
Tạo sức ép để trẻ ăn, dỗ trẻ ăn bằng điện thoại, tivi hay dùng cố định một loại thực phẩm đều là những sai lầm cố hữu của nhiều phụ huynh Việt. Các bậc cha mẹ nên khắc phục những tình trạng này để giúp trẻ ăn ngon miệng trở lại.
Nguyên nhân khiến bé lười ăn
1. Dùng thiết bị thông minh quá nhiều
Với cách nuôi dạy con cái thời nay, tranh cãi về việc cho phép con trẻ sử dụng thiết bị điện tử chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhất là với một số trẻ 2-3 tuổi trở lên, không còn trong giai đoạn bú mẹ.
Nếu dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, tivi, trẻ mất cảm giác thèm ăn uống. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ áp dụng “chiêu” vừa ăn, vừa xem điện thoại để bé ăn nhanh và nhiều hơn.
Khi vừa ăn, vừa xem, trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn, không biết món đó có ngon hay không. Như vậy, việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề.
Kết quả là dù ăn được nhiều nhưng vẫn có nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí mắc bệnh dạ dày.
2. La mắng, dọa nạt, bắt trẻ ăn bằng mọi giá
Sự phát triển thể chất của bé 1-2 tuổi chậm hơn giai đoạn dưới một tuổi, trung bình bé tăng 2,4kg/năm. Cha mẹ ép ăn trong giai đoạn này sẽ làm bé biếng ăn kéo dài đến 3-4 tuổi hoặc lâu hơn.
Với các bé tăng trưởng tốt, bé biếng ăn vài ngày là hiện tượng bình thường. Hiện nay, nhiều cha mẹ lo lắng thái quá về tình trạng ăn uống của bé.
Họ ép con ăn bằng mọi giá, con đã no nhưng vẫn bắt ăn thêm. Cách làm này hoàn toàn sai lầm, có thể khiến bé sợ hãi mỗi khi tới giờ ăn.
3. Dùng quá nhiều loại thực phẩm trong một bữa
Với trẻ đang tập ăn, đặc biệt tuổi nhũ nhi, cha mẹ Việt thường có cách chế biến trộn nhiều loại thực phẩm thành một hỗn hợp, sau đó xay nhuyễn, tạo hương vị rất khó ăn.
Trẻ trong giai đoạn này cần thích nghi dần với từng loại thực phẩm, cha mẹ lại cho dùng món thập cẩm sẽ làm trẻ không cảm nhận được mùi vị, kém hấp dẫn, dẫn đến biếng ăn.
4. Quên bổ sung vi chất cho bé
Thiếu hụt vi chất như sắt, kẽm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng chán ăn ở trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi thiếu máu thiếu sắt khá phổ biến ở nước ta. Biểu hiện là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt.
Trẻ lớn có thể thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực.
Cha mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu kẽm nếu thấy bé chậm phát triển hoặc ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rụng tóc, viêm da, móng tay có đốm, rối loạn giấc ngủ hoặc dễ nhiễm cúm do suy giảm miễn dịch.
Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ nên đưa đi thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục kịp thời cho trẻ thấy ngon miệng hơn.
5. Thực đơn nhàm chán, ít thay đổi
Trẻ phải ăn một món kéo dài trong nhiều ngày, thường xuyên lặp lại hoặc mẹ chỉ chế biến các món ăn một cách đơn điệu. Như vậy sẽ không kích thích được vị giác và làm con có cảm giác nhàm chán khi ăn.
Bình luận
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!