Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Nguyên Hà
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Bùi Nguyễn Ngọc Vy
Cập nhật 17/02/2023

Hướng dẫn cho con bú đúng cách và tư thế cho con bú đúng cách không sặc

Hướng dẫn cho con bú đúng cách và tư thế cho con bú đúng cách không sặc
Lâu nay ai cũng nghĩ cách cho con bú là điều hết sức đơn giản. Trên thực thế, theo bản năng, người mẹ nào cũng sẽ biết cách cho trẻ sơ sinh bú. Tuy nhiên vấn đề làm sao để biết được tư thế cho con bú đúng cách, cách cho con bú không bị sặc... thì mẹ cần tìm hiểu kỹ hơn.

Cho con bú đúng cách như thế nào? Cách cho trẻ sơ sinh bú mẹ không bị sặc ra sao? Không phải ai cũng biết cách cho con bú đúng cách và tư thế cho con bú đúng cách khi mới lần đầu làm mẹ, nếu bạn đang thắc mắc vấn đề này thì hãy tham khảo bài viết này nhé!

1. Vì sao cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng từ đạm, chất béo và khoáng chất, đặc biệt sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. Sữa mẹ không có các thành phần protein lạ nên sẽ không gây dị ứng cho trẻ.

Chính vì thế, các bé được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, còi xương hơn và thường có sức đề kháng tốt hơn so với những đứa trẻ khác.

Sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú ngay để trẻ được tận hưởng dòng sữa non đầu đời giàu dinh dưỡng. Theo các bác sĩ chuyên khoa mẹ và bé, nếu cho bé bú không đúng cách có thể gây khó chịu cho cả hai mẹ con; bé có thể quấy khóc vì không uống được hoặc uống rất ít sữa mẹ; mẹ thì có thể bị căng sữa, đau rát đầu vú, và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa.

Chính vì vậy, mẹ nên chọn tư thế cho con bú đúng cách và phù hợp để cả hai mẹ con cùng được thoải mái. Với những mẹ mới sinh chưa có nhiều sữa về hoặc trong thời gian mang thai hay bị căng thẳng dẫn đến tình trạng thiếu sữa, tắc tia sữa…. nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hậu quả không đáng có.

>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có chuyện gì nguy hiểm không?

2. Cho con bú đúng cách như thế nào?

Làm mẹ khó đấy, chẳng phải đâu chuyện đùa và cách cho con bú đúng cách cũng vậy, đó là cả quá trình mẹ cần học. Vậy cách cho con bú đúng cách như thế nào, bạn hãy tìm hiểu ngay nhé.

2.1 Giữ trẻ và bế trẻ đúng cách

Mẹ hãy chọn cho mình một vị trí ngồi thoải mái để cho trẻ bú. Đỡ trẻ để toàn bộp thân bé được nâng đỡ, bé hoàn toàn hướng mặt về phía bạn.Bụng bé áp sát vào bụng mẹ. Nâng cằm bé chạm vào ngực, mũi không bị chặn, và đầu hơi ngả về sau. Mũi bé đối diện núm vú. Tai, vai và hông trẻ trên một đường thẳng.

2.2 Khuyến khích trẻ há miệng

Áp cằm bé vào ngực và chà xát môi trên và mũi bằng núm vú để khuyến khích trẻ mở rộng miệng.

2.3 Ngậm núm

Khi trẻ đã mở rộng miệng, hướng núm vú về vòm miệng. Bé sẽ ngậm núm và phần lớn nhũ hoa (phần sẫm màu quanh núm vú) trong miệng. Phần nhũ hoa lộ ra bên trên miệng sẽ nhiều hơn bên dưới miệng.

2.4 Kiểm tra tư thế ngậm núm

Mẹ nên nghĩ về cảm giác khi trẻ bắt đầu bú. Có đau không? Kéo trẻ lại gần một chút thì sao? Còn đau không? Nếu còn, nhẹ nhàng đưa trẻ ra và bắt đầu lại. Trẻ sẽ lấy sữa nhờ sự kết hợp của động tác mút và tạo áp suất ngậm trong miệng. Khi sữa bắt đầu chảy, bạn sẽ thấy động tác mút/nuốt của trẻ nhịp nhàng hơn.

2.5 Tiếp tục cho bú

Trẻ sẽ mút nhanh lúc đầu và chậm dần về sau. Trẻ nhỏ thường sẽ ngủ quên trước khi bú no. Thay tã cho trẻ trong khi bú thường sẽ có tác dụng nhắc nhở trẻ chưa bú xong.

