Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Bích Trâm
Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu
Cập nhật 18/04/2022

Trẻ 14 tháng tuổi: Cân nặng, dinh dưỡng và sự phát triển

Trẻ 14 tháng tuổi: Cân nặng, dinh dưỡng và sự phát triển
Trẻ 14 tháng tuổi thường hay cắn người khác. Nguyên nhân là bé khó có thể truyền đạt cảm xúc, nhất là khi thất vọng.

Trẻ 14 tháng tuổi phát triển ra sao? Mẹ cần chú ý tới điều gì khi chăm sóc bé ở độ tuổi này? Hãy cùng MarryBaby khám phá ngay mẹ nhé.

Sự phát triển của trẻ 14 tháng tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng tuổi nên cân nặng bao nhiêu? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng trung bình của bé 14 tháng tuổi là 9,4kg đối với bé gái và 10kg đối với bé trai. Chiều cao trung bình của bé gái là 76,5cm và của bé trai là 78cm.

Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở cân nặng và chiều cao của trẻ 14 tháng tuổi mà là tốc độ phát triển của bé có ở mức khỏe mạnh và bình thường không. Bé có thể nặng thêm khoảng 0,5kg và tăng khoảng 1,27cm mỗi tháng. Vào tháng tới, khi mẹ đưa bé đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra xem bé phát triển như thế nào để đảm bảo rằng chiều cao và cân nặng của trẻ đang đi đúng hướng.

2. Các cột mốc phát triển của trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng biết làm gì? Trẻ 14 tháng tuổi học được khá nhiều kỹ năng mới. Dưới đây là một số cột mốc phát triển của bé mà mẹ nên biết để tiện theo dõi.

Phát triển về mặt thể chất

  • Tự đứng và bước đi: Hầu hết trẻ 14 tháng tuổi có thể tự đứng và đi một vài bước mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ. Bên cạnh đó, một số bé phát triển tốt đã đi bộ khá giỏi vào thời điểm này.
  • Leo cầu thang: Bé có thể cố gắng leo cầu thang và di chuyển khá nhiều một cách độc lập.
  • Nhặt đồ vật: Kỹ năng vận động tinh cũng sẽ được tập luyện thường xuyên khi bé đi nhặt đồ vật và thao tác với chúng bằng ngón tay út.
  • Khám phá đồ vật xung quanh: Ở độ tuổi này, các bé cưng thường sẽ cố gắng khám phá mọi thứ, bao gồm cả tủ và ngăn kéo, vì vậy hãy chắc chắn rằng những đồ vật hay ngăn tủ đã được cài chốt kỹ lưỡng.
  • Bé sẵn sàng ngồi bô: Trẻ mới biết đi thường cho mẹ biết những dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng ngồi bô. Lúc này, mẹ hãy tìm hiểu cách sử dụng bô và tập cho bé ngồi bô sớm nhé.
  • Mọc răng: Một số trẻ 14 tháng tuổi bắt đầu mọc những chiếc răng hàm đầu tiên và cảm thấy đau nhức. Mẹ có thể cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen theo chỉ định từ bác sĩ để giúp bé thấy thoải mái khi tình trạng đau ngày càng nặng hơn.

