Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Cộng tác viên MarryBaby
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Cập nhật 09/12/2021

Mẹ bình thường làm điều phi thường: “Về bên con, mẹ chọn từ bỏ mọi hứa hẹn”

Mẹ bình thường làm điều phi thường: “Về bên con, mẹ chọn từ bỏ mọi hứa hẹn”
Đối với hầu hết phụ nữ, có con, sinh con và chăm sóc con là những việc thường đến theo lẽ tự nhiên. Nhưng với một số người mẹ khác, việc này lại đòi hỏi ở họ rất nhiều sự hi sinh, sự lựa chọn, lòng kiên trì và quyết tâm rất lớn.

Nhiều người mẹ dồn toàn bộ sức lực của bản thân thậm chí là đánh đổi rất nhiều thứ khác trong cuộc sống để có được niềm hạnh phúc giản đơn là có con bên đời và kề bên chăm sóc cho con.

Hãy cùng MarryBaby lắng nghe những câu chuyện của người mẹ dưới đây, để hiểu hơn về sự “phi thường” của những người mẹ “bình thường”.

“Về bên con, mẹ chọn từ bỏ mọi hứa hẹn”

Cùng trò chuyện với người mẹ Nguyễn Viết Quỳnh Bôi, 33 tuổi, hiện sống tại TP.HCM là mẹ của bé gái 3 tuổi tên Kem. Chị có một cuộc tình không trọn vẹn với ba của đứa bé nên quyết định làm mẹ đơn thân. Nhưng vì sự đưa đẩy của cuộc sống, chị lại phải sang Mỹ để tiếp tục theo đuổi công việc của bản thân và tạm rời xa đứa con gái khi ấy mới 9 tháng tuổi…

1. Việc phải xa con những năm đầu đời có vẻ là một thử thách của bất kỳ người mẹ nào, trong đó có chị?

Giai đoạn từ lúc biết đến sự xuất hiện của con cho đến ngày con ra đời thì nó là một giai đoạn không hề dễ dàng với rất nhiều khó khăn lẫn áp lực tinh thần. Chúng xuất phát từ định kiến gia đình cho đến những mâu thuẫn không thể giải quyết từ chính trong mối quan hệ của tôi và ba bé. Đến ngày con chào đời, tôi đã chọn con đường một mình đơn thân nuôi dưỡng con. Điều đó đồng nghĩa với rất nhiều lo toan, gánh nặng về cả tinh thần lẫn tài chính sẽ đè nặng lên đôi vai của tôi.

Đến sau cùng, khi phải đi làm xa con ngay khi bé vẫn còn rất nhỏ, thật sự đối với tôi là một quyết định khó khăn. Lúc ấy, con còn chưa đủ lớn để nhận thức được những điều xung quanh. Một năm rưỡi xa nhà, xa con là một chặng đường tuy không dài nhưng không thể nào quên.

2. Xa con từ sớm như vậy, chị phải làm gì để đấu tranh với nỗi nhớ thương con từng ngày như thế?

Tôi còn nhớ rõ đó là lần sinh nhật 2 tuổi của con, khi đó tôi không thể về do mắc kẹt bên Mỹ vì Covid-19. Tôi không thể tự tay chuẩn bị quần áo đẹp kể cả chiếc bánh kem cho con. Chưa bao giờ nỗi nhớ con quay quắt nhiều đến như vậy.

Còn có lần, con bị viêm phổi phải nhập viện đúng vào mùng 3 Tết Âm lịch. Khi nghe tin con ở Việt Nam thì lúc đó đang là giữa trời khuya ở múi giờ Mỹ, lúc đó tôi thật sự suy sụp.

Đây đã là lần thứ hai con nhập viện vì căn bệnh viêm phổi, biết con đau nhiều như thế nào nhưng người mẹ như tôi lại không thể ở bên cạnh. Mỗi một niềm vui, nỗi đau, không thể cùng con trải nghiệm là một sự thử thách ghê gớm đối với nghị lực của một người làm mẹ ở xa như tôi.

