Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Đỗ Khánh Linh
Thông tin kiểm chứng bởi Linh Hồ
Cập nhật 27/04/2022

15 hiểu lầm tai hại về tiêm chủng cho trẻ

15 hiểu lầm tai hại về tiêm chủng cho trẻ
Tiêm chủng ở trẻ là việc vô cùng quan trọng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa dành đủ sự quan tâm cho nó vì những sai lầm phổ biến sau.

Mục đích của việc tiêm chủng là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh khiến bé mắc phải nhiều bệnh nhiễm trùng do những hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ.

Bổ sung những kiến thức về chủng ngừa vắc xin cho trẻ và thay đổi những quan điểm sai lầm chính là cách để bạn chăm sóc tốt nhất cho con yêu của mình. Bài viết dưới đây tổng hợp những hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ phổ biến nhất.

1. Hiểu lầm về tiêm chủng làm cho trẻ bị tự kỷ

SỰ THẬT: Vắc xin giúp xây dựng hệ thống miễn dịch của con để có thể chống lại các bệnh có hại. Nhiều cha mẹ có lầm tưởng này vì độ tuổi tiêm chủng của trẻ tương đồng với độ tuổi trẻ mắc bệnh tự kỷ. Nhưng vắc xin không gây ra bệnh tự kỷ.

  • Tự kỷ là một chứng rối loạn thần kinh phức tạp. Nhiều nghiên cứu liên quan đến hàng triệu trẻ em không tìm thấy mối liên hệ nào giữa tiêm chủng và tự kỷ.
  • Nhiều người tiếp tục nhầm tưởng rằng có mối liên hệ giữa vắc xin – đặc biệt là vắc xin sởi, quai bị và rubella – và tự kỷ dựa trên một nghiên cứu được tiến hành bởi Tiến sĩ Andrew Wakefield và được xuất bản trên tạp chí The Lancet năm 1998. Bài báo này đã sau đó được tạp chí rút lại. Vào năm 2010, Hội đồng Y khoa Tổng quát ở Vương quốc Anh đã thu hồi giấy phép và xóa tên ông khỏi danh sách bác sĩ nước Anh.

>> Bạn có thể xem thêm Sự thật về tiêm vacxin gây tự kỷ cho trẻ

2. Miễn dịch “tự nhiên” tốt hơn miễn dịch bằng vắc xin

SỰ THẬT: Một số bệnh lây nhiễm tự nhiên có thể khiến trẻ bị tử vong; hoặc tổn hại sức khỏe thể chất nghiêm trọng trước khi trẻ có hệ thống miễn dịch tốt. Vắc xin sử dụng vi rút hoặc vi khuẩn vô hại; hoặc không hoạt động để kích hoạt phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể nhằm bảo vệ lâu dài chống lại bệnh tật, mà không có nguy cơ mắc bệnh.

Tiêm phòng giống như một cuộc tập dượt cho hệ thống miễn dịch; vì vậy nó được chuẩn bị sẵn sàng nếu con bạn tiếp xúc với căn bệnh “thực sự”.

Vì vậy, cha mẹ có thể an tâm buông bỏ hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ này vì vắc xin hiện nay đang là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em. Những bệnh cần tiêm phòng có thể gây ra hệ quả lớn hơn những nguy cơ do vắc xin gây ra.

hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ

3. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Thành phần của vắc xin không an toàn

SỰ THẬT: Mỗi quốc gia đều có những hướng dẫn rất nghiêm ngặt để sản xuất vắc xin. Nhiều gia đình nghĩ một số thành phần như thimerosal, formaldehyde và muối nhôm gây hại. Nhưng các nghiên cứu đã khẳng định những thành phần đó của vắc xin giúp tiêu diệt vi khuẩn; và gia tăng hiệu quả, cũng như độ an toàn của liều tiêm phòng.