2.6 Kết thúc quá trình cách cho con bú đúng cách

cách cho con bú 6
Trong tuần đầu tiên, bé có thể bú 7-12 lần một ngày, và điều này hết sức bình thường

Thông thường, trẻ sẽ tự ngưng bú và nhả ra. Nếu muốn ngưng cho trẻ bú, mẹ có thể nhẹ nhàng thò ngón út vào khóe miệng bé để làm ngưng động tác mút của bé. Bé sẽ sớm cho bạn biết là mình còn đói hay không.

Khi trẻ đã bú xong, cả hai mẹ con có thể đã sẵn sàng cho một giấc ngủ dài. Trẻ sơ sinh có thể bú suốt một giờ trong mỗi lần bú, nhưng khi lớn lên, bé có thể thỏa mãn cơn đói của mình chỉ trong khoảng 10 phút.

Nhiều trẻ có thời kỳ “quấy khóc” và trong thời gian này bé có thể muốn được bú nhiều hay ít lần hơn bình thường. Quan trọng vẫn là cách cho bé bú đúng cách thôi mẹ nhé!

3. Tư thế cho con bú đúng cách không bị sặc

Dưới đây là một số tư thế cho con bú đúng cách được nhiều mẹ áp dụng. Chị em có thể chọn một cách phù hợp và thoải mái nhất để cho con bú

3.1 Kiểu bế ngang cho con bú đúng cách

Bế ngang là một tư thế cho con bú đúng cách. Có nhiều tư thế cho con bú các mẹ có thể lựa chọn. Trong đó, bế ngang là tư thế phù hợp nhất vào những ngày đầu cách cho trẻ con sơ sinh bú đúng cách. Người mẹ ngồi thoải mái trên ghế có chỗ để tay.

Bé nằm ngang, cong người lại, xuôi theo chiều cánh tay đỡ của mẹ. Cả thân hình và phần đầu của bé nằm trong cánh tay, lòng bàn tay mẹ. Tránh gập hoặc duỗi thẳng người bé quá mức.

>>> Bạn có thể tham khảo: Cho con bú bên to bên nhỏ phải làm sao? Mẹo để vòng 1 cân đối và săn chắc

3.2 Tư thế cho con bú đúng cách: Kiểu ru ngủ

Cánh tay đỡ đầu con trùng với chiều của bên ngực cho con bú. Người mẹ nên ngồi thoải mái trên một chiếc ghế, có tay vịn. Để đầu của con vào chỗ khuỷu tay của mẹ. Có thể đặt thêm mọt chiếc gối ở tay để hỗ trợ. Đây là cách bế trẻ sơ sinh cho bú được nhiều mẹ áp dụng nhất.

3.3 Tư thế cho con bú đúng cách cho mẹ sinh mổ

Giữ con ở một bên ngực của mẹ sao cho khuỷu tay mẹ gập lại làm điểm tựa. Lòng bàn tay mẹ mở ra giữ đầu và cổ của bè hướng vào ngực mẹ. Muốn thoải mái hơn, thử đặt một chiếc gối và lòng mẹ.

3.4 Cách nằm cho bé con bú đúng cách

Người mẹ nằm nghiêng một bên, hướng mặt bé vào bầu ngực mẹ. Khi bé đã ngậm vú đúng cách, kê gối lên đầu để tạo tư thế thoải mái hơn cho bé khi bú.

3.5 Tư thế cho trẻ bú đúng cách: Tư thế giữ Koala

Với tư thế này mẹ sẽ ngồi thẳng, đặt bé ngồi trên đầu gối, điều chỉnh ngực vừa tầm với miệng bé, dùng đầu gối làm điểm tựa và hai tay của mẹ sẽ giữ người bé. Tư thế cho trẻ sơ sinh bú đúng cách này hỗ trợ khi người mẹ bị nhức mỏi tay, không thể dùng nhiều lực để giữ bé. Đây là tư thế mô phỏng theo cách gấu Koala cho con bú.

tư thế bú mẹ đúng cách cho trẻ sơ sinh
4 tư thế cho con bú đúng cách bằng hình ảnh

4. Cách cho trẻ sơ sinh bú không bị sặc

Đa phần các trường hợp bé bị sặc sữa là do mẹ chưa biết cho con bú đúng cách hoặc bú sai tư thế. Để hạn chế tối đa việc bé bị sặc sữa thì mẹ nên lưu ý những điểm sau:

  • Bước 1: Đặt con nằm trọn vào lòng mẹ
  • Bước 2: Cho con nằm nghiêng khoảng 30 – 45 độ so với lưng mẹ và tuyệt đối không cho bé bú trong tư thế nằm ngửa hoặc khi bé đang ngủ
  • Bước 3: Mẹ cho bé ngậm hết quầng ti, đầu hơi ngửa, lưỡi và môi dưới của bé đặt dưới đầu ti.
  • Bước 4: Mẹ đặt hai ngón tay trỏ và ngón cái kẹp đầu ti ở giữa để kiểm soát dòng sữa, nhất là với các mẹ cho con bú trực tiếp.