Phát triển về mặt giao tiếp và cảm xúc

  • Nói những từ đơn giản: Trẻ 14 tháng tuổi có thể nói mama, baba và thậm chí có thể nói được đến 6 từ hoặc hơn.
  • Vui khi thấy bạn đồng trang lứa: Bé 14 tháng tuổi dễ bị thu hút bởi những người bạn nhỏ bằng tuổi mình và sẽ thể hiện sự phấn khích khi được nhìn thấy trẻ khác mặc dù đôi khi con vẫn chưa thực sự sẵn sàng để tương tác.
  • Bộc lộ cảm xúc tốt hơn: Phạm vi, mức độ biểu hiện cảm xúc của trẻ 14 tháng sẽ dần tăng lên khi bé tương tác nhiều hơn với bạn hoặc những người xung quanh.
  • Hiểu hành động của mình có phản hồi: Bé sẽ dần học được rằng hành động của bản thân có thể gây ra những phản ứng nhất định.
  • Bé dễ cáu giận: Trẻ mới biết đi thỉnh thoảng khó chịu là chuyện bình thường. Song, trẻ dễ nổi giận nhất trong khoảng từ 17 đến 24 tháng tuổi. Vì vậy, tốt hơn hết mẹ hãy học cách đối phó với cảm xúc thất thường của con và trong mọi lúc hãy luôn giữ bình tĩnh.
  • Lo lắng nếu phải xa bố mẹ: Bé 14 tháng độc lập hơn nhưng thỉnh thoảng cũng khá nhạy cảm khi con phải xa mẹ. Bé tình cảm và thấy an toàn khi có có bố mẹ ở cùng.

Phát triển về nhận thức và ngôn ngữ

  • Bắt chước người lớn: Bé 14 tháng tuổi sẽ bắt đầu bắt chước những hành động của người lớn và lặp lại nhiều nhất có thể. Ngay cả khi chưa biết nói, con sẽ vẫn cố gắng bắt chước câu hỏi từ bố mẹ bằng những tiếng “ê a” bập bẹ.
  • Quá trình giao tiếp của bé 14 tháng tuổi vẫn bị giới hạn trong một vài lời nói và hành động. Vì vậy, cha mẹ thường sẽ phải vận dụng các kỹ năng cảm giác của mình để thực sự có thể hiểu được những gì bé đang cố nói.

Trẻ 14 tháng tuổi biết làm gì nữa?

  • Bé biết cắn: Trẻ mới biết đi thường thích cắn nhưng điều này cũng không kéo dài quá lâu. Khi bé không thể truyền đạt cảm xúc, nhất là khi thất vọng, bé sẽ cắn. Bé có thể tự cắn bản thân mình hoặc cắn bố mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên cho bé biết việc tự cắn tay con là không nên.

3. Các vấn đề thường gặp ở trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng tuổi chưa biết đi có sao không?

Nếu trẻ 14 tháng tuổi chưa biết đi, việc mẹ cảm thấy lo lắng là điều tự nhiên. Bất kể mẹ nào cũng mong muốn con đạt được những cột mốc quan trọng và không muốn con bị tụt hậu so với những đứa trẻ cùng tuổi. Nhưng trẻ 14 tháng tuổi chưa biết đi thường không phải là dấu hiệu của vấn đề. Có một số trẻ bắt đầu biết đi trước 12 tháng; nhưng có trẻ khác không biết đi cho đến khi được 16 hoặc 17 tháng tuổi.

Để xác định xem trẻ 14 tháng tuổi chưa biết đi có phải là dấu hiệu đáng lo hay không; hãy chú ý đến những khả năng khác của con. Ví dụ, mặc dù bé chưa biết đi ở tháng thứ 14; mẹ có thể nhận thấy con vẫn có thể thực hiện các kỹ năng vận động khác mà không có vấn đề gì: như đứng một mình, vịn vào đồ nội thất và nhảy lên nhảy xuống.

Đây là những dấu hiệu cho thấy các kỹ năng vận động của bé đang phát triển. Do đó, mẹ có thể sớm chứng kiến ​​những bước đầu tiên của con. Tiếp tục theo dõi sự tiến bộ của trẻ. Nếu bé chưa biết đi sau 18 tháng tuổi; hãy nói chuyện với bác sĩ.

Trẻ 14 tuổi chưa biết nói có đáng lo?

Kỹ năng nói và ngôn ngữ thường phát triển từ rất sớm. Một số trẻ không phát triển các kỹ năng ban đầu mà chúng cần và mẹ cần nói chuyện với bác sĩ nhi khoa nếu thấy lo lắng.

Cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ nếu thấy:

  • Con chưa bắt đầu bập bẹ giao tiếp từ 12 đến 15 tháng.
  • Con chưa nói những lời đầu tiên sau 18 tháng.
  • Con không phản ứng tốt với ngôn ngữ, chẳng hạn như không tuân theo các hướng dẫn đơn giản như ‘đá bóng’.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi

Dinh dưỡng và hoạt động cho trẻ 14 tháng tuổi

1. Thực đơn cho trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng tuổi ăn được nhiều thực phẩm mới hơn nhưng bé có thể sẽ ngán những món đã từng yêu thích trước đây. Điều quan trọng là mẹ hãy làm đa dạng thực đơn cho trẻ 14 tháng tuổi để đáp ứng những nhu cầu phát triển của bé.

a. Trẻ 14 tháng tuổi nên ăn bao nhiêu là đủ?

Trẻ 14 tháng tuổi nên ăn khoảng 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Mẹ nên cho bé ăn nhiều thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc, protein và sữa.

Các bác sĩ cho biết hầu hết trẻ mới biết đi cần khoảng 1.100 – 1.200 calo mỗi ngày hoặc khoảng 40 calo cho mỗi 2,5cm chiều cao của bé. Nếu không có thói quen theo dõi lượng calo hấp thụ, mẹ có thể cho bé ăn khẩu phần bằng 1/4 khẩu phần của người lớn.

b. Nên cho trẻ 14 tháng tuổi ăn gì?

Mẹ tiếp tục cho bé 14 tháng tuổi uống sữa nguyên kem (trừ khi bác sĩ có khuyến nghị khác) hoặc sữa mẹ. Trẻ 14 tháng tuổi cần được bổ sung 700mg canxi mỗi ngày. Như vậy, con sẽ cần uống khoảng 3 cốc sữa 237ml mỗi ngày.

Điều quan trọng là mẹ cần lựa chọn đa dạng nguồn thực phẩm trong thực đơn của con. Bên cạnh đó, bạn cũng không cần hạn chế chất béo vì trẻ cần chúng để phát triển trí não. Thêm nữa, mẹ hãy cho bé ăn những thực phẩm từ tự nhiên và chưa qua chế biến càng nhiều càng tốt.

Mẹ cũng lưu ý tránh cho trẻ ăn thực phẩm quá mặn, quá ngọt và những sản phẩm từ bơ.

c. Ý tưởng về thức ăn cho trẻ 14 tháng tuổi

Hầu hết bé 14 tháng tuổi đã có thể tự xúc ăn. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ bị nghẹn nên hãy tiếp tục nghiền thức ăn cho con hoặc xé thức ăn miếng thật nhỏ và dễ nhai. Thực phẩm như đậu phộng, cà rốt sống và kẹo vẫn quá cứng đối với trẻ 14 tháng tuổi. Nếu mẹ cho bé ăn nho, cà chua bi và xúc xích thì nên cắt chúng thành những miếng thật nhỏ để bé tránh bị nghẹn.

  • Sữa là thực phẩm cần thiết cho trẻ 14 tháng tuổi: Sữa là một trong những thực phẩm quan trọng nhất cần có trong chế độ ăn uống của bé 14 tháng vì khả năng cung cấp canxi và vitamin D phong phú. Cả hai dưỡng chất này đều đóng vai trò quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe.
  • Bé 14 tháng tuổi có thể ăn thịt và đậu: Bé 14 tháng tuổi cần rất nhiều năng lượng để chơi và khám phá nên vì vậy, chế độ ăn giàu protein là cách tốt nhất để đem đến cho con “nguồn nhiên liệu” cần thiết. Thịt và đậu là những thực phẩm được các chuyên gia đánh giá cao về khả năng cung cấp protein lành mạnh. Ngoài ra, trứng cũng có mặt trong danh sách này và các món đơn giản như trứng cuộn, trứng hấp sẽ trở thành một món ăn thú vị cho bé.
  • Ngũ cốc tốt cho trẻ 14 tháng tuổi: Các chuyên gia đưa ra lời khuyên bố mẹ nên cho bé ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì gạo, bún, mì phở đã qua tinh chế vì chúng giàu chất xơ nhưng lại không chứa nhiều đường.
  • Trái cây và rau quả: Mẹ nên cho bé 14 tháng tuổi ăn khoảng 150g trái cây và rau quả mỗi ngày. Chúng đều là những thực phẩm tăng sức đề kháng giúp hỗ trợ cung cấp đầy đủ vitamin cũng như khoáng chất cần thiết đi kèm với khả năng bảo vệ sức khỏe để phục vụ cho quá trình phát triển ở trẻ.

