Bổ sung thêm trái cây hoặc nước ép trái cây để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể mình và cho cả em bé. Một số trái cây điển hình như: Đào, lê, nho, mận, táo, quýt, kiwi,…
2. Thai 38 tuần: Mẹ nên vận động như thế nào?
Ngồi xổm thực sự đẩy nhanh quá trình chuyển dạ vì nó làm tăng độ mở của khung xương chậu, tạo thêm chỗ cho thai nhi hạ xuống.
Hãy tập squat từ thời điểm này cho tới lúc sinh để việc chuyển dạ của bạn dễ dàng hơn.
Cách thực hiện: Mẹ đứng thẳng rồi từ từ hạ mông ra sau như tư thế đang ngồi trên ghế. Mông và đùi là 1 đường thẳng. Đầu gối không vượt quá mũi chân. Để giữ thăng bằng, mẹ có thể để tay song song vai rồi hạ từ từ cùng với mông. Giữ vài giây rồi đứng thẳng. Lặp lại 10-20 lần.
3. Lịch khám thai từ tuần 38
Trong mỗi lần thăm khám hàng tuần, bác sĩ sẽ kiểm tra bụng của mẹ để xem mức độ lớn và vị trí của bé.
Mẹ cũng có thể được khám bên trong xem cổ tử cung đã bắt đầu “chín muồi” với những dấu hiệu như mềm hơn, mỏng hơn và giãn (mở) rộng hay chưa. Ngay cả khi có những thông tin này, bác sĩ vẫn không có cách để dự đoán chính xác khi nào bé muốn chào đời.
Trong trường hợp quá ngày dự sinh, bác sĩ sẽ sắp lịch kiểm tra bào thai, thường bằng siêu âm thai, sau 40 tuần thai để đảm bảo an toàn cho việc mang thai. Trường hợp mẹ không có dấu hiệu tự chuyển dạ (xem các dấu hiệu chuyển dạ), bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp khởi phát chuyển dạ để làm giảm nguy cơ ảnh hưởng tới em bé.
Bé vẫn nên duy trì mức hoạt động cho đến lúc chào đời. Vì vậy trong lúc này, quan trọng là mẹ tiếp tục chú ý đến những cử động của bé và báo với bác sĩ ngay nếu bé giảm cử động.
Đến bệnh viện ngay nếu mẹ có dấu hiệu vỡ ối (Cách xử lý khi vỡ ối cho các mẹ). Khoảng 8% thai phụ đến kỳ sinh nở bị vỡ ối trước khi bắt đầu chuyển dạ. Đôi khi là một lượng nước ối lớn vỡ ồ ạt, đôi khi là một lượng nhỏ hoặc chỉ rất ít nước ối rỉ ra. Đừng cố gắng tự chẩn đoán. Hãy đến bệnh viện ngay cả khi mẹ chỉ nghi ngờ mình bị rỉ ối. Nếu mẹ bị vỡ màng ối mà không kèm theo những cơn co thắt, mẹ sẽ được kích sinh.
4. Kiểm tra sức khỏe khi mang thai 38 tuần
Tuần này, bác sĩ sẽ kiểm tra các vấn đề sau:
- Kiểm tra cân nặng.
- Kiểm tra huyết áp.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Kiểm tra việc phù chân.
- Đo bề cao tử cung.
- Nghe nhịp tim của thai nhi.
- Kiểm tra vị trí của thai nhi.
- Kiểm tra cổ tử cung của bạn.
- Thảo luận về các triệu chứng bạn gặp phải.
5. Tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ
Khi thấy các dấu hiệu sau, mẹ nên đến bệnh viện ngay:
- Mất nút nhầy tử cung: Chảy dịch nhầy trong suốt hoặc có vệt máu.
- Cảm giác khó chịu ở vùng chậu do thai nhi tụt xuống khung chậu.
- Vỡ ối: Nước ối trong suốt rò rỉ, nhỏ giọt, chảy ra từ âm đạo.
- Khó chịu: Đau hoặc co thắt/chuột rút ở bụng hoặc vùng lưng dưới.
- Các cơn co thắt diễn ra đều đặn và ngày càng tăng nhanh về cường độ.
6. Chuẩn bị để đón con chào đời

Mua áo ngực cho con bú. Nếu dự định cho con bú sữa mẹ mà chưa mua áo ngực cho bé bú, mẹ hãy mua ngay và mang theo chúng đến bệnh viện. Khi cho con bú, bộ ngực có thể tăng 1-2 cỡ so với trước khi có thai. Hãy nhớ mua kèm miếng lót thấm sữa đặt trong áo ngực để thấm sữa rỉ ra cùng với thuốc mỡ cừu đạt chuẩn y khoa để xoa dịu núm vú khi bị nứt nẻ. (Tránh dùng nếu mẹ dị ứng với len).
Kiểm tra lần nữa túi đồ đi sinh. Hãy đảm bảo tất cả các vật dụng đi sinh cho bạn và con đều đầy đủ, bao gồm giấy tờ, quần áo, tã sữa…
Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 38 tuần
1. Mẹ mang thai 38 tuần tim thai yếu phải làm gì?
Nhịp tim thai bình thường trong khoảng 110 – 160 lần/phút. Mẹ mang thai 38 tuần tim thai yếu có nghĩa là nhịp tim thai dưới 110 nhịp/phút.
Tình trạng này có thể do những lý do sau:
- Thai nhi không chịu được với cơn co chuyển dạ, dẫn đến có các nhịp giảm. Tùy từng loại nhịp giảm mà cách xử trí sẽ khác nhau; tuy nhiên nếu đã có xuất hiện nhịp giảm cần có sự theo dõi rất sát của bác sĩ .
