Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Bích Trâm
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 20/12/2023

Trẻ 6 tuần tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc bé toàn diện

Trẻ 6 tuần tuổi: Sự phát triển và cách chăm sóc bé toàn diện
Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt (growth spurt) thường xảy ra ở trẻ 2 tuần tuổi, trẻ 3 tuần tuổi và trẻ 6 tuần tuổi. Mẹ hãy tận dụng giai đoạn này để giúp bé phát triển vượt trội nhé.

Trẻ 6 tuần tuổi bỗng nhiên đòi bú nhiều hơn và quấy khóc hơn bình thường. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày hoặc cả tuần nên khiến mẹ rất lo lắng. Muốn biết nguyên nhân của hiện tượng này và cách xử trí, mẹ cần phải nắm rõ các đặc điểm phát triển của trẻ 6 tuần tuổi.

Bé 6 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Sự phát triển của trẻ 6 tuần tuổi nằm ở chiều cao, cân nặng, mức độ tiêu hóa, khả năng bú, ngủ, và các mốc phát triển về kỹ năng của bé.

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 6 tuần tuổi

  • Cân nặng: Ở giai đoạn sau sơ sinh, bé tăng cân trung bình khoảng 0,7kg đến 0,9kg mỗi tháng, Vì vậy khi tròn hai tháng, bé có thể tăng thêm 1,8kg so với lúc mới sinh.
  • Chiều dài: của bé trung bình tăng 1,9cm mỗi tháng.
  • Chu vi vòng đầu: của bé sẽ tiếp tục tăng khoảng 2cm mỗi tháng trong năm đầu đời. Đây là chỉ số quan trọng dùng để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển não bộ của trẻ.

>> Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ 0-18 tuổi chuẩn WHO mới nhất

2. Tiêu hóa: Trẻ 6 tuần tuổi đi ngoài mấy lần?

Nhiều mẹ thắc mắc trẻ 6 tuần tuổi đi ngoài mấy lần? Tần suất đi ngoài của các bé trong những tuần đầu tiên phụ thuộc nhiều vào việc bé đang bú sữa mẹ hay sữa công thức.

Việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức hoặc thay đổi loại sữa công thức cho bé có thể dẫn đến thay đổi về lượng phân; tính nhất quán và màu sắc. Những thay đổi trong chế độ ăn uống cũng có thể thay đổi số lần em bé đi vệ sinh mỗi ngày.

  • Trong 6 tuần đầu sau sinh: Phân lỏng, màu vàng. Trẻ đi ít nhất 3 lần mỗi ngày, nhưng có thể lên đến 4 đến 12 lần. Sau đó, bé có thể vài ngày mới đi một lần, điều này hoàn toàn là bình thường
  • Với trẻ uống sữa công thức: Phân màu nâu nhạt hoặc hơi xanh. Trẻ đi tiêu 1 đến 4 lần mỗi ngày. Mẹ nên lưu ý khi bé bú sữa công thức thường rất dễ bị táo bón nên phải thường xuyên kiểm tra phân của bé để có biện pháp điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy màu vàng – Nguyên nhân và cách điều trị

3. Trẻ 6 tuần tuổi bú ít, ngủ nhiều có sao không?

Giấc ngủ mang đến rất nhiều lợi ích cho trẻ. Nhưng nếu trẻ 6 tuần tuổi bú ít, ngủ nhiều thì lại là dấu hiệu không tốt cho sức khỏe.

Bởi vì thời gian ngủ của con đã chiếm mất thời gian ăn, dẫn đến hiện tượng con ngày càng còi cọc và chậm phát triển do không được cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ.

Ngoài ra, việc trẻ 6 tuần ngủ nhiều bú ít còn có thể do bé mắc phải một số bệnh lý như:

  • Bé bị mất nước: Cơ thể trẻ bị mất nước có thể do nôn trớ; tiêu chảy; sốt hoặc ra nhiều mồ hôi. Trẻ ngủ liên tục trong trạng thái mệt mỏi là một trong những biểu hiện của bệnh.
  • Trẻ bị sốt: Thông thường trẻ bị sốt ngủ rất nhiều, có thể kéo dài liên tục đến vài giờ.
  • Trẻ bị viêm màng não: Đây là một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ. Vì có khả năng gây tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề.

>> Mẹ tìm hiểu thêm về Tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít để biết cách chăm sóc con nhé!

