Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Hương Lê
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 22/08/2023

Sữa đầu và sữa cuối của mẹ là gì? Cách cho bé bú đủ sữa

Sữa đầu và sữa cuối của mẹ là gì? Cách cho bé bú đủ sữa
Nhiều mẹ khi cho con bú thường không để ý sữa đầu và sữa cuối, chỉ cần trẻ bú no là được. Đây là một sai lầm có thể làm trẻ chậm lớn, gặp các vấn đề về sức khỏe.

Sữa mẹ vừa giàu vitamin, khoáng chất lại dễ hấp thu, hoàn toàn phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chuyên gia khuyến khích mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Điều này sẽ giúp trẻ ngừa nhiễm tụ cầu, E.coli, ngừa các bệnh về đường hô hấp… Tuy nhiên, sữa mẹ chỉ phát huy tối đa lợi ích nếu mẹ cho con bú đúng cách, cân bằng giữa sữa đầu và sữa cuối.

1. Sữa đầu và sữa cuối của mẹ là gì?

Sữa mẹ là nguồn sữa sản xuất tự nhiên của mẹ, được đánh giá là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong năm đầu đời. Sữa mẹ có ba giai đoạn khác biệt bao gồm: (1) sữa non, (2) sữa chuyển tiếp và (3) sữa trưởng thành. Trong đó, sữa trưởng thành được chia ra làm hai loại là sữa đầu và sữa cuối.

1.1 Sữa đầu

Sữa đầu là sữa tiết ra trong thời gian đầu cữ khi mẹ cho con bú. Sữa thường loãng, hàm lượng đường lactose thường cao hơn chất béo, đặc biệt sữa đầu của mẹ trong như nước gạo. Vì vậy, nếu chỉ bú sữa đầu thì trẻ rất nhanh đói.

1.2 Sữa cuối

Sữa cuối là sữa tiết ra sau sữa đầu, có màu vàng, đặc hơn sữa đầu, chứa nhiều chất béo, có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Nếu sữa đầu giống như sữa tách béo thì sữa cuối được ví như sữa nguyên chất. Vì vậy, sữa cuối là sữa giúp bé tăng cân và no lâu.

1.3 Cách nhận biết sữa đầu và sữa cuối

Thông thường, sữa cuối sẽ có kết cấu đặc, nhiều kem và trông có vẻ đậm đà hơn so với sữa đầu.

cách phân biệt sữa đầu và sữa cuối
Cách phân biệt sữa đầu và sữa cuối. Foremilk = sữa đầu và Hindmilk = sữa cuối.

2. Sự thay đổi trong thành phần sữa mẹ

Qua từng mốc thời gian và giai đoạn phát triển của bé, sữa mẹ cũng có sự thay đổi trong thành phần dinh dưỡng. Cụ thể như sau:

  • Trong 0 – 5 ngày đầu sau sinh: cơ thể mẹ chủ yếu tạo ra sữa non. Sữa non có màu vàng hoặc cam, đặc, đậm đà và chứa đầy các chất dinh dưỡng thiết yếu cũng như globulin miễn dịch. Mẹ sẽ không sản xuất được nhiều sữa non nhưng sẽ đảm bảo lấp đầy cái bụng nhỏ xíu của trẻ sơ sinh vừa chào đời.
  • Từ ngày thứ 5 đến ngày 14: sữa mẹ sẽ sản sinh nhiều hơn hoặc “về” vào khoảng ngày thứ ba hoặc thứ tư. Lúc này, ngực của mẹ sẽ có cảm giác căng và nặng hơn nhiều khi sữa mẹ chuyển từ sữa non sang sữa chuyển tiếp.
  • Đến khoảng tuần thứ hai sau khi sinh: ngực của mẹ sẽ tiết ra sữa trưởng thành. Loại sữa này bao gồm sữa đầu và sữa cuối. Trong một cữ bú, sữa đầu loãng hơn và sữa cuối đặc hơn cũng như có nhiều chất dinh dưỡng hơn.
  • Tháng thứ 2 đến tháng thứ 5 sau sinh: vẫn là sữa trưởng thành với thành phần không thay đổi nhiều so với trước. Tuy nhiên, khi con càng lớn thì hàm lượng chất béo có trong sữa mẹ càng giảm.
  • Tháng thứ 6 đến tháng thứ 10 sau sinh: sữa mẹ lúc này vẫn chứa nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể cần thiết cho em bé. Tuy nhiên sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Do đó, nếu chỉ cho con bú hoàn toàn như 6 tháng trước đó thì trẻ sẽ phát triển chậm. Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm.
  • Tháng thứ 11 đến tháng thứ 18 sau sinh: giai đoạn này sữa mẹ vẫn chưa những thành phần dinh dưỡng cần thiết nhu chất béo, vitamin, protein. Tuy nhiên, ngoài việc cho trẻ bú mẹ, cần cho trẻ ăn dặm xen kẽ và không nên cắt bỏ hoàn toàn sữa mẹ ra khỏi chế độ ăn của trẻ.
  • Sau 2 năm: sữa mẹ lúc nào cũng có những dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, việc cai sữa mẹ cho trẻ lúc này là hoàn toàn phù hợp để thuận tiện cho công việc của mẹ.

