Kinh nghiệm hữu ích cho mẹ sau sinh mổ khẩn cấp

1. Bí quyết chăm sóc mẹ sau sinh mổ khẩn cấp
Sau ca sinh mổ khẩn cấp, nếu như nhiều mẹ “thở phào” nhẹ nhõm vì bé chào đời khỏe mạnh thì một số mẹ lại cảm thất vọng, khó chịu vì việc sinh nở không diễn ra đúng kế hoạch. Ngoài ra, nhiều mẹ còn có thể bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) với các biểu hiện như lo lắng, hoảng sợ mỗi khi nhớ tới việc sinh nở, tránh bất cứ thứ gì gợi lại việc sinh nở, khó ngủ, hay tức giận hoặc khó tập trung [4]. Để tránh gặp phải tình trạng này, kinh nghiệm hữu ích dành cho mẹ là hãy trấn an bản thân rằng việc sinh mổ là điều tốt nhất cho sự ra đời an toàn của bé và mẹ đã làm tất cả những điều tốt nhất cho con. Bên cạnh đó, để giảm bớt cảm xúc tiêu cực, mẹ cũng nên chia sẻ, tâm sự với người thân như chồng, gia đình để được thấu hiểu, san sẻ nhiều hơn [12].
Bên cạnh lưu ý đến cảm xúc và trạng thái tâm lý, mẹ cũng cần chú ý chăm sóc bản thân sau ca sinh mổ khẩn cấp. Thông thường, thời gian để hồi phục sau ca sinh mổ có thể mất từ 6 – 8 tuần, lúc này mẹ cần: [17], [18]:
- Chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
- Vận động nhẹ nhàng
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, khoa học kết hợp thêm rau xanh, trái cây, uống đủ nước để tránh táo bón và có đủ sữa cho bé bú.
- Chú ý chăm sóc vết mổ bằng cách vệ sinh sạch sẽ và giữ khô mỗi ngày, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, dùng thuốc giảm đau theo chỉ định và chú ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng
- Tránh leo cầu thang, tập các bài tập nặng, nâng bất cứ vật nặng nào (nặng hơn cân nặng của bé cưng) và tránh quan hệ tình dục trong tối thiểu 6 tuần đầu sau sinh.
2. Kinh nghiệm hữu ích khi chăm sóc trẻ sinh mổ
Với trẻ sinh mổ, nhất là trẻ sinh mổ khẩn cấp thì việc chú ý chăm sóc bé sau sinh lại càng đặc biệt quan trọng. Một trong những “thua thiệt” lớn nhất ở trẻ sinh mổ so với trẻ sinh thường đó là hệ miễn dịch. Ở trẻ nhỏ, ruột có thể được xem là “trung tâm của hệ miễn dịch” khi tại đây có đến 70% – 80% tế bào miễn dịch của cơ thể [13]. Để sức khỏe đường ruột được khỏe mạnh và hệ miễn dịch được củng cố thì hệ vi sinh đường ruột cần được giữ ở mức cân bằng. Tuy nhiên, do không đi qua đường sinh tự nhiên, trẻ sinh mổ “bỏ lỡ” cơ hội tiếp xúc với hệ vi sinh vật đa dạng từ âm đạo của mẹ, khiến hệ vi sinh đường ruột có nguy cơ bị mất cân bằng (lợi khuẩn giảm và hại khuẩn tăng), dẫn đến chức năng và sự phát triển của miễn dịch bị suy giảm so với trẻ sinh thường. [11]
Để giúp trẻ sinh mổ khôi phục hệ vi sinh đường ruột, từ đó góp phần củng cố hệ miễn dịch, một kinh nghiệm hữu ích là bạn cần cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển ở trẻ nhỏ, kể cả trẻ sinh mổ. Trong sữa mẹ có sự kết hợp giữa hơn 200 loại vi sinh vật có lợi (probiotics) và các chất xơ có lợi (prebiotics) được chứng minh hiệu quả trong việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đồng thời tăng cường phát triển hệ miễn dịch [16]. Nhờ đó, trẻ sinh mổ cũng có thể phát triển như trẻ sinh thường.