- Thai nhi có các bệnh lí của tim gây nhịp tim thai chậm; cần sự theo dõi sức khỏe sát sao.
2. Thai 38 tuần đã sinh được chưa?
Sinh con ở tuần 38 không phải sinh non, hoàn toàn có thể sinh được.
Theo các chuyên gia y tế, từ tuần 37 tuần đến 40 tuần; thai nhi được xem là đã đủ tháng và có thể chào đời an toàn. Các trường hợp sinh con dưới 37 tuần đều là sinh non, thời gian chào đời lý tưởng nhất là ở tuần 39 đến 40 tuần.
Thời điểm mang thai đến tuần thứ 38 đồng nghĩa thai nhi đã được 9 tháng 14 ngày, đủ thời gian mang thai đặt ra là 9 tháng 10 ngày nên nếu được các bác sĩ đồng ý thì mẹ bầu hoàn toàn có thể sinh con ở tuần 38.
Mẹ bầu sinh con ở tuần 38 không cần quá lo lắng về việc trẻ sẽ có vấn đề về sức khỏe. Vậy mẹ đã biết thai 38 tuần sinh được chưa rồi đó!
3. Mang thai 38 tuần mổ được chưa?
Đối với các trường hợp mẹ sinh mổ; việc sinh này càng gần ngày dự sinh càng tốt để tránh các biến chứng. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa việc thực hiện sinh mổ ở tuần 38 và 39. Trong một số trường hợp, mẹ thực sự có thể nhận nhiều lợi ích hơn khi thực hiện sớm hơn. Do đó câu trả lời cho việc mang thai 38 tuần mổ được chưa là rồi mẹ nhé!
4. Mang thai 38 tuần có quan hệ được không?
Mẹ mang thai 38 tuần có nên quan hệ không? Trong những tháng cuối của thai kỳ, mẹ có thể lo lắng rằng quan hệ tình dục sẽ gây hại cho em bé. Tuy nhiên, em bé được bảo vệ và bọc kín trong túi ối; vì vậy mẹ không thể làm tổn thương em bé của mình khi quan hệ tình dục.
Nếu không có biến chứng thai kỳ; hoặc vấn đề từ phía bạn đời; thì việc quan hệ tình dục vào những tháng cuối vẫn ổn.
Mẹ bầu nên tránh quan hệ khi có những dấu hiệu sau:
- Vỡ ối: Quan hệ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (hãy bác sĩ nếu mẹ không chắc liệu mẹ có bị vỡ ối hay không)
- Có vấn đề với cổ tử cung của mẹ: mẹ có thể có nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc sẩy thai cao hơn nếu quan hệ tình dục.
- Mẹ đang mang thai từ 2 bé trở lên: hoặc trước đó đã chuyển dạ sớm và đang ở giai đoạn sau của thai kỳ.
Nhìn chung, để mẹ thực sự an tâm; và vì mỗi phụ nữ mang thai đều khác nhau; mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc quan hệ tình dục nhé.
>> Bạn có thể xem thêm: Mang thai 38 tuần có quan hệ được không?
5. Mẹ mang thai 38 tuần nên ăn gì để nhiều sữa trong 3 tuần cuối thai kỳ?
Dưới đây là các món ăn gợi ý từ chuyên gia để mẹ mang thai 38 tuần có nhiều sữa:
- Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt rất bổ dưỡng cho các bà mẹ đang cho con bú. Chúng cũng được cho là có các đặc tính hỗ trợ các hormone tạo ra sữa mẹ.
- Các loại rau có màu xanh đậm: Các loại rau có lá màu xanh đậm như cỏ linh lăng, rau diếp, cải xoăn, rau bina và bông cải xanh có đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi. Chúng cũng chứa phytoestrogen có thể có tác động tích cực đến việc sản xuất sữa mẹ.
- Thì là: Cây thì là là một loài thực vật có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Các estrogen thực vật được tìm thấy trong thì là có thể giúp các bà mẹ cho con bú tạo ra nhiều sữa mẹ hơn.
- Tỏi: Tỏi rất bổ dưỡng và là một thực phẩm bổ sung lành mạnh cho hầu hết các chế độ ăn kiêng. Nó cũng được cho là một chất kích thích sinh học, giúp các bà mẹ cho con bú tạo ra nhiều sữa mẹ hơn.
- Đậu cô ve: Đậu cô ve chứa các estrogen thực vật có thể chịu trách nhiệm cho việc kích thích sữa.
- Hạt vừng: Chứa nhiều canxi và estrogen thực vật có tính chất giống như estrogen, các bà mẹ đang cho con bú sử dụng hạt vừng sẽ tạo ra nhiều sữa cho con bú.
- Hạnh nhân: Các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân sống lành mạnh và chứa đầy protein và canxi. Nhiều bà mẹ cho con bú chọn ăn hạnh nhân hoặc uống sữa hạnh nhân để tăng độ ngậy, ngọt và lượng sữa cho con bú.
- Gừng tươi: Gừng tươi không chỉ là một thực phẩm bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống của mẹ, mà nó còn có thể làm tăng sản xuất sữa mẹ.
Thai 38 tuần đau bụng dưới từng cơn có sao không?
Nhiều mẹ thắc mắc thai 38 tuần đau bụng dưới từng cơn có sao không? Trên thực tế, tuổi thai càng lớn thì tần suất mẹ bầu đau bụng dưới càng cao. Khi thai 38 tuần đau bụng dưới có thể là dấu hiệu chuyển dạ hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Trong trường hợp này cần theo dõi sức khỏe cẩn thận và đến bệnh viện để được thăm khám khi cần thiết.