nam, trong đó nồng độ cao của các tế bào bạch cầu trong tinh dịch làm tổn thương và làm suy yếu các tế bào tinh trùng

    Bạn nên sắp xếp thời gian thăm khám bác sĩ nếu tinh dịch có màu bất thường đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng (bao gồm xuất tinh đau, tinh hoàn bị sưng, sốt) hoặc nếu triệu chứng kéo dài, ngày càng trầm trọng hơn hoặc tái phát.

    >> Xem thêm: Tinh trùng màu trắng sữa là bị gì? Có ảnh hưởng gì không?

    Ảnh hưởng của tinh trùng tới khả năng sinh sản

    1. Điều gì xác định chất lượng tinh trùng?

    Tinh trùng bất thường và tinh trùng khỏe mạnh dưới kính hiển vi
    Tinh trùng bất thường và tinh trùng khỏe mạnh dưới kính hiển vi

    Chất lượng tinh trùng đề cập đến khả năng thực hiện quá trình thụ tinh của tinh trùng. Một số yếu tố liên kết với nhau làm ảnh hưởng đến sự thụ tinh bao gồm: khả năng vận động của tinh trùng, hình thái tinh trùng và sức khỏe của DNA có trong tinh trùng.

    1.1. Khả năng vận động của tinh trùng

    Khả năng vận động đề cập đến khả năng di chuyển hoặc “bơi” của tinh trùng qua hệ thống sinh sản của nữ giới và thụ tinh cho trứng.

    Tinh trùng di động tiến tới (progressive motility) đánh giá được tốt nhất chất lượng tinh trùng bởi vì tinh trùng di chuyển về phía trước theo đường thẳng hoặc theo vòng tròn lớn.

    Trái lại, tinh trùng không khỏe mạnh sẽ di chuyển theo vòng tròn nhỏ hẹp hoặc không đi thẳng mà đi theo những con đường thất thường.

    Sự vận động của tinh trùng di động tiến tới đóng một vai trò không thể thiếu trong chất lượng tinh trùng.

    tinh trùng di động bình thường và tinh trùng di động bất thường
    Tinh trùng di động bình thường và tinh trùng di động bất thường

    1.2. Hình thái của tinh trùng

    Hình thái của tinh trùng có nghĩa là cấu trúc hoặc hình dạng của tinh trùng. Tinh trùng khỏe mạnh bình thường bao gồm:

    – Đuôi tinh trùng, làm bằng sợi protein, giúp tinh trùng “bơi” về phía trứng.

    – Phần giữa của cơ thể tinh trùng chứa ty thể để cung cấp năng lượng cho sự di chuyển của tinh trùng.

    – Đầu tinh trùng chứa thông tin di truyền. Phần đầu cũng bao gồm vùng thể cực đầu (the acrosomal vesicle), một cấu trúc nhỏ ở đầu tinh trùng chứa các enzym giúp tinh trùng thâm nhập vào trứng bằng cách phân hủy protein và đường trên bề mặt trứng. Cấu trúc này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến khả năng di chuyển đến, thâm nhập và thụ tinh của tinh trùng với trứng.

    1.3. Sức khỏe DNA trong mỗi tinh trùng

    Mỗi tế bào tinh trùng chứa 23 nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể là các phân tử DNA quyết định sự tăng trưởng và phát triển của toàn bộ cơ thể con người.

    Tế bào tinh trùng là tế bào “đơn bội”, chứa một nửa số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào của con người. Trứng chứa nửa số lượng nhiễm sắc thể còn lại. Khi trứng và tinh trùng thụ tinh sẽ tạo ra một tế bào hoàn chỉnh gồm 46 nhiễm sắc thể (được gọi là tế bào “lưỡng bội”).

    Như vậy, tính toàn vẹn của vật liệu di truyền do tinh trùng mang theo là điều cần thiết để thụ tinh thành công và phát triển phôi bình thường.

    Thỉnh thoảng, DNA bên trong tinh trùng có thể bị hư hỏng, đứt gãy hoặc bất thường (được gọi là sự phân mảnh DNA của tinh trùng) làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai của nam giới và cũng có liên quan đến việc sảy thai nhiều lần (2 hoặc nhiều lần sảy thai liên tiếp).