d. Làm gì khi bé 14 tháng tuổi biếng ăn?

Đa số trẻ mới biết đi khá biếng ăn khiến nhiều mẹ lo lắng về sức khỏe của con mình. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên nghĩ đến dinh dưỡng của trẻ theo tuần chứ không phải theo ngày. Nếu con đã ăn đa dạng nhiều loại thức ăn khác nhau trong suốt cả tuần và không gặp vấn đề gì về việc tăng cân hay tăng trưởng thì sức khỏe của bé vẫn ổn.

2. Hoạt động cho trẻ 14 tháng tuổi

hoạt động cho trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng tuổi đã đứng thẳng được và năng động hơn nhiều so với trước đây. Bé thích chơi khi ngồi, đứng và đi.

Dưới đây là những hoạt động cho trẻ 14 tháng tuổi mà mẹ nên tìm hiểu để đáp ứng kịp với sự phát triển của con.

  • Vỗ tay cùng bé: Hầu hết trẻ 14 tháng tuổi sẽ bắt chước ba mẹ khi bạn vỗ tay.
  • Tập cho bé chơi với xe đẩy: Xe đẩy là món đồ chơi phù hợp cho bé ở lứa tuổi này, vì trẻ mới tập đi nên thích thể hiện khả năng của mình với chiếc xe này. Tuy nhiên, mẹ cần nhớ luôn dõi theo con trong lúc đẩy xe để bé tránh bị té ngã.
  • Cho bé chơi xếp khối: Bé 14 tháng tuổi bắt đầu học xây một tòa tháp có hai khối trở lên.
  • Phân loại các hình dạng: Mẹ nên cho trẻ 14 tháng tuổi ghép các hình dạng như tam giác, hình chữ nhật, hình tròn,… vào các lỗ phù hợp của các món đồ chơi để giúp bé phát triển trí não.
  • Chơi bóng với bé: Mẹ có thể rèn luyện khả năng nhìn của bé bằng cách lăn quả bóng tới lui để bé theo dõi chuyển động của bóng bằng mắt.
  • Đặt câu hỏi lựa chọn: Để tăng vốn từ cho trẻ, mẹ nên đặt những câu hỏi có sự lựa chọn cho bé như: “Con muốn ăn chuối hay ăn dâu tây?”.
  • Đọc sách cùng bé: Nếu con muốn lật trang sách mới trước khi bạn đọc xong trang hiện tại thì không thành vấn đề vì bé vẫn đang học bằng cách xem các hình ảnh trong sách và nói về chúng.

3. Cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ 14 tháng tuổi

a. Trẻ 14 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Hầu hết trẻ từ 1-2 tuổi ngủ tổng cộng 11 đến 14 giờ mỗi ngày, một giấc ngủ dài ban đêm và một hoặc hai giấc ngủ ngắn ban ngày.

b. Thụt lùi về giấc ngủ ở trẻ 14 tháng tuổi (sleep regression)

Thụt lùi về giấc ngủ hay khủng hoảng giấc ngủ khiến bé thức giấc giữa đêm, quấy khóc hoặc khó ngủ ngon và hay giật mình. Thậm chí, ban ngày bé ngủ ít hoặc bỏ giấc.