4. Các mốc phát triển quan trọng của trẻ 6 tuần tuổi

Các mốc phát triển của trẻ 6 tuần tuổi

Mẹ có thắc mắc trẻ 6 tuần tuổi biết làm gì không? Trẻ 6 tuần tuổi có các hoạt động tương tác với mẹ, người thân tương tự như trẻ 5 tuần tuổi. Tuy nhiên, các hành động và phản ứng của bé lanh lẹ, thuần thục và có chủ đích hơn.

  • Bé ngẩng đầu khi nằm sấp hoặc khi mẹ ôm trên ngực.
  • Bé biết quay đầu về phía âm thanh hoặc dõi theo chuyển động của đồ vật.
  • Bé luôn giữ mẹ trong tầm nhìn và có thể đảo mắt tìm kiếm khi nghe giọng nói thân quen của mẹ.
  • Trẻ 6 tuần tuổi cười nhiều hơn tuần trước như một cách thể hiện tình cảm với mẹ hoặc người thân. Mẹ nhớ là hãy cười đáp lại bé nhé để tăng cường sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa hai mẹ con.
  • Tay chân em bé 6 tuần tuổi chuyển động nhịp nhàng hơn.
  • Bé biết mút tay như một cách tự xoa dịu bản thân khi cảm thấy khó chịu.
  • Bé nói chuyện nhiều hơn, thậm chí biết phát ra âm thanh để bắt chuyện với người đối diện.
  • Bé quấy khóc không chỉ vì đói, mệt mà còn vì cảm thấy cần sự quan tâm.

Các vấn đề thường gặp của trẻ 6 tuần tuổi

1. Dấu hiệu trẻ chậm phát triển

Trẻ em phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng hầu hết đều tuân theo một mốc thời gian chung. Trong đa số các trường hợp, trẻ sẽ đạt từng mốc phát triển (như lăn qua, ngồi, đi và nói) ngay trong độ tuổi dự kiến; Nếu không, trẻ sẽ sớm bắt kịp. Trường hợp con dường như không đạt được các mốc quan trọng trong vòng vài tuần so với mức trung bình; hãy hỏi ý kiến bác sĩ về dấu hiệu trẻ chậm phát triển.

Hãy nhớ rằng nếu con sinh non, có thể cần nhiều thời gian hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi để đạt được các giai đoạn phát triển khác nhau.

Mẹ nên cho con đi thăm khám nếu bé có dấu hiệu chậm phát triển như:

  • Bé không phản ứng với âm thanh, tiếng động lớn.
  • Bé không cười.
  • Bé không biết mút tay.
  • Bé không thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp.
  • Bé không biết theo dõi người, vật chuyển động.

2. Trẻ 6 tuần tuổi khó ngủ

Sang đến tuần tuổi này hệ thần kinh của bé đã phát triển hơn, các bé có nhu cầu thức dài hơn mới đủ mệt để đi vào giấc ngủ. Thông thường sau 6 – 8 tuần tuổi trẻ sẽ ngủ ít hơn thời gian trước đây, tuy nhiên trẻ trong độ tuổi này ngủ trung bình khoảng 14-15 tiếng. Việc trẻ 6 tuần tuổi khó ngủ, quấy khóc có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Lịch trình sinh hoạt ăn, ngủ của bé 6 tuần tuổi không nhất quán, không có giờ giấc cụ thể.
  • Con chơi đùa, nghịch ngợm quá nhiều vào ban ngày; khiến hệ thần kinh bị kích thích mạnh, gây khó ngủ.
  • Trẻ 6 tuần tuổi có thể bị đói, bị khát hoặc ăn quá no; cả hai yếu tố đều khiến bé khó ngủ, quấy khóc
  • Trẻ đang mặc quần áo, hoặc tã, bỉm quá chật. Dẫn đến da của bé bị kích thích, dị ứng.
  • Trẻ bị dị ứng với đạm sữa mẹ.

Vì vậy, mẹ cần tìm xem nguyên nhân trẻ 6 tuần tuổi khó ngủ, quấy khóc là gì thì mới giúp bé cải thiện tình trạng trên.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 6 tuần tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ 6 tuần tuổi

Mẹ đừng quá lo lắng nếu mẹ không thể cho con bú. Nếu bú bình, hãy đảm bảo bé luôn khỏe mạnh, vui vẻ và cân nặng tăng dần đều và hợp lý. Điều này có nghĩa rằng bé đã nạp đủ lượng chất dinh dưỡng từ sữa bột.