    Sự phân mảnh DNA có thể do nhiều yếu tố gây ra như tuổi tác, bệnh tật, thuốc lá và hóa chất độc hại.

    1.4. Số lượng tinh trùng

    Chất lượng tinh trùng đi kèm với số lượng tinh trùng. Số lượng tinh trùng là tổng số tinh trùng trong một lượng tinh dịch cụ thể. Ví dụ, một mẫu tinh trùng có thể bao gồm 3 ml tinh dịch với nồng độ tinh trùng là 15 triệu tinh trùng/ml và tổng số lượng tinh trùng là 45 triệu.

    Số lượng tinh trùng và chất lượng tinh trùng là những yếu tố riêng biệt. Số lượng tinh trùng cao không hoàn toàn làm tăng khả năng sinh sản nếu hầu hết tinh trùng bị biến dạng, không thể bơi đúng cách hoặc mang DNA bị hỏng.

    Tuy nhiên, chất lượng tinh trùng và số lượng tinh trùng thấp có thể do một số nguyên nhân gây ra, bao gồm tiếp xúc với chất độc hoặc hóa trị, hút thuốc và mất cân bằng nội tiết tố.

    >> Xem thêm: Tinh trùng ít có thụ thai được không? Làm sao để khắc phục?

    2. Các dạng tinh trùng bất thường

    Các dạng tinh trùng bất thường
    Các dạng tinh trùng bất thường

    Nếu nhận kết quả bất thường sau khi xét nghiệm tinh dịch đồ tại bệnh viện, bạn hãy khoan lo lắng bởi điều này không có nghĩa là vô sinh nam.

    Một số yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả phân tích tinh dịch bao gồm: căn bệnh gần đây, lo lắng về kỳ thi, áp lực công việc và các yếu tố khác. Kiêng xuất tinh trong 3 – 4 ngày trước khi xét nghiệm cũng có thể làm thay đổi kết quả.

    Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm lại 1-2 xét nghiệm tiếp theo sau khoảng 2-3 tháng làm lần xét nghiệm tinh dịch đồ đầu tiên để xem kết quả bất thường có lặp lại hay không.

    Tuy nhiên, các thông số trên kết quả phân tích tinh dịch sẽ được xem xét cùng nhau. Nếu phát hiện bất thường duy nhất là số lượng bạch cầu cao, nhưng các thông số tinh dịch khác là bình thường và không có dấu hiệu nhiễm trùng nào khác, thì trên thực tế, kết quả phân tích tinh dịch có thể vẫn là bình thường.

    Nếu những lần xét nghiệm tinh dịch tiếp theo đều cho kết quả kém, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ tiết niệu sinh sản và bác sĩ nội tiết sinh sản để thảo luận về các lựa chọn điều trị. Nam giới có chất lượng tinh dịch rất kém cũng có nguy cơ mắc bệnh tinh hoàn cao hơn.

    Một số dạng tinh trùng phổ biến dưới đây có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới:

    2.1. Cực khoái khô (Aspermia)

    Cực khoái khô là tình trạng không xuất tinh và không có tinh trùng. Không giống với azoospermia (có tinh dịch nhưng không có tinh trùng), aspermia không có tinh dịch nào cả.

    Nếu gặp phải tình trạng này, bạn có thể đạt cực khoái nhưng không xuất tinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này: xuất tinh ngược, rối loạn di truyền (như hội chứng Klinefelter hoặc xơ nang), bất thường bẩm sinh ở đường sinh sản, mất cân bằng nội tiết tố, tiểu đường, điều trị ung thư tinh hoàn hoặc rối loạn chức năng tình dục nghiêm trọng.

    Cực khoái khô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này vẫn có thể được điều trị.

    Nếu không thể điều trị, bác sĩ có thể khuyên bạn sinh thiết tinh hoàn để lấy được tinh trùng chưa trưởng thành từ tinh hoàn. Những tinh trùng này sau đó được nuôi trưởng thành trong phòng thí nghiệm và cho thụ tinh với trứng qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF.