  • Lượng thimerosal (chất bảo quản gốc thủy ngân), formaldehyde và nhôm tối thiểu có trong vắc xin là cần thiết để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Những hợp chất này xuất hiện tự nhiên trong môi trường; và lượng hợp chất có trong vắc xin thấp hơn nhiều so với lượng trẻ tiếp xúc hàng ngày.
  • Nhiều nghiên cứu – được thực hiện với hàng triệu bệnh nhân – đã chỉ ra tính an toàn của vắc xin.
  • Hàng triệu vắc xin được tiêm mỗi ngày! Đây là bằng chứng tốt nhất cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả.

>> Bạn có thể xem thêm 10 cách giảm đau, hạ sốt cho bé sau khi tiêm phòng hiệu quả

4. Tiêm chủng quá nhiều vắc xin cùng một lúc không an toàn

SỰ THẬT: Nhờ phối hợp các loại vắc-xin, trẻ sẽ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh khác nhau chỉ với một mũi tiêm. Ví dụ bao gồm MMR (sởi, quai bị, rubella) và vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, bệnh Hib). Các nghiên cứu cho thấy vắc xin phối hợp an toàn và hiệu quả.

Tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc cũng giúp trẻ:

  • Không bị chậm trễ trong việc bảo vệ sức khỏe.
  • Ít lần khám bệnh hơn.
  • Ít kim tiêm hơn (có thể ít chấn thương hơn).

5. Hiểu lầm về hiệu quả tiêm chủng cho trẻ: Nhiều người tiêm vắc xin vẫn mắc bệnh

SỰ THẬT: Đôi khi, một người không xây dựng được khả năng miễn dịch với bệnh sau khi được tiêm chủng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là vắc xin không gây ra bệnh. Ngoài ra, nếu một người được tiêm phòng khi bị bệnh; tác động của bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Do đó, cha mẹ cần lưu ý:

  • Vắc xin không có hiệu quả 100%. Tuy nhiên, nếu trẻ đã được tiêm vắc xin phòng bệnh thì bệnh sẽ ít nặng hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
  • Điểm mấu chốt là vắc xin có tác dụng và nghiên cứu cũng cho thấy chúng cứu được mạng sống của trẻ.

>> Bạn có thể xem thêm Tiêm phòng cho trẻ: Những mũi tiêm không thể thiếu!

6. Những bệnh cần tiêm vacxin phòng ngừa không có ở Việt Nam, vì vậy không có lý do để tiêm chủng cho trẻ

SỰ THẬT: Mặc dù các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vacxin không xuất hiện thường xuyên ở nhiều quốc gia; nhưng các yếu tố lây nhiễm làm chúng có nguy cơ lan truyền đến các nước khác vẫn còn tồn tại. Biên giới địa lý không làm giảm sự lây nhiễm cho bất cứ ai không được tiêm chủng.

Ví dụ ở Tây Âu, dịch bệnh sởi xảy ra ở các quốc gia chưa được tiêm chủng như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh Quốc từ năm 2005. Để bảo vệ bản thân và trẻ sơ sinh; tiêm ngừa vacxin luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Các bậc phụ huynh không nên phụ thuộc vào ý kiến chủ quan từ những người xung quanh trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật. Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.

Những bệnh cần tiêm vacxin phòng ngừa không có ở Việt Nam, vì vậy không có lý do để tiêm chủng cho trẻ

7. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Chỉ cần lối sống tốt và bú sữa mẹ là đủ

SỰ THẬT: Một lối sống lành mạnh là điều quan trọng để giúp duy trì sức khỏe tổng thể. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại cho trẻ một khởi đầu tuyệt vời nhưng nó sẽ không bảo vệ con chống lại tất cả các bệnh có thể được ngăn ngừa bằng tiêm chủng.

Những lý do vì sao cha mẹ cần buông bỏ lầm tưởng này:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nhiễm trùng tai, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, việc nuôi con bằng sữa mẹ không đủ để bảo vệ con khỏi những căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
  • Mặc dù trẻ được bảo vệ bởi khả năng miễn dịch của mẹ trong 6 tháng đầu đời. Nhưng sau đó trẻ phải tự tạo ra miễn dịch bảo vệ cho mình; vắc xin giúp trẻ xây dựng khả năng phòng thủ tự nhiên chống lại bệnh tật.

