Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Hương Lê
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 21/11/2021

Bệnh u mềm lây ở trẻ em là gì, có nguy hiểm không?

Bệnh u mềm lây ở trẻ em là gì, có nguy hiểm không?
Bệnh u mềm lây ở trẻ em có thời gian ủ bệnh kéo dài đến 7 tuần. Bệnh được đánh giá là lành tính nhưng có thể gây nhiễm trùng nếu không được điều trị đúng cách.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh u mềm lây ở trẻ em là bệnh lành tính, đôi khi có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Nhưng không vì thế mà mẹ chủ quan, tốt nhất vẫn là nên cho con đi khám và chữa trị khi phát hiện bệnh để an toàn cho bé.

Bài viết sẽ giúp mẹ hiểu thêm về bệnh cũng như nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh.

Bệnh u mềm lây ở trẻ em là gì?

Đây là căn bệnh da liễu do virus Molluscum contagiosum (thuộc nhóm Poxvirus) gây ra. Virus gây bệnh thường “trú ngụ” trong các nốt sần màu hồng, mịn, bóng có đường kính từ 2 đến 5mm, thường thấy ở mặt, thân và tay chân của trẻ em.

Tuy bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và trẻ dậy thì nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.

Nguyên nhân lây bệnh

Dưới đây là các yếu tố gây lây nhiễm:

– Tiếp xúc da với người nhiễm bệnh.

– Môi trường sống ẩm mốc, kém vệ sinh.

– Bệnh đôi khi có thể lây khi trẻ tắm ở hồ bơi.

– Chạm vào các đồ vật có virus gây bệnh như đồ chơi, khăn tắm, quần áo…

nguyên nhân gây bệnh u mềm lây ở trẻ em

Nhận biết triệu chứng bệnh u mềm lây ở trẻ em

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2-7 tuần. Do đó, các triệu chứng của bệnh sẽ không xuất hiện ngay lập tức khi trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh.

Khi phát bệnh, dấu hiệu nhận diện đặc trưng là các nốt u mềm hay các nốt sần nhỏ trên da màu hồng, bóng mịn hoặc lõm giữa, không gây đau nhưng gây ngứa.

Các nốt này thường có đường kính từ 1-3mm, thậm chí có thể to đến 2cm (cỡ hạt đậu).

Chúng có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên da như cánh tay, mặt, bàn tay, ngực, bụng… (ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân). Các nốt u mềm có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc thành từng đám hàng chục nốt.

Khi các nốt u mềm vỡ, dịch trắng chảy ra sẽ khiến virus lan sang các vùng da khác trên cơ thể cũng như phát tán ra môi trường xung quanh.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Bệnh da liễu ở trẻ em thường gặp và những ảnh hưởng đến sức khỏe của con

Bệnh u mềm lây có nguy hiểm không?

U mềm lây ở trẻ em có nguy hiểm không? U mềm lây không phải là một bệnh nguy hiểm và ít gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Tuy nhiên bệnh vẫn tiềm ẩn một số rủi ro mà mẹ cần lưu ý là vì:

– Trẻ có thể lây bệnh cho người khác. Vì vậy điều quan trọng là phải che kín các vùng da bị ảnh hưởng. Tránh tiếp xúc da và không dùng chung khăn tắm của trẻ với bất kỳ ai.

– Bệnh có thể nghiêm trọng hơn, gia tăng nguy cơ bội nhiễm nếu trẻ có sức đề kháng kém.

– Bệnh đôi khi có thể để lại sẹo xấu, sẹo rỗ. Điều này gây mất tự tin cho trẻ khi lớn lên.

– Các nốt u mềm xuất hiện gần mắt có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt.

Phương pháp điều trị

Thông thường thời gian để các nốt u mềm tự lành là 2-3 tháng. Và để chúng biến mất hoàn toàn có thể phải mất từ vài tháng đến vài năm. Bởi vì sau khi các nốt cũ biến mất, các nốt mới lại xuất hiện do virus lan sang các vùng da xung quanh. Mức độ và thời gian khỏi bệnh là khác nhau ở mỗi trẻ, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe ở mỗi trẻ và điều kiện chăm sóc của mỗi gia đình.

Tốt nhất, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, mẹ nên cho con đi điều trị càng sớm càng tốt vì những lý do sau:

– Để các nốt sần, vết u mềm lặn nhanh hơn.

– Giảm nguy cơ lây lan sang các vị trí khó điều trị như mí mắt, môi hoặc mũi.

– Giảm nguy cơ lây lan bệnh cho người khác.

– Giảm nguy cơ để lại sẹo, mặc dù, một số phương pháp điều trị có thể gây ra sẹo.

♥ Điều trị u mềm lây ở trẻ em bằng cách nào?

Dùng tia laser: đây là cách hữu hiệu để loại bỏ nốt u mềm.

Nạo bằng curret các u mềm lây: trước khi nạo các u mềm, bác sĩ sẽ gây tê vùng tổn thương.