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không để bé bú quá nhiều. Dùng quá nhiều sữa bột có thể khiến bé trông mũm mĩm, béo phì và cũng có thể dẫn đến một số hệ lụy sức khỏe khác sau này. Nếu bé nôn trớ nhiều, đau bụng hoặc tăng cân quá mức, có thể bé đã uống quá nhiều sữa. Hãy hỏi bác sĩ về lượng sữa bé cần và mức độ thường xuyên cho bé bú để bé có thể phát triển ổn định.

Ngoài ra, tại giai đoạn này, bác sĩ có thể kê một số loại vitamin và chất dinh dưỡng như vitamin D và sắt.

Nhiều trẻ 6 tuần tuổi sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng nhảy vọt (growth spurt) và sau đó sẽ phát triển chậm lại. Nếu tìm hiểu sự phát triển của trẻ giai đoạn sơ sinh, mẹ sẽ thấy thời kỳ tăng trưởng nhảy vọt còn rơi vào giai đoạn trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi3 tuần tuổi.

Sau này, trẻ sẽ còn vài lần tăng trưởng nhảy vọt nữa là thời điểm trẻ 3 tháng, 6 tháng9 tháng.

Điều gì xảy ra khi trẻ tăng trưởng nhảy vọt?

Điều gì xảy ra khi trẻ 6 tuần tăng trưởng nhảy vọt?

  • Bé 6 tuần tuổi bất ngờ bú nhiều hơn bình thường, có vẻ bú bao nhiêu cũng không đủ và nhanh đói hơn.
  • Giấc ngủ của bé thay đổi thất thường, một phần là do nhu cầu ăn uống tăng vọt. Bé có thể ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn, giấc ngủ có thể ngắn hơn hoặc dài hơn.
  • Bé trở nên cáu kỉnh hơn, thường xuyên vừa bú vừa càu nhàu dù trước đó bé là một đứa trẻ dễ tính, ít quấy khóc. Nguyên nhân là bé gia tăng cảm giác đói, bị rối loạn giấc ngủ và thậm chí có thể xuất hiện những cơn đau do ảnh hưởng của sự tăng trưởng nhảy vọt.
  • Bé có thể tăng nhanh về trọng lượng và chiều dài trong tuần tăng trưởng này.

Mẹ nên làm gì khi trẻ bước vào thời kỳ tăng trưởng nhảy vọt?

  • Hãy cho bé ăn khi bé đói. Nếu bình thường 3 giờ bé mới bú một lần nhưng chỉ mới 2 giờ con đã đòi bú thì mẹ hãy đáp ứng nhu cầu của con.
  • Hãy luôn kiên nhẫn và yêu thương với trẻ 6 tuần tuổi. Khi bé quấy khóc, mẹ hãy ôm ấp, massage bé, đọc sách, hát cho bé nghe hoặc làm bất cứ điều gì bé thích. Đọc sách cho trẻ sơ sinh như thế nào để con tăng IQ tối đa, mẹ có thể xem thêm tại đây.
  • Ngoài ra, mẹ cũng đừng quên chăm sóc bản thân, nhất là nhờ người thân hỗ trợ để có thể nghỉ ngơi vì đây là giai đoạn chăm bé rất vất vả.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Hướng dẫn massage đúng cách giúp trẻ sơ sinh ăn ngoan, ngủ ngon

2. Tư thế ngủ của em bé 6 tuần tuổi

Mẹ cũng cần giúp bé duy trì tư thế nằm ngửa khi ngủ. Các bé nằm ngủ tư thế ngửa ít bị sốt, nghẹt mũi, nhiễm trùng tai và ít bị nôn trớ vào ban đêm hơn. Hãy cho bé ngủ nằm ngửa ngay từ bây giờ để bé sẽ tập làm quen và cảm thấy thoái mái với tư thế này ngay từ khi còn nhỏ.

Mẹ cũng nên quan tâm trẻ 6 tuần tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Ở tuổi này, trẻ vẫn sẽ ngủ trung bình 16 giờ mỗi ngày. Đối với trẻ được 6 tuần tuổi, giấc ngủ là vô cùng cần thiết và quan trọng để trẻ có thời gian phát triển và hoàn thiện các bộ phận, các giác quan trên cơ thể mình.

3. Hơi thở của bé 6 tuần tuổi

Nhịp thở bình thường của trẻ là khoảng 40 lần/phút khi bé thức. Tuy nhiên, khi bé ngủ thì nhịp thở có thể chỉ là 20 lần/phút. Bé có thể hít thở nhanh, lặp đi lặp lại với hơi thở gấp gáp và nông, kéo dài trong khoảng 15-20 giây và sau đó dừng lại trong vòng ít hơn 10 giây rồi thở lại.