>> Bạn có thể xem thêm Trẻ tiêm phòng bị sốt bao lâu? Làm sao để trẻ tiêm phòng không bị sốt?

8. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Trì hoãn tiêm vắc xin giúp con đỡ đau

SỰ THẬT: Việc tiêm vắc xin bắt đầu từ khi trẻ được 2 tháng tuổi để bảo vệ trẻ sơ sinh sớm nhất có thể; giúp chống lại các bệnh có thể khiến trẻ bị ốm nặng (chẳng hạn như ho gà).

Trẻ sơ sinh đáp ứng tốt với vắc-xin khi còn rất nhỏ. Các tác dụng phụ do tiêm chủng không phổ biến ở trẻ nhỏ so với trẻ lớn hơn.

>> Bạn có thể xem thêm Khi nào trẻ không được tiêm phòng?

9. Nếu tất cả những đứa trẻ khác đều được miễn dịch, con tôi sẽ không mắc phải bệnh

SỰ THẬT: Dựa vào hành động của các bậc cha mẹ khác để bảo vệ đứa con chưa được chủng ngừa chỉ có tác dụng nếu những người khác đã tiêm phòng.

Hơn nữa, những đứa trẻ chưa tiêm chủng sẽ gây nguy cơ mắc bệnh cho những trẻ đã được tiêm phòng (vacxin thường đạt hiệu quả đến 90% – những cá thể miễn dịch cao sẽ hạn chế mức độ lây bệnh); nên việc không tiêm chủng không những tổn hại con; mà còn làm tổn hại đến những đứa trẻ khác – bạn bè của con.

Trẻ không tiêm chủng dễ mắc những bệnh như bệnh ho gà. Không chỉ những từ những trẻ không tiêm chủng khác mà còn là từ người lớn. Đó là bởi vắc xin phòng ngừa bệnh ho gà không còn được tiêm sau khi trẻ được bảy tuổi; còn hệ miễn dịch thì hầu như bị hao mòn đi khi đến tuổi trưởng thành.

Thêm vào đó bệnh tật vẫn còn dễ lây nhiễm và thường rất nhẹ ở người lớn nên thường sẽ không được chẩn đoán. Điều này có nghĩa là những người lớn này có thể không nhận ra họ mắc bệnh ho gà và từ đó có thể vô tình lây bệnh cho trẻ vì trẻ rất dễ bị tấn công bởi những ảnh hưởng của bệnh.

10. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Vắc xin không an toàn

SỰ THẬT: Nghiên cứu đã chứng minh rằng; vắc xin là phương pháp an toàn để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng và tăng sức đề kháng.

Cánh tay bị đau, sốt nhẹ hoặc các triệu chứng nhẹ khác là những phản ứng thường gặp khi tiêm vắc xin ở cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành; nhưng không nghiêm trọng và chỉ tạm thời.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do vắc xin rất hiếm. Trên thực tế, các tác hại gây ra bởi các bệnh lý nhiễm trùng do không tiêm vắc xin còn nguy hiểm; và gây tử vong nhiều hơn so với một số tác dụng phụ của vắc xin. Do đó, đối với trẻ em, lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn nhiều so với tác dụng phụ.

11. Bệnh cúm chỉ là một vấn đề nhỏ, vắc xin không hiệu quả đối với căn bệnh này

SỰ THẬT: Cúm là một bệnh lý nghiêm trọng với tỷ lệ gây tử vong cao. Hằng năm, theo ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người trên thế giới tử vong vì căn bệnh này. Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi có sức khỏe kém và bất cứ ai có bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc bệnh tim; đều có nguy cơ nhiễm trùng và tử vong cao.

Tiêm phòng cho phụ nữ mang thai giúp bảo vệ trẻ sơ sinh (hiện nay không có thuốc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi). Hầu hết các vắc xin cúm cung cấp miễn dịch cho ba dòng phổ biến nhất đang được lưu hành trong hầu hết các mùa. Đây là cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị cúm nghiêm trọng và lây lan sang người khác. Phòng ngừa cúm giúp bạn giảm thiểu thêm các chi phí về chăm sóc y tế và thu nhập bị mất đi do nghỉ ốm.

