Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Linh Hồ
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hoàng Công Hải
Cập nhật 18/01/2022

Biểu đồ chuyển dạ và những điều mẹ bầu cần biết trước khi sinh

Biểu đồ chuyển dạ và những điều mẹ bầu cần biết trước khi sinh
Mẹ đã từng nghe tới thuật ngữ biểu đồ chuyển dạ, cụ thể nó là gì? Cùng tìm hiểu ngay về biểu đồ chuyển dạ và những điều mẹ bầu cần biết trước khi sinh nhé!

Tất cả những trường hợp chuyển dạ có tiên lượng đẻ thường qua đường âm đạo sẽ được bác sĩ sản khoa theo dõi trên biểu đồ chuyển dạ. Vậy, biểu đồ chuyển dạ sẽ gồm những thông số gì và với mục đích ra sao? Tất cả những thông tin liên quan về vấn đề này sẽ có ở bài viết sau của MarryBaby.

Biểu đồ chuyển dạ là gì?

Biểu đồ chuyển dạ là một phương tiện rất quan trọng nhằm theo dõi diễn biến của cuộc chuyển dạ. Nói cụ thể, đó là bảng ghi lại tiến triển của cuộc chuyển dạ theo thời gian bằng các ký hiệu đã được quy định.

Theo dõi biểu đồ chuyển dạ, nhân viên y tế sẽ đánh giá được tình trạng của mẹ, bé và tiến triển của một cuộc chuyển dạ. Biểu đồ chuyển dạ được xem như hệ thống báo động sớm giúp cho các nhân viên y tế, bác sĩ biết biết khi nào cần can thiệp và kết thúc cuộc chuyển dạ đúng lúc.

Đối với tuyến y tế cơ sở, biểu đồ chuyển dạ giúp nhận biết khi nào mẹ bầu cần phải được chuyển tuyến. Nhờ đó, biểu đồ chuyển dạ có thể giảm được những tai biến không may xảy ra cho bà mẹ và thai nhi.

Biểu đồ chuyển dạ dành cho trường hợp mẹ bầu được tiên lượng là có đủ khả năng để sinh thường qua đường âm đạo.

biểu đồ chuyển dạ

Những trường hợp không ghi biểu đồ chuyển dạ:

– Ra máu trước đẻ

– Tiền sản giật nặng hoặc sản giật

– Thai suy yếu

– Có vết mổ cũ

– Thiếu máu hoặc đa thai

– Ngôi thai bất thường

– Sinh quá non

Những điều cần theo dõi trong một cuộc chuyển dạ

Theo dõi cuộc chuyển dạ đẻ thường là một quá trình bao gồm toàn bộ các thăm khám và xử trí cuộc chuyển dạ với 6 nhóm chỉ số như trong sơ đồ chuyển dạ.

6 nhóm chỉ số bao gồm:

  • Các dấu hiệu toàn thân
  • Cơn co tử cung
  • Nhịp tim thai
  • Tình trạng ối
  • Xóa mở cổ tử cung
  • Tiến triển của ngôi thai

Các biến chứng cần phải được dự đoán trước và có biện pháp xử lý kịp thời.

Mẫu biểu đồ chuyển dạ của Bộ Y tế

1. Thời điểm bắt đầu ghi biểu đồ chuyển dạ

Biểu đồ chuyển dạ được ghi khi có 2 cơn co tử cung trong 10 phút, mỗi cơn kéo dài ít nhất 20 giây. Tuy nhiên biểu đồ chuyển dạ không có chỗ để ghi các diễn biến đặc biệt. Ví dụ mẹ bầu đột nhiên ra máu ồ ạt, hạ huyết áp, co giật… Diễn biến đó sẽ được ghi trong bệnh án để chỉ định điều trị hoặc mời hội chẩn.