Sự thay đổi thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ

3. Nên cho trẻ bú nhiều sữa đầu hay sữa cuối?

Cả sữa đầu và sữa cuối đều chứa lactose mà bé cần để có thể phát triển khỏe mạnh. Lactose giúp vi khuẩn có lợi phát triển trong hệ tiêu hóa, giúp bé chống lại vi khuẩn có hại, vi rút và ký sinh trùng. Do đó, mẹ nên cho bé bú lượng sữa đầu và sữa cuối cân bằng nhau.

Mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối, còn được gọi là tình trạng quá tải lactose (lactose overload). Tình trạng này có thể xảy ra khi bé gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose trong sữa. Bé bú quá nhiều, hấp thụ ít hay quá nhiều chất béo cũng bị quá tải lactose.

Khi bé bú một lượng lớn sữa mẹ, sữa đầu có trước có thể làm bé no và không bú được nhiều sữa cuối. Bé không tiêu thụ đủ sữa có hàm lượng chất béo cao và cuối cùng uống rất nhiều sữa ít béo.

Nếu bé bú nhiều sữa đầu hơn sữa cuối, hàm lượng chất béo trong bữa ăn của trẻ sẽ mất cân bằng. Chất béo được tiêu hóa chậm. Bởi vì sữa đầu thường ít chất béo hơn nên nó di chuyển qua hệ thống tiêu hóa của bé một cách nhanh chóng. Sữa đầu được tiêu hóaa nhanh đến mức tất cả đường lactoza trong sữa đầu không có đủ thời gian để phân hủy và tiêu hóa.‌

‌Lượng sữa đầu và sữa cuối mất cân bằng này gây ra tình trạng quá tải đường lactose cho trẻ. Lactose không được tiêu hóa sẽ không đi đâu ngoài ruột già, nơi sữa bị lên men và tạo ra nhiều hơi. Bé bị xì hơi nhiều là triệu chứng điển hình mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối của bé.

4. Tác hại khi trẻ bú không đều sữa mẹ đầu và cuối

Việc mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối xảy ra khi trẻ bú sữa đầu nhiều hơn sữa cuối, tức sữa đầu làm trẻ no bụng nên con chỉ bú rất ít sữa cuối. Khi đó, trẻ sẽ tiêu thụ nhiều đường lactose hơn.

Sữa đầu ít chất béo nên sẽ tiêu hóa nhanh đến nỗi đường lactose không đủ thời gian để phân hủy. Nó sẽ ở lại trong ruột và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh.

Tỷ lệ lactose và chất béo trong sữa mẹ ở mỗi phụ nữ khác nhau. Vì vậy, một số trẻ sẽ không bao giờ gặp tình trạng quá tải lactose dù bú sữa đầu nhiều hơn sữa cuối. Nhìn chung, nếu bé đi ngoài có phân màu vàng hoặc màu nâu là hệ tiêu hóa của con hấp thụ tốt sữa mẹ.

Đôi khi, trẻ chậm lớn, đi phân lẫn máu, phân màu xanh lá… nhưng chưa hẳn trẻ mất cân bằng về sữa mẹ. Vì đây cũng có thể là triệu chứng của những căn bệnh khác.

Mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

5. Dấu hiệu trẻ bú mẹ mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau, có thể con đang bú sữa đầu quá nhiều, gây mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối.

5.1 Bé bú nhiều nhưng không tăng cân

Do sữa đầu loãng, ít chất béo nên trẻ bú nhiều sữa đầu sẽ nhanh đói, tần suất bú dày hơn. Nhưng một nghịch lý xảy ra là dù bú nhiều con vẫn không tăng cân, thậm chí chậm cân. Nguyên nhân là trẻ không nhận đủ lượng chất béo có trong sữa mẹ (chứa nhiều ở sữa cuối).

5.2 Phân lỏng, có màu xanh lá cây

Do mất cân bằng sữa đầu sữa cuối (bú nhiều sữa đầu hơn), trẻ sẽ hấp thu nhiều đường hơn. Kết quả là trẻ hay đi phân lòng, phân có màu xanh lá cây.

>> Xem thêm: 6 màu phân của trẻ sơ sinh đặc trưng bố mẹ cần biết

5.3 Đầy bụng, đau bụng, phân có đốm máu

Việc tiêu thụ quá nhiều đường lactose ở sữa đầu gây áp lực lên đường tiêu hóa, theo đó trẻ dễ bị đầy hơi, làm ruột, hậu môn quá tải. Đó là lý do phân trẻ xuất hiện các đốm máu.

Ngoài ra, mẹ còn thấy con ợ hơi, xì hơi nhiều hơn. Trẻ cũng có thể quấy khóc do đau bụng, chướng bụng, đầy hơi. Dấu hiệu nhận biết là con khóc to, tay nắm chặt và ngủ với tư thế thai nhi để cảm thấy dễ chịu hơn.