    Trường hợp phương pháp trên cũng không khả dĩ, bạn có thể xem xét nhận tinh trùng hiến tặng.

    2.2. Tinh dịch ít (Hypospermia)

    Tinh dịch ít là khi tổng lượng xuất tinh thấp (dưới 1,5 ml chất lỏng hoặc ít hơn 1/3 thìa cà phê). Tinh dịch ít có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phổ biến nhất vẫn là do tinh trạng xuất tinh ngược.

    Xuất tinh ngược là khi tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì đi ra ngoài niệu đạo.

    2.3. Mật độ tinh trùng thấp (Oligozoospermia)

    Mật độ tinh trùng thấp

    Tình trạng này xảy ra khi số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường, có thể được mô tả thêm là nhẹ, trung bình, nặng hoặc cực đoan.

    Thông thường, khi số lượng tinh trùng thấp, các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tinh trùng cũng xuất hiện như các vấn đề về chuyển động của tinh trùng và hình dạng của tinh trùng.

    Một số nguyên nhân có thể khiến mật độ tinh trùng thấp, bao gồm:

    • Tinh hoàn ẩn
    • Một số loại thuốc
    • Rối loạn di truyền
    • Mất cân bằng nội tiết tố
    • Đã từng điều trị ung thư
    • Bất thường đường sinh sản
    • Bệnh tiểu đường không được điều trị
    • Giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocele)
    • Nhiễm trùng cơ bản của đường sinh sản
    • Bệnh celiac (hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten)

    Điều kiện môi trường hay thói quen sống không lành mạnh cũng có thể khiến mật độ tinh trùng thấp. Ví dụ, tinh hoàn quá nóng (do sử dụng bồn tắm nước nóng thường xuyên), tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc, hút thuốc, béo phì hoặc sử dụng ma túy và rượu, bia.

    Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống có thể làm tăng số lượng tinh trùng đủ để cải thiện khả năng sinh sản.

    Thiểu tinh trùng vô căn được xác định khi không biết rõ nguyên nhân khiến mật độ tinh trùng thấp.

    Tình trạng này là lý do phổ biến nhất gây hiếm muộn ở nam giới. Những người đàn ông có ít tinh trùng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình vẫn có thể có con tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng tinh trùng càng thấp thì khả năng mang thai thành công của cặp vợ chồng mà không cần sự trợ giúp của các phương pháp điều trị sinh sản càng thấp. Bạn cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để thụ thai.

    2.4. Vô tinh (Azoospermia)

    Vô tinh trùng là khi không có tinh trùng trong lần xuất tinh nhưng tinh dịch có thể hoàn toàn bình thường. Vì vậy, cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ để chẩn đoán tình trạng này.

    Các nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng vô tinh bao gồm:

    • Rối loạn di truyền
    • Tắc nghẽn đường dẫn tinh
    • Dị tật bẩm sinh đường sinh dục nam
    • Vô tinh cũng có thể xảy ra sau điều trị ung thư tinh hoàn.
    • Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị

    Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn là do mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chức năng tình dục nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng do bệnh quai bị sau tuổi dậy thì phát triển viêm tinh hoàn.

    >> Xem thêm: Không có tinh trùng nên ăn gì để cải thiện chất lượng tốt nhất?

    2.5. Tinh trùng kém di động (Asthenozoospermia)

    Tinh trùng kém di động là khi một tỷ lệ lớn tinh trùng di chuyển không bình thường hay khả năng vận động của tinh trùng bất thường. Tinh trùng bình thường phải di chuyển theo hướng tăng dần (được định nghĩa là “theo đường thẳng” hoặc “vòng tròn rất lớn”).

    Khả năng vận động của tinh trùng kém thường đi cùng với số lượng tinh trùng thấp.