3. Nhưng chắc hẳn, khi con ở nhà vẫn được gia đình của chị chăm sóc và yêu thương rất tốt?

Tôi rất may mắn là luôn có bà ngoại hỗ trợ 1000% trong việc chăm sóc con. Tuy bà có nhiều tư duy nuôi trẻ trong thế hệ cũ mà khó thay đổi, nhưng bà ngoại vẫn là người chăm sóc cho em từ thuở bé lọt lòng đến bây giờ. Vì thế nên bà ngoại là người gắn bó nhất với em ngoài mẹ.

4. Bé đã được bà ngoại chăm sóc tốt như vậy, vì sao chị vẫn quyết định bỏ hết công việc ở Mỹ để trở về bên con?

Tôi chọn quay về Việt Nam là vì nỗi nhớ thương con ngày một chất cao hơn. Quan trọng nhất là tôi không thể chịu nỗi cảm giác phải bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc quan trọng diễn ra trong đời con. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: có lẽ con sẽ hạnh phúc hơn khi có mẹ kề bên.

5. Đã có những khoảnh khắc chia ly và trùng phùng như thế nào khiến chị mãi không quên trong hơn một năm rưỡi xa con?

Có hai khoảnh khắc mà tôi mãi sẽ không quên. Một là lần đầu tiên tôi quay về Việt Nam sau khi xa nhà 3 tháng. Lúc đó, tôi đã xin nghỉ phép 10 ngày để quay về chuẩn bị thôi nôi cho con. Lúc tôi đi xa thì bé mới chỉ 9 tháng tuổi, và đến khi con gần tròn 1 tuổi thì tôi quyết định phải về nhà một chuyến vì đơn giản tôi không muốn mình bỏ lỡ sự kiện trọng đại đầu tiên trong đời con.

Tôi đã cố gắng thu xếp tốt nhất để có thể quay về bằng mọi giá. Ngày mà tôi xuất hiện trước mặt con, bé đã ngỡ ngàng đến 2 phút. Chắc có lẽ thường ngày bé chỉ được nhìn mẹ qua facetime, mà hôm đó lại to rõ quá thực nên con không kịp phản xạ. Nhưng ngay lập tức sau đó, con cười thật tươi và leo lên nằm trên người mẹ. Chỉ 1 tuần ngắn ngủi quay về nhà đó đã cho tôi một thứ cảm giác rất khó tả.

Đến lần thứ hai là vào tháng 8/2020, khi tôi thật sự trở về nhà. Vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể về nhà sớm như dự định mà phải trải qua rất nhiều gian nan cũng như khi về đến Việt Nam còn phải đi qua 14 ngày cách ly tại Hà Nội. Thế nhưng tôi đã không thông báo cho cả nhà biết mà muốn tạo một sự bất ngờ thật to cho bà ngoại và con gái.

Cũng như lần đầu, lần này bé Kem cũng mất hết mấy nhịp để nhìn ra mẹ. Sau đó, từ từ bé tiến lại và đưa hai tay nựng má mẹ. Lúc ấy, nước mắt tôi đã lưng tròng. Cái khoảnh khắc của sự chia xa và trùng phùng nó mang lại quá nhiều cảm xúc phức tạp và day dứt trong tôi. Chắc có thể mãi về sau, tôi cũng sẽ không bao giờ quên được. Từ khoảnh khắc ấy, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa con nữa. Mẹ ở đâu thì bé Kem sẽ ở đó.

6. Bây giờ khi ở bên con hàng ngày, nhìn con lớn lên, chị thấy quyết định của mình của mình là hoàn toàn đúng đắn?

Đúng. Tôi cảm thấy quyết định quay về dành thời gian bên con và lớn lên cùng con khi vẫn chưa muộn là một quyết định đúng đắn nhất cuộc đời của mình từ trước đến nay.