5.4 Đi ngoài ngay sau khi bú xong

Trẻ bú nhiều sữa đầu (ít chất béo), cơ thể sẽ không đủ năng lượng và dinh dưỡng để hệ tiêu hóa làm việc. Kết quả là lượng sữa hấp thu không tiêu hóa nổi, trôi thẳng xuống ruột và bị tống ra ngoài hậu môn ngay sau khi trẻ bú.

5.5 Hăm tã

Việc mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối sẽ làm sữa mẹ thay đổi nhẹ về bản chất, có tính axit nhẹ. Điều này ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe tổng thể của bé, làm con dễ bị hăm tã hơn.

6. Cách nhận biết trẻ bú đủ lượng sữa đầu sữa cuối

Để chắc chắn, mẹ có thể theo dõi các dấu hiệu cho thấy bé bú đủ sữa như:

  • Tăng cân đều đặn, theo bảng tiêu chuẩn.
  • Có từ 6 đến 8 lần tã ướt mỗi ngày, đi tiêu đều đặn.
  • Bé bú nuốt đầy đủ, có thể ngủ ngon lành sau mỗi cữ bú.

Nếu mẹ lo lắng về việc tăng cân hoặc bú sữa của bé, đừng ngần ngại hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn thêm.

7. Khắc phục tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối nhằm giúp bé tăng cân, phát triển tốt, không gây hại cho hệ tiêu hóa, mẹ có thể làm theo gợi ý dưới đây.

7.1 Vắt bỏ sữa đầu cho bé

Nhiều mẹ thắc mắc “có nên vắt bỏ sữa đầu khi cho con bú”. Câu trả lời là CÓ. Để tránh cho trẻ bú quá nhiều sữa đầu và ít sữa cuối, mẹ có thể vắt bỏ một ít sữa đầu trước khi cho con bú. Nhờ đó, lượng sữa đầu và sữa cuối con bú sẽ cân bằng hơn.

Vậy mẹ nên vắt bỏ sữa đầu như thế nào? Trước khi cho bé bú từ 1 đến 2 phút, mẹ hãy vắt sữa từ ngực hoặc dùng máy hút bớt sữa đầu rồi mới cho con bú. Hút sữa đầu trước khi cho con bú còn giúp làm mềm ngực và làm chậm dòng sữa mẹ cho bé bú dễ dàng hơn.

7.2 Chỉ cho bé bú khi con thực sự đói

Không cho trẻ bú khi trẻ ‘“lưng lửng” bụng, chưa thật đói vì như vậy trẻ chỉ bú chủ yếu phần sữa đầu là đã no. Một số dấu hiệu cho thấy bé đói bao gồm: cho tay vào miệng, quay đầu tìm vú mẹ, mút tay hoặc chép môi, mở và đóng miệng.

7.3 Một số lưu ý khác

Hạn chế chuyển từ vú này sang vú khác một cách nhanh chóng (ít hơn 5 đến 10 phút mỗi bên) khi cho bé bú. Tăng thời gian cho bú ở mỗi bên vú sẽ giúp trẻ có cơ hội bú sữa cuối nhiều hơn.

Khi “xuống sữa” (tức lúc sữa bắn thành tia), mẹ có thể cho bé ngưng bú một lúc đồng thời dùng khăn thấm sữa. Như vậy, khi bú lại, trẻ sẽ bú phần sữa cuối được nhiều hơn.

Cách khắc phục tình trạng sữa đầu sữa cuối

Khi nào nên cho bé đi gặp bác sĩ?

Tuy sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhưng nếu trẻ bú mẹ không tăng cân mà còn gặp các vấn đề sức khỏe như nói trên thì mẹ nên cho con đi khám. Như mẹ đã thấy, không phải cứ nuôi con bằng sữa mẹ là bé phát triển tốt.

Việc mất cân bằng tỷ lệ sữa đầu và sữa cuối trong lúc bú mẹ cũng là một trong những nguyên nhân làm trẻ chậm phát triển. Vì vậy, mẹ nhớ tìm hiểu kỹ cách khắc phục tình trạng này để chăm con tốt hơn.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Volume of foremilk, hindmilk, and total milk produced by mothers of very preterm infants born at less than 28 weeks of gestation
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19383633/
Ngày truy cập: 22.08.2023

2. Overview of Nutrients in Human Milk
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6008960/
Ngày truy cập: 22.08.2023

3. Effect of foremilk and hindmilk on simple procedural pain in newborns
https://www.researchgate.net/publication/7832083_Effect_of_foremilk_and_hindmilk_on_simple_procedural_pain_in_newborns
Ngày truy cập: 22.08.2023

4. What causes hyperlactation during breast-feeding?
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/expert-answers/hyperlactation/faq-20453399
Ngày truy cập: 22.08.2023

5. Separating Your Milk
https://www.chop.edu/pages/separating-your-milk
Ngày truy cập: 22.08.2023

x