Cách thở này được gọi là thở định kỳ. Điều này đa phần bình thường và là hệ quả của sự phát triển chưa hoàn thiện ở trung tâm kiểm soát hơi thở trong não của bé.

Mặc dù vậy, mẹ cũng nên lưu ý nếu nhịp thở của bé trở nên bất thường trong khi bé đang ngủ.

4. Vệ sinh dây rốn cho trẻ 6 tuần tuổi

Nhiễm trùng dây rốn hiếm khi xảy ra, đặc biệt nếu mẹ đã chăm sóc vùng rốn bé sạch sẽ và luôn giữ khô ráo. Nếu mẹ thấy có vết mẩn đỏ ở vùng da xung quanh hoặc dịch tiết từ rốn hay từ dưới đáy của dây rốn, đặc biệt là khi dây rốn có mùi hôi, hãy ngay lập tức đưa bé đến bác sĩ.

Nếu bé bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bé. Dây rốn thường sẽ khô lại và rụng đi trong vòng một hoặc hai tuần sau khi bé chào đời. Khi dây rốn rụng đi, mẹ có thể nhận thấy một vết máu nhỏ hoặc một lượng nhỏ chất lỏng như máu chảy ra. Điều này hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu rốn không khép lại hoàn toàn và không khô trong vòng hai tuần sau khi dây rốn rụng đi, hãy đưa bé đi khám bác sĩ để được chăm sóc và giúp đỡ kịp thời.

5. Các hoạt động cho bé 6 tuần tuổi

Các hoạt động cho bé 6 tuần tuổi

Từ thời điểm bé 6 tuần tuổi trở đi, mẹ cần thay đổi cách tương tác với bé.

  • Do bé đã biết “chán”, biết cười nên mẹ có thể làm những trò vui nhộn, hài hước như “hú hà” để bé có thêm những trải nghiệm mới lạ về mặt cảm xúc.
  • Mẹ có thể cho bé đi dạo bằng xe đẩy để bé nhìn ngắm không gian và lắng nghe âm thanh bên ngoài.
  • Để phát triển kỹ năng ngôn ngữ và các giác quan của trẻ 6 tuần tuổi như thính giác, thị giác và xúc giác, mẹ có thể đọc sách cho con nghe, nội dung là những câu chuyện thiếu nhi đơn giản. Sách in to, đẹp, nhiều hình vẽ màu sắc để mẹ vừa đọc vừa cho bé xem hình. Với mỗi hình ảnh, hãy cầm tay con chỉ vào, nói to rõ cho trẻ biết đó là gì để con có những nhận thức ban đầu về sự vật, hiện tượng.
  • Để cho con có thêm những cảm giác mới lạ, mẹ có thể đặt con nằm ngửa trên tấm nệm mỏng và kéo con lên xuống. Hoặc để rèn luyện kỹ năng vận động cho bé, mẹ đặt con nằm sấp và kéo về phía trước để con có cảm giác như đang bò vậy. Theo đó, con có thể tập dùng tay đẩy mình về phía trước.
  • Ngoài ra, để phát triển thêm kỹ năng vận động cho trẻ 6 tuần tuổi, mẹ hãy để những đồ chơi màu sắc rực rỡ (phát ra âm thanh càng tốt) trước mặt cho bé tập với, sau đó là tập cầm nắm, lắc…

6. Trẻ 6 tuần bị táo bón: Mẹ phải làm gì?

Khi con bước vào tháng thứ 2, hoạt động của nhu động ruột giảm nên tần suất đi tiêu ở bé có thể giảm. Bé có thể đi tiêu 1 lần/ngày hoặc thậm chí vài ngày mới đi 1 lần, làm mẹ lo lắng.

Trẻ bị táo bón là hiện tượng thường gặp. Điều quan trọng là mẹ cần phân biệt táo bón sinh lý và bệnh lý, tránh tự ý thụt tháo hay chữa táo bón cho trẻ bằng mật ong sẽ nguy hiểm cho bé.

Mẹ cần ăn nhiều rau xanh, trái cây để sữa mẹ cung cấp thêm chất xơ cho bé, cải thiện tình trạng táo bón sinh lý ở trẻ.

Trẻ 6 tuần tuổi đi tiêu 1 lần mỗi tuần cũng không sao. Mẹ chỉ cho con đi khám khi bé có các dấu hiệu như chướng bụng, nôn trớ, ọc sữa, phân đen hoặc có máu, chậm hoặc không tăng cân…

>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?