– Thời điểm bắt đầu ghi trên phần thủ tục của biểu đồ phải ghi đúng theo giờ, phút trong ngày nhưng khi theo dõi trên biểu đồ thì giờ đầu tiên theo dõi được làm “tròn số”. Ví dụ sản phụ Mai vào viện đã chuyển dạ thật lúc 14 giờ 15 thì ghi 14 giờ, nếu mẹ bầu khác chuyển dạ lúc 15 giờ 40 phút thì ghi tròn số thành 16 giờ.

biểu đồ chuyển dạ

2. Nội dung của biểu đồ chuyển dạ

Đối với tuyến y tế cơ sở, sơ đồ chuyển dạ chỉ áp dụng cho những trường hợp mẹ bầu không có nguy cơ cao, và được tiên lượng có thể sinh thường bằng đường âm đạo. Còn đối với những trường hợp có nguy cơ cao hoặc không thể sinh thường phải chuyển ngay đến bệnh viện (chuyển tuyến trên).

>>> Bạn có thể tham khảo: Sinh mổ lần 2 có nên chờ chuyển dạ không?

Nội dung của biểu đồ chuyển dạ mới nhất gồm 3 thành phần chính: Tình trạng thai, tình trạng mẹ và diễn tiến chuyển dạ.

♦ Tình trạng thai

Ghi nhận về tình trạng thai được đặt ngay trên đồ thị mở cổ tử cung, bao gồm:

+ Nhịp tim thai: Thai nhi sẽ được theo dõi sát sao về nhịp tim. Phần này có hai đường kẻ đậm ở 120 lần/phút – 160 lần/phút để chỉ rõ giới hạn bình thường của tim thai trong khoảng này. Đây là cách theo dõi an toàn và đáng tin cậy để biết được tình trạng thai nhi.

+ Màng ối, nước ối: Ghi nhận tình trạng màng ối còn không hay đã vỡ, màu sắc nước ối như thế nào, lượng ối nhiều hay ít.

+ Xương sọ: Sự chồng khớp (uốn khuôn) của đầu thai nhi trong tiểu khung người mẹ.

♦ Diễn tiến của chuyển dạ

Diễn tiến chuyển dạ sẽ ghi đồ thị cổ tử cung, gồm hai phần:

– Pha tiềm ẩn: Từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở 3cm, chỉ kéo dài từ 0 – 8 giờ (pha tiềm ẩn không kéo dài quá 8 giờ). Đường ngang ở pha tiềm ẩn được kẻ đậm.

– Pha tích cực: Bắt đầu khi cổ tử cung mở từ 3cm đến khi mở hết. Có hai đường chéo được vẽ đậm trong pha này: đó là đường báo động và đường hành động. Đường báo động đi từ 8 giờ – 15 giờ (tương ứng độ mở cổ tử cung 3 – 10cm và xóa hoàn toàn), tốc độ mở cổ tử cung tối thiểu là 1cm/giờ và đường hành động được vẽ bên phải song song đường báo động 4 giờ. Nếu đồ thị mở cổ tử cung chạm hoặc vượt quá đường báo động là mẹ bầu có chuyển dạ bất thường cần phải được can thiệp.

+ Độ lọt: Các bác sĩ sẽ đánh giá độ lọt của thai nhi bằng cách nắn đầu qua thành bụng. Phần này được vẽ trên cùng phần đồ thị mở cổ tử cung và đường biểu diễn bình thường đi xuống dần.

+ Diễn tiến cuộc chuyển dạ: Theo diễn biến của cuộc chuyển dạ, đồ thị mở cổ tử cung sẽ là một đường đi dần lên. Nếu cuộc chuyển dạ tiến triển tốt thì cổ tử cung của người mẹ phải mở tương xứng với độ lọt của đầu thai nhi.