    Các nguyên nhân có thể khiến khả năng vận động của tinh trùng kém bao gồm:

    • Hút thuốc
    • Bệnh tự miễn
    • Dinh dưỡng kém
    • Phơi nhiễm độc tố
    • Bất thường tinh dịch
    • Sử dụng thuốc kích thích
    • Uống quá nhiều rượu, bia
    • Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh

    Tổng số tinh trùng di động là thước đo khả năng sinh sản tốt hơn. Ví dụ, theo một nghiên cứu năm 2015, ít hơn 5 triệu tinh trùng di động sẽ được coi là vô sinh nam nghiêm trọng, 5 – 20 triệu là vô sinh vừa phải và hơn 20 triệu tinh trùng di động sẽ được coi là bình thường.

    2.6. Tinh trùng dị dạng (Teratozoospermia)

    Tinh trùng dị dạng
    Các loại tinh trùng dị dạng

    Tinh trùng dị dạng là khi một tỷ lệ lớn tinh trùng của nam giới có hình dạng hay hình thái bất thường. Tinh trùng bình thường có đầu hình bầu dục với đuôi dài. Tinh trùng bất thường có thể có đầu hình dạng kỳ lạ, nhiều hơn một đầu hoặc nhiều hơn một đuôi.

    Hình dạng tinh trùng quyết định khả năng di chuyển hoặc bơi lội của tinh trùng. Do đó, không có gì lạ khi hình thái tinh trùng kém đi cùng với khả năng di chuyển và số lượng tinh trùng thấp. Nếu tinh trùng không có hình dạng bình thường và không thể di chuyển tốt, chúng sẽ không thể thụ tinh với trứng.

    Hình thái tinh trùng kém có thể do nhiều nguyên nhân di truyền gây ra. Trong một số ít trường hợp, một số nguyên nhân di truyền cụ thể dẫn đến tất cả các tinh trùng đều có hình dạng bất thường giống nhau.

    Ví dụ, Tinh trùng đầu tròn và không có acrosome (globozoospermia) là một loại tinh trùng dị dạng, trong đó đầu tinh trùng có hình tròn thay vì hình bầu dục. Tình trạng này là do một đột biến gen cụ thể gây ra.

    Tinh trùng dị dạng có ảnh hưởng đến thai nhi không? Câu trả lời là không. Cấu trúc của tinh trùng không ảnh hưởng đến em bé hay gây ra khiếm khuyết nào về thể chất hoặc tinh thần.

    Tỉ lệ nam giới có hình thái tinh trùng bất thường cao có thể có con khi thay đổi lối sống, dùng thuốc hay sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản sản như IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng).

    2.7. Oligoasthenoteratozoospermia – OAT

    Tình trạng này xảy ra khi tất cả các thông số của tinh trùng như số lượng, chuyển động và hình dạng của tinh trùng đều bất thường. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nam.

    OAT có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng sẽ quyết định việc điều trị và tiên lượng.

    2.8. Tinh trùng hoại tử (Necrozoospermia)

    Tinh trùng hoại tử là khi tất cả tinh trùng đều bị chết. Tình trạng này khác với tinh trùng kém di động – asthenozoospermia (trong đó tất cả tinh trùng không di chuyển nhưng vẫn còn sống). Tinh trùng hoại tử là một nguyên nhân hiếm gặp gây vô sinh.

    Khi tinh trùng di chuyển kém nhưng vẫn có khả năng sống, các phương pháp điều trị được thực hiện bao gồm: IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) hoặc ICSI (tế bào tinh trùng được tiêm trực tiếp vào trứng để có sự hy vọng thụ tinh).

    Tuy nhiên, nếu tinh trùng đã chết thì các phương pháp điều trị trên không còn hữu nghiệm.

    Vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến tinh trùng hoại tử vì tình trạng này rất hiếm nên khó nghiên cứu. Nếu xác định được nguyên nhân, hy vọng sẽ tìm ra hướng giải quyết hoặc cải thiện tình hình.

    Trong một số trường hợp, có thể sinh thiết tinh hoàn bằng IVF-ICSI. Bác sĩ sẽ lấy các tế bào tinh trùng chưa trưởng thành (nhưng còn sống) trực tiếp từ tinh hoàn, nuôi chúng trưởng thành trong phòng thí nghiệm và sử dụng chúng cho IVF-ICSI.