– Phẫu thuật lạnh bằng nitơ: phương pháp này không chỉ an toàn mà còn hiệu quả, sử dụng nitơ ở nhiệt độ cực thấp để chữa trị.

– Dùng thuốc: bác sĩ có thể kê đơn kem bôi đặc trị, đôi khi kết hợp dùng thêm kháng sinh đường uống nếu xảy ra tình trạng bội nhiễm.

Giúp trẻ phòng tránh u mềm lây bằng cách nào?

Để phòng ngừa bệnh u mềm lây ở trẻ em cũng như các bệnh nhiễm trùng da khác, mẹ cần hướng dẫn bé:

– Thường xuyên rửa tay sạch sẽ.

– Tránh chạm, gãi hoặc dùng vật nhọn làm vỡ các nốt u, sần trên da tạo điều kiện để virus lây lan.

– Nếu lỡ chạm vào các nốt u mềm trên da, trẻ nên rửa tay ngay với nước ấm và xà phòng hoặc dùng nước sát khuẩn tay.

– Không dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, lược… hoặc các vật dụng cá nhân khác với các trẻ khác trong gia đình hoặc với người lớn.

– Không đến hồ bơi, phòng tắm nơi công cộng để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

– Mặc quần áo dài tay hay che vùng da có u mềm bằng gạc y tế để giảm nguy cơ lây lan cho người xung quanh.

– Tái khám đúng hẹn và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Bảo vệ con yêu khỏi viêm da cơ địa

Chữa u mềm lây ở trẻ em tại nhà bằng thảo dược

Để làm dịu các tổn thương, giảm ngứa ngáy, khó chịu, mẹ có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị u mềm lây ở trẻ em bằng nguyên liệu tự nhiên. Song trước khi áp dụng, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để an toàn cho trẻ. Đồng thời, hãy bôi thử một ít thành phần (hỗn hợp) lên da, chờ xem phản ứng của cơ thể trẻ trước khi dùng thường xuyên.

1. Tắm bột yến mạch keo

Bột yến mạch keo là là bột yến mạch được nghiền thành bột mịn. Năm 2003, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận bột yến mạch keo là một chất bảo vệ da vì chứa các thành phần có lợi cho da như protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất chống viêm, chống oxy hóa…

Bột yến mạch keo thường sử dụng để điều trị các tình trạng da khác nhau như viêm da cơ địa, khô da nặng…

Mẹ có thể pha bột yến mạch keo với nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi bôi lên vùng da bị tổn thương, giữ trong khoảng 10-15 phút rồi tắm lại với nước sạch. Nhớ là không nên để bột yến mạch keo quá thời gian nói trên sẽ gây tác dụng ngược, tức làm da khô và dễ kích ứng.

Chữa u mềm lây ở trẻ em tại nhà bằng thảo dược

2. Dùng dầu dừa

Dầu dừa chứa hàm lượng axit béo cao, có tác dụng dưỡng ẩm, hạn chế tình trạng da khô, bong tróc. Các axit béo này còn có đặc tính chống viêm. Thoa dầu dừa lên vùng da có các nốt u mềm sẽ giúp làm dịu cảm giác ngứa ngày, khó chịu, viêm sưng.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Chăm sóc bé với 12 công dụng hay của dầu dừa

3. Dùng tinh dầu tràm trà (tea tree oil)

Tinh dầu tràm trà được biết đến với công dụng sát khuẩn mạnh mẽ, có khả năng diệt virus, nấm mốc và điều trị vết thương. Mẹ có thể thoa tinh dầu lên vùng da có bệnh của trẻ sau khi trẻ đã tắm rửa sạch sẽ. Có thể dùng hàng ngày để thấy tác dụng rõ rệt.

Mong rằng qua bài viết, mẹ đã hiểu thêm về bệnh u mềm lây ở trẻ em. Nói chung đây là bệnh ngoài da ít gây nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, khi con mắc bệnh, mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ để điều trị dứt điểm. Đồng thời, mẹ có thể áp dụng một số cách hỗ trợ điều trị tại nhà bằng nguyên liệu thiên nhiên cho trẻ để tổn thương mau lành.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Molluscum contagiosum
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/molluscum-contagiosum/symptoms-causes/syc-20375226

Ngày truy cập: 21/11/2021.

2. Molluscum Contagiosum
https://www.cdc.gov/poxvirus/molluscum-contagiosum/index.html

Ngày truy cập: 21/11/2021.

3. Molluscum contagiosum: an update and review of new perspectives in etiology, diagnosis, and treatment
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6553952/

Ngày truy cập: 21/11/2021.

4. Treatment – Molluscum contagiosum
https://www.nhs.uk/conditions/molluscum-contagiosum/treatment/

Ngày truy cập: 21/11/2021.

5. Molluscum contagiosum
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/molluscum-contagiosum

Ngày truy cập: 21/11/2021.

x