+ Cơn co tử cung: Cơn co phải được ghi nhận về tần số, cường độ và thời gian co.

biểu đồ chuyển dạ

♦ Tình trạng mẹ

Những ghi nhận về tình trạng mẹ, sẽ bao gồm các yếu tố sau:

– Mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể: Các yếu tố ấy có nằm trong độ an toàn hay không

– Nước tiểu: Phân tích về thể tích, protein, acetone

– Thuốc và dịch truyền: Yếu tố này được ghi lại ở dưới phần ghi cơn co tử cung. Mục này cho phép nhân viên y tế theo dõi được các thuốc và dịch truyền đã sử dụng trong chuyển dạ.

Nhận biết chuyển dạ bình thường, bất thường qua sử dụng biểu đồ chuyển dạ

Trên cơ sở biểu đồ chuyển dạ, các nhân viên y tế có thể biết được lúc nào mẹ bầu có thể chuyển dạ bình thường và lúc nào là bất thường.

Chuyển dạ bình thường

Mẹ bầu được coi là chuyển dạ bình thường khi:

+ Pha tiềm ẩn không kéo dài quá 8 giờ (cổ tử cung mở 3cm trong vòng 8 giờ)

+ Ở pha tích cực, đồ thị mở cổ tử cung không giao với đường báo động, tức là đảm bảo tốc độ mở cổ tử cung > 1cm/giờ.

>>> Bạn có thể tham khảo: 3 cách chuyển dạ nhanh, ít đau khi sinh thường

Chuyển dạ bất thường

Trong trường hợp sau được gọi là chuyển dạ bất thường:

– Khi pha tiềm ẩn kéo dài quá 8 giờ: Đồ thị mở cổ tử cung di chuyển sang bên phải và cắt đường báo động. Lúc này chuyển dạ có nguy cơ kéo dài. Ở tuyến y tế cơ sở cần chuyển đến bệnh viện có cơ sở phẫu thuật. Cần đánh giá lại thật sự mẹ bầu đã chuyển dạ chưa, cơn co tử cung có hiệu quả không,…

– Khi pha tiềm ẩn vượt qua đường hành động tức là chuyển dạ kéo dài, khi đó cần đánh giá các yếu tố liên quan đến chuyển dạ, can thiệp để cải thiện cơn co tử cung, và bấm ối.

– Khi pha tích cực có tốc độ mở cổ tử cung dưới 1cm/giờ, hoặc tiến đến đường báo động, mẹ bầu cần được chuyển đến tuyến có cơ sở phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố liên quan chuyển dạ, tìm ra nguyên nhân và can thiệp để chuyển dạ thuận lợi, hoặc quyết định mổ đẻ.

– Các bất thường khác trong chuyển dạ như thai suy, ối có màu, mất máu,… bác sĩ sẽ chuyển mẹ bầu lên tuyến trên và theo dõi, xử lí theo từng nguyên nhân.

Chuyển dạ là một khó khăn mà mẹ bầu phải đối diện và trải qua để chào đón những thiên thần nhỏ sau 9 tháng 10 ngày trông mong, khó khăn này chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và bé. Vì vậy vai trò của biểu đồ chuyển dạ là rất lớn để giúp bác sĩ có thể nhận biết sớm các bất thường của mẹ bầu và thai nhi, từ đó can thiệp kịp thời, mang lại bình an cho cả mẹ và bé.

Tóm lại, biểu đồ chuyển dạ rất quan trọng trong y khoa. Thông qua sơ đồ chuyển dạ, mẹ bầu được theo dõi, đánh giá sát sao và có hướng can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng xấu tới mẹ và bé.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Stages of labor and birth: Baby, it’s time!
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/stages-of-labor/art-20046545
Truy cập ngày 19/12/2021

2. The stages of labour and birth
https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/the-stages-of-labour-and-birth/
Truy cập ngày 19/12/2021

3. Stages of Labor
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544290/
Truy cập ngày 19/12/2021

4. Contraction Timer & Calculator For Labor Pains
https://www.momjunction.com/contraction-calculator/
Truy cập ngày 19/12/2021

5. Medical Care During Pregnancy
https://kidshealth.org/en/parents/medical-care-pregnancy.html
Truy cập ngày 19/12/2021

x