7. Nhưng có lẽ quyết định đúng đắn ấy đã phải đánh đổi bằng rất nhiều điều khác của riêng bản thân chị ở nước Mỹ?

Đúng là để trở về Việt Nam, dành thời gian lớn lên cùng con thì hiển nhiên tôi phải bỏ lại tất cả những điều hứa hẹn, những cơ hội phát triển của bản thân nơi xứ cờ hoa. Nhưng với tôi, sự đánh đổi đó là hoàn toàn xứng đáng. Vì con mới là điều quan trọng nhất.

8. Những khi con đổ bệnh mà mẹ không thể ở bên, chị đã tìm kiếm thông tin chăm sóc sức khỏe cho con ở đâu, như thế nào để có thể giúp cho con từ xa?

Dù ở xa nhưng tôi luôn tham khảo rất nhiều trang về chăm sóc con trẻ, kể cả việc tham khảo ý kiến bác sĩ trên các diễn đàn hay các bác sĩ tư vấn online thì tôi đều thử hết. Trước đây, trong quá trong quá trình mang thai con, tôi đã đọc khá nhiều bài tìm hiểu về thai kỳ cũng như những kiến thức hữu ích về việc chăm sóc con trên trang MarryBaby. Dù sau này, không có nhiều thời gian để nghiên cứu hay bổ sung thêm kiến thức, nhưng tôi tin chắc rằng khi cần thì tôi luôn có thể nhờ đến MarryBaby để tham khảo những điều hữu ích trong việc chăm con.

9. Thực tế là cũng có rất nhiều người mẹ khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi phải sống xa con từ nhỏ, chị có những lời nhắn nhủ gì với họ không?

Thật ra tôi không phải là một người giỏi giang nhưng một khi tôi đã đưa ra quyết định thì phải thật sự cứng rắn để có thể vượt qua. Xa con sẽ luôn có những phút yếu lòng cũng như sự khắc nghiệt về không gian, thời gian. Điều ấy là hoàn toàn không đơn giản, các mẹ hãy suy nghĩ thật và chuẩn bị cho mình một tinh thần “thép” để vượt qua điều ấy. Đặc biệt, nếu mình có thể làm gì để giúp cho con từ xa thì cứ hãy nỗ lực hết sức.

Cảm ơn và chúc chị luôn hạnh phúc trong tổ ấm của mình.

Chia sẻ từ chuyên gia tâm lý – tâm thần

Qua câu chuyện của người mẹ Quỳnh Bôi, hãy cùng MarryBaby tìm hiểu nhận định từ Thạc sĩ. Bác sĩ Đào Thị Thu Hương – chuyên khoa Tâm thần – hiện công tác tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để biết thêm về những tác động về mặt tâm lý đối với người mẹ và con trong khi xa cách nhau trong một thời gian dài là gì? Những ảnh hưởng về phát triển tinh thần đối với bé sơ sinh khi thiếu đi sự chăm sóc của mẹ trong những tháng đầu đời như thế nào trong bài viết sau đây.

1. Xin chào bác sĩ, mẹ sau sinh phải xa con thì sẽ có những tác động tâm lý nào?

ThS. BS Đào Thị Thu Hương: Việc tách mẹ và con trong những năm đầu đời của trẻ có ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa mẹ và trẻ. Những gắn kết đầu tiên giữa trẻ và mẹ bắt đầu diễn ra trong tử cung – nơi bào thai được nuôi dưỡng để lớn lên. Quá trình này được tiếp tục trong suốt giai đoạn phát triển. Sự tiếp xúc da kề da, các hành động âu yếm, chăm chú vuốt ve trẻ, cho trẻ bú, khiến mẹ cảm thấy được hạnh phúc, yêu thương, gắn kết và “hiểu” bé hơn. Ngược lại, khi bé sớm rời khỏi vòng tay của mẹ, sự kết nối giữa mẹ và con giảm, mẹ giảm khả năng thấu hiểu nhu cầu của trẻ nên nhiều mẹ lo lắng, cảm thấy không được gần gũi với con, yêu thương con chưa đủ. Tình trạng này vẫn có thể tiếp tục kéo dài sau khi cả hai mẹ con được đoàn tụ.