Bệnh cúm chỉ là một vấn đề nhỏ. Vắc xin không hiệu quả đối với căn bệnh này

12. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Vắc xin chứa thủy ngân nên rất nguy hiểm

SỰ THẬT: Thiomersal là một hợp chất hữu cơ, có gốc thủy ngân và được thêm vào một số vắc xin như một chất bảo quản.

  • Trên thực tế, chỉ có rất ít vắc xin chứa Thiomersal.
  • Thủy ngân là một nguyên tố tự nhiên được tìm thấy trong không khí, nước và đất.
  • Nếu được sử dụng trong vắc xin, lượng Thiomersal rất rất nhỏ.
  • Không có bằng chứng nào cho thấy rằng lượng thiomersal được sử dụng trong bất kỳ loại vắc xin nào gây nguy hiểm cho sức khỏe.

13. Giữ gìn vệ sinh thật tốt sẽ làm cho bệnh tật biến mất, tiêm chủng ở trẻ không thực sự cần thiết

SỰ THẬT: Tất nhiên, việc vệ sinh cá nhân tốt, sử dụng nước sạch và rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều yếu tố lây nhiễm có thể tấn công con mặc dù cha mẹ đã giữ sạch sẽ cho con như thế nào.

Nếu các chương trình tiêm vắc xin ngừng hoạt động, một số bệnh đã được phòng ngừa hiệu quả sẽ tái phát. Do đó, nếu trẻ không được chủng ngừa, các bệnh đã được kiểm soát và không còn phổ biến như bệnh sởi và thổ tả đều có khả năng lây lan thành dịch.

14. Hiểu lầm về tiêm chủng cho trẻ: Vắc xin là nguyên nhân gây ra sự gia tăng về số ca ung thư

SỰ THẬT: Vắc xin không gây ung thư.

  • Tiêm phòng vi-rút u nhú ở người (HPV) được sử dụng để ngăn ngừa một số loại ung thư; bao gồm ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật và ung thư hầu họng.
  • Sự gia tăng toàn cầu về số ca ung thư trong 50 năm qua do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm thay đổi lối sống, tuổi thọ cao hơn và kỹ thuật chẩn đoán tốt hơn.

15. Một mũi vacxin là đủ để bảo vệ trẻ

SỰ THẬT: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng việc bỏ qua một mũi vắc xin nào đó trong khi tiêm chủng có thể đặt trẻ vào rủi ro cao bị tiêm nhiễm bệnh; đặc biệt là bệnh sởi và bệnh ho gà.

Vì vậy, nếu có lời khuyến cáo tiêm một loạt bốn mũi tiêm vắc xin; hãy chắc chắn rằng con bạn sẽ nhận được tất cả những mũi tiêm cần thiết để bé có được sự bảo vệ hoàn hảo của tiêm chủng.

Nếu bạn vẫn còn những băn khoăn thắc mắc về vấn đề này, hãy hỏi xin ý kiến từ bác sĩ hoặc các chuyên gia nhi khoa để được tư vấn và giải đáp kịp thời. Bạn hãy luôn chú ý đến lịch tiêm phòng cho bé để đảm bảo con yêu luôn nhận được sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất nhé!

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Immunization
https://www.health.gov.on.ca/en/pro/programs/immunization/myths.aspx
Ngày truy cập: 19.04.2022

2. Vaccines: Myths and facts
https://caringforkids.cps.ca/handouts/immunization/vaccines-myths-and-facts
Ngày truy cập: 19.04.2022

3. Myths and facts about immunization
https://www.euro.who.int/__data/assets/pdf_file/0005/339620/Myths-and-facts.pdf
Ngày truy cập: 19.04.2022

4. 8 Myths About Vaccines and Kids
https://www.rush.edu/news/8-myths-about-vaccines-and-kids
Ngày truy cập: 19.04.2022

5. Vaccines: The Myths and the Facts
https://www.aaaai.org/tools-for-the-public/conditions-library/allergies/vaccine-myth-fact
Ngày truy cập: 19.04.2022

x