Điều này xảy ra là do bé dễ gặp ác mộng, bị đau khi mọc răng hay có cảm giác lo lắng khi phải xa ba mẹ. Nếu muốn bé trở lại thói quen ngủ hàng ngày, ba mẹ cần biết nguyên nhân tại sao bé bị khó ngủ để giúp bé giải quyết gốc rễ vấn đề.

c. Làm gì khi bé khó ngủ?

Nếu bé khó ngủ, không chịu ngủ vào giờ đi ngủ hoặc vào ban đêm, điều duy nhất bạn có thể làm là học cách giúp bé ngủ ngon. Ba mẹ hãy tạo ra nhiều cơ hội trong ngày để bé vui chơi tích cực, đồng thời cho bé ăn những thực phẩm giúp dễ ngủ để bé thiết lập thói quen trước khi đi ngủ. Đồng thời, bạn cũng không nên cho bé xem tivi, điện thoại, các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.

4. Cách giữ an toàn cho trẻ

Trẻ trở nên năng động hơn khi con biết đi. Vì thế, điều quan trọng là mẹ luôn cần nắm tay con và để mắt đến bé, đặc biệt là khi bé đi chơi xa cùng ba mẹ để con tránh tình trạng bị lạc.

Mẹ cần để mắt khi đi cùng bé vào trong siêu thị, bãi đậu xe, nơi đông người hay đường phố có nhiều xe qua lại. Mẹ cũng cần cẩn thận những chỗ vũng nước kẻo bé trượt chân té ngã.

Mẹ cũng cần cho bé biết mình phải nắm tay con bởi mong muốn đảm bảo sự an toàn cho con.

Ngoài ra, việc lắp thêm khóa cho cửa ra vào hoặc thậm chí cả hệ thống báo động ở cổng nhà cũng cần được ưu tiên, để đảm bảo trẻ không ra khỏi nhà mà bạn không biết.

5. Để ý xem trẻ có dấu hiệu tự kỷ không

Để ý xem trẻ có dấu hiệu tự kỷ không

Mối quan tâm chung của các bậc phụ huynh có con mới biết đi là liệu bé có mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) hay không, vì chứng tự kỷ có thể rõ ràng trong những năm trẻ mới biết đi và học mẫu giáo.

Trẻ tự kỷ có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội và hành vi không điển hình. Bên cạnh đó, bé có thể không đạt được các cột mốc quan trọng ở độ tuổi này như những em bé khác, hoặc con có thể mất một số kỹ năng mà bé đã đạt được trước đó.

Bác sĩ nhi khoa sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi để đánh giá các dấu hiệu tự kỷ trong đợt kiểm tra sức khỏe cho trẻ 18 tháng. Tuy nhiên, nếu bạn có mối lo ngại về biểu hiện của trẻ 14 tháng tuổi thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.

Lời khuyên của bác sĩ để trẻ 14 tháng tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý đối với bé

Khi trẻ 14 tháng tuổi bị ốm, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để tìm ra cách điều trị tốt nhất cho trẻ. Một số câu hỏi phổ biến về sức khỏe mà mẹ thường gặp ở độ tuổi này là:

Nên làm gì khi bé 14 tháng tuổi bị sốt?

Khi xác định trẻ bị sốt cha mẹ nên có những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ đúng cách:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt, hoặc chỉ cần cởi bớt quần áo, theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ và cho trẻ uống nhiều nước.
  • Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi vượt 38.5 độ C.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng 5 chiếc khăn ướt nhỏ: 4 khăn ướt đặt hai bên nách và hai bên bẹn, một khăn dùng để lau khắp người. Thay mỗi lần sau 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ của trẻ dưới 38,5 độ C hoặc sau khi đã lau 30 phút.
  • Lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Cha mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm. Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt của trẻ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc nước điện giải oresol pha theo hướng dẫn để phòng ngừa trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải gây mệt mỏi.