Đối với các bé bú bình thì mẹ nên tìm mua loại bình sữa có miếng chặn sữa để đảm bảo lượng sữa cho trẻ sơ sinh không ra quá nhiều so với sức bú của bé.

5. Dấu hiệu mẹ đã cho con bú đúng cách

  • Trẻ ngậm bắt vú đúng: miệng trẻ ngậm bắt vú thì môi dưới hướng ra ngoài, núm vú phải hoàn toàn trong miệng (hai hàm của bé cặp vào phần phía trên vú chứ không phải chỉ ở núm vú), lưỡi chụm quanh đầu vú, má chụm tròn, quầng vú còn lại ở phía trên nhiều hơn phía dưới.
  • Tư thế cho bú đúng: Dấu hiệu cho con bú đúng cách đó là đầu và thân trẻ ở trên cùng một đường thẳng; mặt trẻ đối diện với vú và môi trẻ đối diện với núm vú, thân trẻ sát người mẹ, toàn bộ người trẻ được nâng đỡ.
  • Trẻ bú có hiệu quả, mẹ cho con bú đúng cách là khi: trẻ nuốt chậm, sâu, thỉnh thoảng dừng lại rồi bú tiếp, có thể nhìn hoặc nghe thấy tiếng trẻ nuốt. Bú hết sữa ở một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia và ngược lại ở lần bú sau. Mẹ không nên rứt ti ra khi trẻ vẫn muốn bú. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn hay uống bất kỳ thức ăn thay thế nào, kể cả nước lọc để trẻ phát triển tối ưu.

6. Dấu hiệu bé đã bú đủ

Với những bà mẹ trẻ khi sinh con lần đầu thì chuyện nhận biết bé đã bú đủ no hay chưa là một chuyện không hề đơn giản? Tuy nhiên, mẹ chỉ cần chịu khó quan sát một vài dấu hiệu dưới đây sẽ biết ngay con có bú đủ hay không.

  • Sau mỗi lần bú, bầu ngực của mẹ trở nên mềm hơn.
  • Trẻ đi ngoài với phân có màu vàng, mềm.
  • Đi tiểu đều đặn, nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, không có mùi hôi. Điều này chứng tỏ bé đã nhận đủ sữa.
  • Con bạn sẽ thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú.
  • Cân nặng của bé sẽ tăng lên một cách đều đặn sau khoảng 2 tuần đầu tiên.

7. Vấn đề thường gặp khi tập cho bé bú mẹ đúng cách

Khi cho con bú đúng cách, mẹ sẽ gặp những vấn đề như đau núm vú, căng sữa, viêm vú… Mỗi trường hợp sẽ có một cách xử lý riêng mẹ đừng lo nhiều nhé!

7.1 Đau núm vú

Nếu núm vú nhìn như bị kẹp hoặc bị biến dạng khi bé bú xong, điều này có nghĩa trẻ ngậm vú chưa đủ sâu.

Trong trường hợp này, mẹ nên khuyến khích trẻ mở rộng miệng bằng cách cọ xát khu vực giữa mũi và môi trên bằng núm vú. Hướng cơ thể bé về phía mẹ, và áp cằm vào ngực mẹ.

>> Mẹ có thể xem thêm: Uống bia với sữa ông thọ, thức uống lợi sữa thần kỳ của mẹ sau sinh

7.2 Căng sữa

Đây là khi ngực bạn quá đầy và có cảm giác cứng và đau. Căng sữa cũng có thể khiến cho núm vú bị bẹp khiến cho bé khó có thể ngậm được.

Mẹ có thể nặn một ít sữa quanh chân núm, xoa bóp ngực nhẹ nhàng, chườm nóng trước khi cho bú và chườm lạnh sau khi bú cho đỡ khó chịu.