    2.9. Tăng bạch cầu bất thường trong tinh dịch (Leukocytospermia)

    Leukocytospemia hay còn gọi là pyospermia xảy ra khi có một số lượng lớn các tế bào bạch cầu trong tinh dịch.

    Với tình trạng tăng bạch cầu, tinh trùng không nhất thiết là bất thường, nhưng tinh dịch có thể là vấn đề. Nồng độ bạch cầu cao có thể dẫn đến tổn thương tinh trùng, làm giảm khả năng sinh sản.

    Số lượng bạch cầu cao cũng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh tự miễn dịch. Một số nguyên nhân khiến mật độ tinh trùng thấp cũng có thể là nguyên nhân gây tăng bạch cầu bất thường trong tinh dịch.

    Tầm quan trọng của phương pháp xét nghiệm tinh dịch đồ

    Tầm quan trọng của phương pháp xét nghiệm tinh dịch đồ
    Tầm quan trọng của phương pháp xét nghiệm tinh dịch đồ

    Để hiểu tầm quan trọng của xét nghiệm tinh dịch đồ, bạn nên biết ý nghĩa của phương pháp xét nghiệm tinh dịch đồ, ai nên làm xét nghiệm này và kết quả như thế nào là bình thường.

    1. Ý nghĩa của xét nghiệm tinh dịch đồ

    Xét nghiệm tinh dịch đồ có thể cho biết được ý nghĩa của các thông số dưới đây:

    Mức độ pH: Tinh dịch có quá nhiều axit, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tinh trùng.

    Thể tích tinh dịch: Số lượng tinh dịch trong mẫu (tính bằng mL).

    Nồng độ tinh trùng: Số lượng tinh trùng trên 1mL tinh dịch.

    Hình thái tinh trùng: Kích thước và hình dạng của tinh trùng.

    Khả năng di chuyển của tinh trùng: Khả năng tinh trùng bơi về phía trứng.

    Thời gian hóa lỏng: Thời gian tinh dịch chuyển từ chất dính sang chất lỏng.

    Khả năng sống của tinh trùng: Phần trăm tinh trùng sống trong mẫu.

    Tế bào bạch cầu: Dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm.

    Bạn sẽ cần kiêng hoạt động tình dục và thủ dâm trong 2 – 4 ngày để đảm bảo số lượng tinh trùng ở mức cao nhất.

    Nếu thắt ống dẫn tinh, sẽ rất hữu ích nếu bạn thủ dâm nhiều lần sau đó để giúp loại bỏ tinh trùng khỏi hệ thống. Xét nghiệm tinh dịch đồ thường được thực hiện sau 8-12 tuần thắt ống dẫn tinh. Bạn có thể cung cấp mẫu tinh dịch tại nhà và sau đó mang đến phòng thí nghiệm.

    Thông thường, bạn sẽ cung cấp mẫu tinh dịch của mình qua việc thủ dâm trong một căn phòng riêng tư, thoải mái, sau đó đặt mẫu vào một vật chứa vô trùng, miệng rộng.

    Nếu bạn không thể thủ dâm vì lý do tôn giáo, bác sĩ có thể gợi ý bạn xuất tinh vào một bao cao su không bôi trơn trong khi quan hệ với bạn đời.

    2. Ai nên làm xét nghiệm tinh dịch đồ?

    Bạn nên đi làm xét nghiệm tinh dịch đồ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

    Vô sinh nam: Một trong những lý do khiến vợ chồng khó thụ thai có thể do sự bất thường về tinh dịch hoặc do tinh trùng của nam giới có vấn đề. Phân tích tinh dịch có thể đánh giá được khả năng sinh sản của nam giới.

    Theo dõi sau thắt ống dẫn tinh (triệt sản nam): Xét nghiệm tinh dịch đồ xác định xem liệu thắt ống dẫn tinh có thành công hay không. Nếu không có tinh trùng trong tinh dịch, thắt ống dẫn tinh đã hoạt động và triệt sản thành công.

    3. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bình thường

    Đây là một xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm để kiểm tra một mẫu tinh dịch dưới kính hiển vi. Xét nghiệm tinh dịch đồ có thể giúp đánh giá số lượng, khả năng di chuyển và hình dạng (hình thái) của tinh trùng.

