Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, ngoài sữa trẻ cần được tập làm quen với các thức ăn dặm do nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của trẻ tăng dần. Không chỉ có vậy, ăn dặm còn đặc biệt quan trọng cho việc phát triển các kỹ năng ăn uống cơ bản, giúp trẻ học được cách phối hợp mùi vị trong thức ăn, cách nhai và hành vi khi ăn uống. Ngoài ra, ăn dặm cũng sẽ giúp trẻ bổ sung 1 số chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự phát triển trong giai đoạn này.
Một số lưu ý khi cho bé ăn dặm mẹ cần biết
Không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển thông qua bổ sung 4 nhóm chất chính là đạm từ thịt, cá, trứng, sữa; chất béo từ thực vật/động vật; bột đường từ ngũ cốc, bột gạo, mì… và vitamin, khoáng chất từ rau, củ, quả…, giai đoạn ăn dặm còn giúp hỗ trợ tăng cường miễn dịch, tăng cường thể chất, hỗ trợ tiêu hóa và phát triển trí não ở trẻ.
Trong giai đoạn này, trẻ rất dễ thiếu hụt dinh dưỡng do mẹ gặp khó khăn trong việc cân đối lượng chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm năng lượng và các vi chất như sắt, kẽm, vitamin A, C, D… hoặc do hao hụt vi chất trong quá trình chế biến.

Dạ dày của bé cũng khá nhỏ (nhỏ hơn 5 lần so với người lớn), vì thế cũng không thể áp dụng khẩu phần ăn của người lớn cho trẻ. Ép trẻ ăn quá nhiều, vượt mức cho phép của dạ dày sẽ khiến trẻ khó chịu và sợ mỗi khi nhìn thấy thức ăn. Đó là lý do mà để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm, mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Cho trẻ ăn từ ít tới nhiều; Từ loãng đến sệt, đặc; Từ mịn đến thô; Từ một nhóm đến nhiều nhóm thực phẩm. Lượng ăn hằng ngày của bé cũng tuân thủ đúng nguyên tắc từ ít đến nhiều với 1 lần/ngày cho 2 tuần đầu, 2-3 lần/ngày cho 2 tháng tiếp theo, 3-4 lần/ngày khi bé được 9-11 tháng tuổi và tùy theo nhu cầu khi trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Đồng thời, mẹ cần chú tâm đến việc lựa chọn thức ăn giàu dinh dưỡng phù hợp với dung tích dạ dày nhỏ của bé.