Cho dù trẻ sau khi sinh ra được phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch thì cũng khó tránh để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt. Nếu bố mẹ không có biện pháp hỗ trợ hợp lý sẽ khiến trẻ sinh ra tâm lý tự ti, khép kín, sợ giao tiếp, thậm chí là trầm cảm.
2. Ảnh hưởng đến khả năng bú sữa và nhai nuốt thức ăn
Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình bú mẹ hoặc bú sữa bình, sữa dễ bị chảy ra ngoài, khiến bé thiếu dinh dưỡng hoặc dễ bị sặc.
Ngoài ra, khi đến tuổi ăn dặm nếu không được chỉnh hình khuôn miệng, phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch thì khả năng nhai nuốt của trẻ cũng bị hạn chế lớn.
3. Phát âm bị trở ngại
Trẻ bị sứt môi hở hàm ếch cũng khó phát âm chuẩn bởi vì không có được sự đóng mở hợp lý của môi, lưỡi cũng gặp trở ngại khi nói chuyện. Điều này có thể khiến trẻ khó chịu, thậm chí là sợ hãi hay tức giận, sinh ra những tâm lý tiêu cực về sau.
4. Trẻ dễ bị bệnh hơn
Mũi và miệng luôn liên quan với nhau. Khi chưa được phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch thì môi, miệng của trẻ không phát triển hoàn chỉnh. Lúc này, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ càng cao, điển hình như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa…
Mẹ bầu cần làm gì để hạn chế nguy cơ con phải phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch?
1. Cân bằng dinh dưỡng
Cơ thể mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho thai nhi trong bụng, vì vậy chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng là vô cùng quan trọng. Mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế thành phần đường, muối và các thực phẩm đóng hộp.
Khi mẹ bị thiếu vitamin B, axit folic thì thai nhi càng dễ xảy ra dị dạng bẩm sinh. Tuy nhiên cũng cần nhớ nếu vitamin A quá dư thừa cũng làm tăng nguy cơ sứt môi hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên bổ sung hợp lý sắt, kẽm, canxi.
Theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ, mỗi ngày, bà bầu cần bổ sung khoảng 0,8mg axit folic, trong 3 tháng đầu thai kỳ thì con số này khoảng 0,4mg, để phòng ngừa dị tật các dây thần kinh ở phôi thai. Tuy nhiên, nếu mẹ dùng thuốc thì cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, bên cạnh đó nên kết hợp thực phẩm như cải bó xôi, cà chua, cam quýt, dâu tây, gan động vật, thịt gia súc, trứng.
2. Tạo thói quen thư giãn, giải tỏa căng thẳng
Trong suốt thai kỳ, thậm chí là trước khi mang thai thì mẹ vẫn nên học cách giải tỏa áp lực, có thể làm những việc yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, tán gẫu với bạn bè để tiêu trừ các cảm xúc tiêu cực.

Sức khỏe tinh thần của người mẹ cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
3. Không tắm lâu trong nước nóng
Nghiên cứu phát hiện, mẹ bầu mỗi ngày nếu ngâm mình trong nước nóng quá 15 phút sẽ gây hại cho thần kinh trung khi của thai nhi, nếu tắm hơn 40-60 phút thì tỷ lệ dị tật thai nhi tăng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước tắm cũng không nên quá cao để tránh tác động lên nhiễm sắc thể, dễ gây biến dị.
4. Cai thuốc lá và phòng ngừa bệnh tật
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo 3 tháng trước khi mang thai, phụ nữ nên cai hoàn toàn thuốc lá để giảm bớt các hóa chất có hại.
Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cũng nên thận trọng trong mọi sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi, đồng thời cần vận động hợp lý để tăng sức đề kháng, hạn chế mắc bệnh. Nếu thật sự phải điều trị bệnh, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc uống.
5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Trước khi có kế hoạch sinh con, cả hai vợ chồng đều nên tiến hành khám sức khỏe để chẩn đoán bệnh, kịp thời điều trị để loại bỏ các tác nhân có thể gây ra dị tật cho thai nhi.
Ngoài ra, trong suốt thai kỳ, mẹ cũng phải thực hiện đầy đủ các loại kiểm tra, xét nghiệm sản khoa để đảm bảo bản thân và em bé luôn khỏe mạnh.
Hành trình điều trị cho trẻ bị hở hàm ếch
1. Chuẩn bị sức khỏe để phẫu thuật
Do vấn đề tâm lý, gia đình muốn phẫu thuật cho trẻ ngay sau sinh. Tuy nhiên, trẻ cần thời gian để bổ sung dinh dưỡng và thích nghi với môi trường mới lạ.
Thông qua việc vận động môi như bú sữa, lượng cơ vòng môi sẽ gia tăng và phát triển đầy đủ giúp cho việc phẫu thuật được dễ dàng.
Thời gian đủ cũng sẽ an toàn hơn cho quá trình gây mê, theo dõi sau mổ và chỉnh hình trước phẫu thuật giúp phục hồi sự biến dạng của mũi và xương hàm trên.
Thông thường trẻ đạt 3-4 tháng và cân nặng trên 6kg có thể thực hiện phẫu thuật.
Về dinh dưỡng: Các trường hợp nhẹ trẻ có thể bú mẹ. Trường hợp trẻ bị chẻ vòm hầu sâu (hở ở thành trên và sau họng) khi bú dễ bị sặc hay trào lên mũi, khó nuốt có thể cho trẻ dùng bình sữa chuyên dụng, bằng thìa hoặc theo ống thông vào dạ dày.
Trong 1 tuần đầu, bạn có thể cho bé bú theo bảng sau (mỗi ngày cho bé bú từ 10-12 bữa):
Cân nặng | Ngày 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
< 3.200g | 70ml | 140 | 210 | 280 | 350 | 420 | 490 |
>3.200g | 80 | 160 | 240 | 320 | 400 | 480 | 560 |
Đây là số lượng sữa lý tưởng giúp bé tăng cân để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Sau đó bạn nên gặp bác sĩ dinh dưỡng nhi để được tư vấn lượng sữa phù hợp.