2. Con sơ sinh xa mẹ thì có thể trải qua những bất ổn tâm lý/chậm phát triển nào?

ThS. BS Đào Thị Thu Hương: Trẻ sơ sinh phải xa mẹ quá sớm, ngoài việc không được hưởng những lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ, nó có thể gây ra một loạt các phản ứng cảm xúc lo lắng khi những hành vi tìm kiếm mẹ thất bại (ví dụ như khóc). Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy, trẻ mới sinh ra không được áp dụng biện pháp da kề da cảm thấy “stress” hơn khi có nhịp tim tăng gấp 176% và thời gian nằm ngủ yên giảm 86% so với trẻ được tiếp xúc với mẹ sau sinh. Không chỉ vậy, với những đứa trẻ sơ sinh không được mẹ âu yếm, tiếp xúc da kề da, có xu hướng dễ nhạy cảm hơn với các stress sau này, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

3. Bác sĩ có lời khuyên gì về tâm lý dành cho người mẹ để có thể vững vàng vượt qua giai đoạn này?

ThS. BS Đào Thị Thu Hương: Bất kì một người mẹ nào khi xa con đều sẽ rất cảm thấy khó khăn mâu thuẫn, đặc biệt đó là công việc không thể từ bỏ. Bạn đã và đang rất cố gắng để cân bằng cả hai, điều đó thực sự rất tốt. Những lúc bạn ở nhà, dành nhiều thời gian vui vẻ nhất cho con, đó là điều quan trọng nhất. Con vẫn rất yêu bạn.

4. Đối với bé nhỏ, cách nào để mẹ có thể duy trì tương tác, theo dõi sự phát triển của con dù không ở bên con không?

ThS. BS Đào Thị Thu Hương: Để có thể tiếp tục duy trì sự tương tác và gắn kết với trẻ, một số cách dưới đây có thể giúp bạn

  • Giao tiếp với trẻ theo cách giống nhau, đồng nhất với những người gần bé, ví dụ cùng gọi con là Bin, thay vì ông bà gọi Bin, còn mẹ gọi bằng cái tên khác.
  • Sử dụng các thiết bị công nghệ có camera để kết nối trò chuyện với trẻ. Tốt nhất nên gọi vào khung giờ cố định, nếu công việc của mẹ thường xuyên thay đổi không thể gọi, bạn có thể quay một video ngắn về chính mình và gửi cho bé.
  • Vì trẻ nhỏ có khoảng tập trung rất ngắn nên mỗi lần gọi cho trẻ hãy tận dụng khoảng thời gian đó, nói lời yêu thương với trẻ.
  • Gợi ý trẻ có thể vẽ hoặc hát hoặc kể chuyện về những người bố và mẹ xa con của họ hoặc là về chính mình.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.

mẹ bình thường làm điều phi thường

Thay lời kết, không có người mẹ nào là hoàn hảo, và cũng không có câu chuyện nào đều là “màu hồng”. Để có thể được ở bên nhau mỗi ngày, cả mẹ và gia đình đều đã rất cố gắng, nỗ lực, MarryBaby tin chắc điều đó. Vì thế, hãy luôn dành cho những người mẹ một tình yêu và sự trân trọng chân thành.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

Hofer, M. A. (2006). Psychobiological Roots of Early Attachment. Current Directions in Psychological Science, 15(2)

Morgan, Barak E. et al (2011) Should Neonates Sleep Alone? Biological Psychiatry, Volume 70, Issue 9, 817 – 825

 

x