Cần cho trẻ bị sốt đi khám bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu có các biểu hiện sau:

  • Sốt trên 38 độ C, trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức trẻ.
  • Sốt trên 40 độ C ( nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi).
  • Trẻ đau khi đi tiểu.
  • Sốt liên tục trên 24 giờ mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Hạ sốt hơn 24 giờ rồi lại sốt tái phát.
  • Sốt kéo dài trên 72 giờ do bất kỳ nguyên nhân nào.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: 21 chiêu hay giúp mẹ hạ sốt nhanh cho trẻ mà không cần thuốc

>> Nên làm gì khi trẻ 14 tháng tuổi bị tiêu chảy? Mẹ có thể tìm hiểu thêm tại đây.

>> Nên làm gì khi bé 14 tháng tuổi bị nôn trớ? Cách xử lý cho mẹ

2. Cách mẹ chăm sóc bản thân

Ngoài việc hiểu thêm về trẻ 14 tháng tuổi, mẹ cũng cần biết về cách chăm sóc cho chính mình:

  • Vận động cơ thể: Mẹ hãy cố gắng duy trì vận động thể chất một cách nhất quán, ít nhất tập từ 3 đến 4 lần trong tuần; với thời gian cho mỗi lần tập ít nhất là 30 phút.
  • Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh cung cấp năng lượng cho cơ thể của mẹ. Mẹ hãy dành vài phút để lên kế hoạch về những thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh mỗi tuần để có thể tạo ra những bữa ăn nhanh chóng, lành mạnh và dễ dàng.
  • Duy trì sự kết nối: Đừng để lịch trình bận rộn vắt kiệt thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Hãy cố gắng lên lịch để kết nối thường xuyên với bạn đời hoặc bạn bè.
  • Chăm sóc sức khỏe: Mẹ sẽ không để con mình bỏ lỡ lần khám sức khỏe định kỳ hàng năm — vì vậy đừng để sức khỏe của chính mình sa sút! Hãy lên lịch kiểm tra sức khỏe hàng năm, làm các xét nghiệm thích hợp, tiêm phòng cúm và kiểm tra thị lực. Và đến nha sĩ để khám và làm sạch răng hàng năm.
  • Ưu tiên giấc ngủ: Các bà mẹ thường bị cuốn vào tâm lý “làm xong việc trước khi trẻ thức dậy”. Nhưng các bà mẹ không nên bỏ qua giấc ngủ. Hãy tránh xa thức ăn, rượu, những cuộc trò chuyện gây khó chịu về mặt cảm xúc và các chất kích thích trước thời gian ngủ.
  • Giữ kết nối với chính mình: Là một người mẹ, thật dễ dàng để đánh mất bản thân trong những thói quen của cuộc sống gia đình: giặt là, chuẩn bị bữa ăn, thanh toán hóa đơn, dọn dẹp, v.v. Hãy để lại một phần cho bản thân, hãy theo đuổi sở thích. Chúng ta luôn phát triển trong suốt cuộc đời của mình và duy trì kết nối với những đam mê là điều giúp chúng ta sống trọn vẹn và vui vẻ.

Trẻ 14 tháng tuổi đã bắt đầu tự lập hơn trong việc ăn uống. Vì vậy, mẹ nên để ý hơn tới chế độ ăn uống của con. Giai đoạn này bé cũng nghịch ngợm hơn nên dễ bị chấn thương mẹ nhé.

Hoa Vũ

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

 1. Your Child’s Development: 14 Months

https://kidshealth.org/en/parents/development-14mos.html

Ngày truy cập: 26.7.2021

2. Development milestones – your child 12 to 18 months

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/development-milestones-12-to-18-months

Ngày truy cập: 26.7.2021

3. Baby talk: speech development from 12-18 months

https://www.nct.org.uk/baby-toddler/learning-talk-and-communication-your-baby/baby-talk-speech-development-12-18-months

Ngày truy cập: 26.7.2021

4. 12-15 months: toddler development

https://raisingchildren.net.au/toddlers/development/development-tracker-1-3-years/12-15-months

Ngày truy cập: 26.7.2021

5. Eighteen-Month-Olds, but not 14-Month-Olds

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4657481/

Ngày truy cập: 26.7.2021

x