7. Trẻ 6 tuần tuổi quấy khóc

Với nhiều bé, 6 tuần tuổi trở đi là lúc bé bắt đầu thức nhiều hơn và hiếu động hơn. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu quấy khóc nhiều. Dù vậy, các nhà chuyên môn vẫn chưa tìm được lý do để giải thích hiện tượng này.

Một số chuyên gia tin rằng bé 6 tuần tuổi trở nên dễ bị kích thích hơn. Bé quấy khóc mỗi khi lo lắng. Quá mệt mỏi, không thoải mái, nhàm chán, đói bụng hoặc thích gây chú ý đều làm bé quấy khóc được.

Hầu như không có cách nào chắc chắn và luôn luôn hiệu quả để dỗ bé nín cả. Nhưng đa số các bé đều thích được mẹ ôm ấp, vỗ về và đu đưa. Các bé không thể diễn tả cảm xúc nên rất phụ thuộc vào mẹ.

Bé luôn cần sự giúp đỡ của mẹ để được an toàn và có cảm giác chắc chắn. Vì bé chưa phân biệt được ngày và đêm nên mẹ cần túc trực với bé 24 tiếng/ngày.

Sẽ có những lúc mẹ không thể lý giải tại sao con mẹ khóc. Mẹ nên kiểm tra dựa trên các lý do nêu ở trên nhé. Sự thật là tìm ra lý do tại sao không phải dễ. Thông thường, bé sẽ bình tĩnh lại sau khi được bú, đu đưa, dỗ dành, tắm nước ấm và mát xa bụng. Có thể những lúc này, mẹ sẽ cần đến sự hỗ trợ của chồng mình, gia đình hoặc bác sĩ.

Lời khuyên của bác sĩ để trẻ 6 tuần tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý với bé

Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trong một số trường hợp sau:

  • Trẻ 6 tuần tuổi tăng cân không tương ứng với chu vi vòng đầu hoặc chiều dài của bé. Đôi khi sự mất cân xứng này là do di truyền hoặc cũng có khi là kết quả của việc hấp thụ chất dinh dưỡng kém hoặc lượng calo bé nhận không đủ mỗi ngày.
  • Bé bú nhiều nhưng có vẻ phờ phạc, bé không tăng cân hoặc tăng rất ít, thay ít hơn 6 tã một ngày, da trông vàng hơn và kém đàn hồi (mẹ có thể kiểm tra bằng cách véo nhẹ bé).

2. Lưu ý với mẹ

mẹ có thể tập các bài yoga dành cho mẹ sau sinh để giải tỏa căng thẳng

  • Để có sức khỏe tốt, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi, luyện tập, mẹ cần uống nhiều nước, bổ sung vitamin theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thời điểm trẻ 6 tuần tuổi, bác sĩ cho biết mẹ có thể quan hệ trở lại, không có nghĩa là bản thân mẹ đã sẵn sàng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ giảm ham muốn sau sinh.
  • Mẹ có thể cải thiện tình trạng bằng cách vun đắp tình cảm vợ chồng sau sinh.
  • Một số thực phẩm giúp mẹ tăng ham muốn nhưng có thể không tốt cho bé do ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Do đó, mẹ không nên cho vào thực đơn.
  • Thay vào đó, mẹ có thể tập các bài yoga dành cho mẹ sau sinh để giải tỏa căng thẳng và tìm sự cân bằng. Yoga cũng giúp cải thiện khả năng tình dục cho phái đẹp.

Có thể nói, khi trẻ 6 tuần tuổi, mẹ tuy chưa trở thành “chuyên gia” nuôi dạy trẻ nhưng chắc chắn đã không còn bỡ ngỡ với việc chăm sóc bé. Đừng quên bổ sung thêm kiến thức chăm sóc trẻ những tuần tiếp theo từ MarryBaby mẹ nhé.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Babies and Toddlers: Developmental Milestones
https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/babies-and-toddlers-developmental-milestones
Ngày truy cập: 18/10/2022

2. The Growing Child: Newborn
https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/the-growing-child-newborn
Ngày truy cập: 18/10/2022

3. Baby’s Daily Needs: What to Expect
https://www.mottchildren.org/health-library/te6304
Ngày truy cập: 18/10/2022

4. Tummy Time and Infant Health Outcomes: A Systematic Review
https://pediatrics.aappublications.org/content/145/6/e20192168
Ngày truy cập: 18/10/2022

5. Infant development: Birth to 3 months
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-development/art-20048012
Ngày truy cập: 18/10/2022

6. 1-2 months: newborn development
https://raisingchildren.net.au/newborns/development/development-tracker/1-2-months
Ngày truy cập: 18/10/2022

x