    Nếu kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ là bình thường thì các thông số sẽ nằm trong phạm vi dưới đây:

    Thể tích tinh dịch: 1,5 ml trở lên (hoặc từ 1,4 đến 1,7 ml)

    Tổng số tinh trùng: 39 triệu (hoặc từ 33 đến 46 triệu)

    Nồng độ tinh trùng: 15 triệu mỗi ml (hoặc từ 12 đến 16 triệu mỗi ml)

    Tổng nhu động: 40% trở lên (hoặc từ 38 đến 42%)

    Vận động tiến tới: 32% trở lên (hoặc từ 31 đến 34%)

    Sức sống: 58% trở lên (hoặc từ 55 đến 63%)

    Hình thái tinh trùng: 4% trở lên (hoặc từ 3 đến 4%)

    Lựa chọn điều trị khi phát hiện bất thường sau xét nghiệm tinh dịch đồ

    Nếu kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bất thường, bác sĩ sẽ tim hiểu nguyên nhân rõ ràng của sự bất thường trong mẫu tinh trùng và gợi ý những cách khắc phục hoặc giải quyết nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đầu tiên mà bác sĩ sẽ xem xét là lối sống của bạn và những thay đổi có thể có mà bạn cần thực hiện.

    1. Thay đổi lối sống

    tập thể dục để cải thiện chất lượng tinh trùng
    Tập thể dục để cải thiện chất lượng tinh trùng

    Thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh dịch và tinh trùng của nam giới.

    Ngừng hút thuốc và ma túy: Thuốc lá có thể khiến số lượng tinh trùng thấp và tinh trùng di chuyển chậm. Bạn cũng cần ngừng hút cần sa hoặc sử dụng ma túy, các loại thuốc kích thích vì tinh trùng có thể bị tổn hại bởi cocaine, cần sa và amphetamine.

    Giảm số lượng đồ uống có cồn. Rượu đã được chứng minh là làm giảm sản xuất tinh trùng và gây ra những bất thường về tinh trùng.

    Hạn chế lượng caffein: Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy nồng độ và số lượng tinh trùng giảm nhẹ ở những người đàn ông uống nhiều caffein hoặc soda.

    Giảm căng thẳng: Căng thẳng có liên quan đến sự bất thường ở tinh trùng. Do đó, bạn cần thư giãn và giải tỏa căng thẳng dồn nén trong khi cố gắng thụ thai.

    Không để tinh hoàn bị nóng: Tinh hoàn phải mát hơn phần còn lại của cơ thể nam giới để sản xuất tinh trùng tối ưu. Để giúp cơ quan sinh sản nam giới không bị quá nóng, bạn nên hạn chế thời gian ngâm mình trong bồn tắm nước nóng, phòng xông hơi khô và phòng xông hơi ướt, đồng thời tránh dành quá nhiều thời gian với máy tính xách tay trên đùi.

    Có chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn cần đảm bảo uống nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

    Tập thể dục: Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy, bơi lội, đạp xe hoặc những hoạt động thể chất vừa phải mà bạn yêu thích.

    Giảm tiếp xúc với những mối nguy hiểm từ môi trường: Một số mối nguy hiểm từ môi trường đối với tinh dịch của nam giới bao gồm phơi nhiễm phóng xạ, khói hữu cơ, thuốc trừ sâu, dung môi và các hóa chất độc hại khác.

    Ngừng sử dụng các chất bổ sung có hại: Nhiều sản phẩm nhằm mục đích xây dựng khối lượng cơ bắp có thể làm giảm khả năng sinh sản bằng cách ngừng sản xuất tinh trùng.

    >> Xem thêm: Tăng chất lượng tinh trùng và khả năng thụ thai với 18+ “tuyệt chiêu” đơn giản!

    2. Điều trị bởi bác sĩ

    Đàn ông gặp những bất thường ở tinh dịch và tinh trùng thường cần điều trị bởi bác sĩ ngoài việc thay đổi lối sống. Sau đây là những cách mà bác sĩ có thể điều trị dựa trên các bất thường khi phân tích tinh dịch đồ.

