Khi trẻ có triệu chứng của bệnh tổ đỉa thì trên da sẽ hình thành nhiều mụn nước nhỏ li ti, màu trắng đục và có chứa đầy dịch. Mụn nước này mọc thành từng đám trên bàn tay, bàn chân, nách, bẹn của trẻ và gây ngứa ngáy khó chịu. Sau một thời gian, mụn này khô rồi xẹp xuống sẽ chuyển sang màu vàng, sờ vào có cảm giác khô cứng nổi lên bề mặt da.
Trẻ bị tổ đỉa thường xuyên bị ngứa da nên rất hay gãi khiến cho da bị tấy đỏ, lở loét và bệnh có nguy cơ lan rộng hơn. Dấu hiệu của bệnh tổ đỉa ở trẻ em chuyển biến nặng hơn nếu bạn thấy các nốt ngứa trên da trẻ chuyển sang màu trắng đục, sưng tấy kèm theo hiện tượng sốt cao. Mẹ cần lưu ý vì vi khuẩn có thể đã xâm nhập sâu vào bên trong gây nhiễm trùng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của con.
Trẻ mắc bệnh tổ đỉa còn thường hay quấy khóc, bỏ ăn vì vết ngứa gây khó chịu. Nếu diễn ra trong thời gian dài, con sẽ bị biếng ăn, sụt cân… khiến mẹ cũng rất vất vả để chăm sóc.
Cách chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh tổ đỉa, bạn cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Thông thường, để chữa bệnh tổ đỉa ở trẻ em, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của bé để kê đơn thuốc thích hợp như thuốc làm dịu da, thuốc kháng sinh (nếu trẻ bị nhiễm trùng), kem dưỡng ẩm… Trẻ nhỏ vốn có làn da mỏng manh và sức đề kháng yếu nên bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về chữa bệnh cho trẻ mà không hỏi qua ý kiến bác sĩ. Việc tự ý mua thuốc sẽ gây ảnh hưởng xấu và có thể làm bệnh chuyển biến nặng hơn.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh tổ đỉa
Trẻ bị bệnh tổ đỉa cần được chăm sóc đúng cách để ngăn chặn những tổn thương lan rộng trên da. Vì vậy, khi chăm sóc con, mẹ cần lưu ý một số điều sau nhé:
- Thường xuyên bổ sung thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ. Đặc biệt là thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như ớt chuông, cải xoăn, súp lơ, quả dâu tây, quả dứa, xoài… đều rất cần thiết vì sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Cho trẻ uống nhiều nước để cấp ẩm cho da. Với trẻ đang bú mẹ, bạn nên tích cực cho bú nhiều hơn để con nhanh khỏi bệnh.
- Mẹ hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn có chứa nhiều đường, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu nành… có thể làm bệnh tổ đỉa trở nặng hơn.
- Cắt tỉa móng tay, móng chân thường xuyên cho con để ngăn chặn tình trạng trẻ gãi ngứa gây trầy xước và làm da tổn thương.
- Cho con mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
- Lựa chọn sữa tắm không chứa hóa chất để tránh gây kích ứng da cho trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa gọn gàng, thoáng mát để tránh những tác nhân dị ứng gây ra bệnh tổ đỉa ở trẻ em như phấn hoa, lông động vật…
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để điều trị bệnh và cần tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hoặc điều trị bệnh tổ đỉa cho trẻ theo những phương pháp không có căn cứ khoa học.