Có thể tránh căng sữa bằng cách cho con trẻ bú đúng cách theo nhu cầu.

tắc sữa
Nếu bị căng đau tức ngực do tắc sữa, mẹ có thể massage nhẹ nhàng thoát tia sữa

7.3 Tắc sữa

Bạn có thể cảm thấy đau nhói và thấy một chỗ lồi hay mảng đỏ trên ngực. Mẹ nên tiếp tục cho bú từ bên ngực bị ảnh hưởng và nhẹ nhàng mát-xa về phía núm vú đang cho bú. Chườm nóng vào chỗ bị ảnh hưởng cũng có thể giúp đỡ phần nào.

7.4 Viêm vú

Viêm vú là sự nhiễm trùng của ống dẫn sữa bị tắc. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc chống viêm hoặc kháng sinh.

Điều quan trọng là phải để sữa tiếp tục di chuyển qua phần ngực đó bằng cách cho bú hoặc nặn. Thuốc trị viêm vú không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.

Cách cho con bú đúng cách tìm hiểu thì có vẻ như hơi phức tạp nhưng đó chỉ là những bỡ ngỡ ban đầu thôi mẹ ạ! Một vài lần mẹ và bé cũng sẽ quen, lâu dần thành thói quen mà chẳng cần phải nhớ từng bước.

>> Mẹ có thể xem thêm: Cách cai sữa cho bé: Mẹo cai sữa đêm cho trẻ 1-2 tuổi dễ dàng

8. Cho con bú đúng cách: Mẹ nên ăn thực phẩm gì?

Dinh dưỡng kém, mệt mỏi, lo âu đều là những nhân tố ảnh hưởng đến nguồn sữa. Mẹ cần phải biết ăn gì để nhiều sữa nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Trong đó, thực đơn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Nếu khó có thời gian cho những bữa ăn đầy đủ, mẹ nên tăng cường các loại thức ăn vặt giàu năng lượng như các loại hạt, đậu, trái cây tươi hay ngũ cốc ăn sáng tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, các mẹ cũng nên chú ý bổ sung nước cho cơ thể. Luôn để một bình nước trong tầm tay khi đang cho con bú đúng cách.

cách cho con bú 7
Mẹ đang cho con bú cần hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh và thức uống kích thích như trà cafe

Để cho con bú đúng cách, mẹ cũng nên tránh các loại thức ăn nhanh, thực phẩm gây khó tiêu, rượu, bia và thuốc lá. Đối với những mẹ lỡ “nghiện” trà và cà phê, thỉnh thoảng có thể nhâm nhi một chút, nhưng không quá nhiều mẹ nhé!

Theo nghiên cứu, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với cà phê. Thậm chí một số nhóc có thể trở nên cáu kỉnh và mất ngủ chỉ với một lượng nhỏ cà phê.

Thêm một lưu ý quan trọng sau khi cho con bú đúng cách nữa là hãy để đầu ti khô một cách tự nhiên. Nếu mẹ đang vội, hãy lau khô đầu ti thật nhẹ nhàng. Để đầu ti khô ráo mỗi lần cho con bú, hãy thay áo lót thường xuyên.

Khi mẹ tắm, không nên thoa xà phòng thơm, sữa tắm vào đầu ti. Nếu đầu ti quá khô hoặc bị nẻ, có thể dùng dầu thoa có chứa lanolin, hoặc một số loại dầu ôliu lên đầu ti.

>> Mẹ có thể xem thêm: Phụ nữ cho con bú có được uống nước dừa không?

Cho bé bú đúng cách sẽ giúp con khỏe mạnh, lớn nhanh và thậm chí là ngủ ngon giấc. Hi vọng thông tin này sẽ giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm để chăm sóc con.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Breastfeeding positions
https://www.nhs.uk/start4life/baby/feeding-your-baby/breastfeeding/how-to-breastfeed/breastfeeding-positions/
Truy cập ngày: 15/02/2023

2. Breastfeeding positions: in pictures
https://raisingchildren.net.au/newborns/breastfeeding-bottle-feeding/how-to-breastfeed/breastfeeding-positions-pictures
Truy cập ngày: 15/02/2023

3. Breast-feeding positions
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/multimedia/breast-feeding/sls-20076017
Truy cập ngày: 15/02/2023

4. Positions For Breastfeeding
https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Positioning-Your-Baby-For-Breastfeeding.aspx
Truy cập ngày: 15/02/2023

5. Breastfeeding practices: Positioning, attachment (latch-on) and effective suckling
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3159232/
Truy cập ngày: 15/02/2023

 

x