    Điều trị bằng thuốc: Có thể bao gồm các liệu pháp giúp khắc phục mọi bất thường về nội tiết tố. Ngoài ra, nếu bạn đang điều trị bằng testosterone vì lượng testosterone thấp có thể cần chuyển sang các loại thuốc thay thế để tối ưu hóa việc sản xuất tinh trùng. Nếu có sự nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc kháng sinh.

    Phẫu thuật: Dưới đây là các ca phẫu thuật phổ biến nhất để tăng sản xuất tinh dịch hoặc cho phép lấy tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

    – Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh: Giãn tĩnh mạch thừng tinh là sự mở rộng của các tĩnh mạch trong bìu, có thể dẫn đến các thông số tinh dịch bất thường. Bác sĩ sẽ phẫu thuật bằng cách sử dụng các kỹ thuật vi mô để điều trị các tĩnh mạch bị ảnh hưởng.

    – Đảo ngược thắt ống dẫn tinh: Đảo ngược thắt ống dẫn tinh là một phẫu thuật để hoàn tác thắt ống dẫn tinh và nối lại ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn vào tinh dịch. Tỷ lệ thành công cho việc đảo ngược thắt ống dẫn tinh dao động từ 40 – 90%.

    Các yếu tố để thành công bao gồm khoảng thời gian kể từ khi thắt ống dẫn tinh, kết quả khám sức khỏe trước khi phẫu thuật, tuổi của vợ, kinh nghiệm và đào tạo của bác sĩ phẫu thuật. Sau 6-8 phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm xét nghiệm tinh dịch đồ để xác nhận tinh dịch là bình thường.

    – Lấy tinh trùng: Nếu quá trình sản xuất tinh trùng bị ảnh hưởng đáng kể, bác sĩ tiết niệu sẽ cần lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn bằng kỹ thuật lấy tinh trùng. Các ca phẫu thuật lấy tinh trùng bao gồm chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA), lấy tinh trùng từ mào tinh hoàn bằng chọc hút qua da (PESA), vi phẫu thuật tinh hoàn (TESE) và chọc hút tinh trùng qua mào tinh hoàn (MESA).

    Sau khi tinh trùng được thu thập, bác sĩ có thể sử dụng tinh trùng để thụ tinh với trứng và cấy lại vào cơ thể của người phụ nữ qua các công nghệ sinh sản nhân tạo bao gồm IVF, ICSI.

    IVF là một quá trình liên quan đến việc tinh trùng thụ tinh trứng trong môi trường phòng thí nghiệm trước khi chuyển phôi vào tử cung của người phụ nữ. ICSI sử dụng quy trình IVF nhưng tiến xa hơn bằng cách tiêm trực tiếp tinh trùng vào trứng để tăng cơ hội thụ tinh thành công.

    Duy trì các lối sống lành mạnh sẽ giúp thúc đẩy khả năng sinh sản và có thể cải thiện cơ hội thụ thai. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, vô sinh được định nghĩa là tình trạng một cặp vợ chồng hoạt động tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai không thể đậu thai sau một năm cố gắng. Nếu đã trên 1 năm cố gắng thụ thai, vợ chồng bạn nên đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân của vấn đề và cung cấp các phương pháp điều trị giúp bạn và vợ sớm có tin vui.

    Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn tham khảo

    1. How Many Nutrients Are in Semen?https://www.webmd.com/sex-relationships/how-many-nutrients-are-in-semen
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    2. Semen Analysis
    https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/21520-semen-analysis
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    3. Healthy sperm: Improving your fertility
    https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/fertility/art-20047584
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    4. What Kind of Abnormalities Can Occur in Sperm?https://www.novaivffertility.com/fertility-help/sperm-abnormalities-types
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    5. What If Your Semen Analysis Results Are Abnormal?https://www.verywellfamily.com/what-if-your-semen-analysis-results-are-abnormal-1960164
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    6. What Your Semen Says About Your Health
    https://www.verywellhealth.com/facts-about-semen-an-indication-of-health-status-2328524
    Ngày truy cập: 28.2.2023

    x