Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Thanh Thảo
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 07/07/2016

8 lý do để bố mẹ đừng bao giờ đánh đòn con

8 lý do để bố mẹ đừng bao giờ đánh đòn con
Dạy con ngoan mà không đòn roi là một trong những mục tiêu quan trọng mà các bậc cha mẹ hiện đại hướng tới. Và các chuyên gia hoàn toàn ủng hộ quan điểm này khi đưa ra 10 lý do vì sao không nên đánh đòn các con

1. Đánh đòn tạo nên một tấm gương xấu

Việc bố mẹ thường xuyên đánh đòn con cái sẽ tạo thành một thói quen xấu trong cách hành xử giữa những thành viên trong gia đình. Sẽ ra sao nếu một ngày bạn nhìn thấy đứa con lớn chưa đầy 4 tuổi của mình đang đánh đứa nhỏ và hồn nhiên giải thích rằng: “Con làm giống mẹ mà”. Thật nguy hiểm khi các bố mẹ phạm sai lầm trong cách làm cha mẹ của mình. Vì trẻ nhỏ luôn có khuynh hướng bắt chước người mà chúng kính trọng nhất. Hãy thật cẩn trọng, vì bố mẹ đang nuôi dạy những người trong tương lai sẽ trở thành ông bố, bà mẹ, những người vợ, người chồng. Và nếu bạn đang dùng “bạo lực” thì trong tương lai, các con của bạn cũng sẽ “bạo lực” hệt như thế với các con của mình.

Việc đánh đòn con làm cho trẻ thấy rằng mình có quyền được đánh người khác, và rằng người lớn được đánh những người nhỏ hơn mình. Ngay cả khi thỉnh thoảng bố mẹ mới áp dụng biện pháp mạnh này với con, nó vẫn có thể để lại những ký ức không tốt. Trong khi bố mẹ đang cố gắng dạy con cách làm chủ cảm xúc của mình, thì việc nạt nộ, đòn roi sẽ phá hỏng hết những nỗ lực này.

2. Làm mất đi giá trị của con

Hình ảnh cá nhân của con cái được khởi đầu bằng chính hình ảnh mà bố mẹ nhìn nhận về các bé. Việc đánh đòn con thường gửi đến các bé một thông điệp sai, khiến bé cảm thấy mình như một kẻ “bất tài”, “vô dụng”, “phá hoại”… Làm sao bố mẹ có thể nuôi dạy một đứa trẻ tự tin và cảm thấy mình có giá trị khi đã lỡ gieo vào đầu con những suy nghĩ như trên?

Đòn roi làm cho bé cảm thấy sợ hãi và không còn muốn chia sẻ với bố mẹ nữa. Nó cũng khiến con lớn lên với suy nghĩ khiếp sợ trước những kẻ mạnh hơn.

3. Bố mẹ đánh mất giá trị của mình

Trong sâu thẳm, các bậc phụ huynh ủng hộ phương pháp đòn roi vẫn cảm thấy sự sai lạc của phương pháp này. Họ đánh phạt con vì không biết mình phải làm gì khác, nhưng chỉ sau đó không lâu lại cảm thấy mình vô cùng bất lực vì cách họ dùng không hề đem lại hiệu quả. Tổn thương trong mối dây liên kết bố mẹ – con cái khiến chỗ đứng của bố mẹ trong lòng con càng trở nên lung lay hơn.

4. Hình phạt sẽ leo thang

Ở một số giai đoạn phát triển, bé có nhu cầu mạnh mẽ trong việc khẳng định sự độc lập của mình bằng việc làm trái lại lời bố mẹ. Và khi bạn định “đánh cho nó biết sợ một chút”, thì đâu sẽ là giới hạn cuối cùng? Bé sẽ tiếp tục chuỗi vi phạm của mình, và từ việc đánh nhẹ vào tay, phát vào mông, tất cả có thể kết thúc đẫm nước mắt, khi tay và mông của bé sưng vù vì những làn roi.

5. Đánh đập không làm hành vi của con tốt hơn

Cơ chế của hành vi tốt rất đơn giản: Nhận thức tốt thì hành động tốt. Việc giáo dục con bằng đòn roi làm cho bé cảm thấy bất ổn bên trong, và điều này sẽ được thể hiện bằng cá hành vi bên ngoài. Bé càng hành động sai, càng bị nhiều đòn roi và càng nhìn nhận bản thân mình một cách xấu xí hơn. Vòng tròn luẩn quẩn này cứ thế lặp đi lặp lại. Nhưng các bố mẹ ơi, điều mà chúng ta muốn là con nhận ra cái sai của mình nhưng vẫn tự tin rằng mình là người có ích.

6. Đánh đập không phải là chân lý

Đừng lấy câu nói của người xưa: “Thương cho roi cho vọt” để giải thích cho việc đánh con. Bởi đó chỉ là nghĩa đen của câu nói. “Roi vọt” ở đây không phải là những hình phạt thể xác hay tinh thần, mà đó là việc dạy con một cách nghiêm khắc để con nên người. Có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện được mục tiêu đó và đánh đòn chỉ là hạ sách mà thôi.

7. Đánh con gây ra sự oán giận

Từ lúc con rất nhỏ, các bé đã có ý thức về sự công bằng và khi bị đánh, con cảm thấy mình bị đối xử bất công. Dần dần, trong con trẻ sẽ hình thành ý thức nổi loạn, chống đối. Mẹ không hề muốn con tách mình khỏi thế giới mà bé nghĩ rằng không có ai yêu thương mình, vậy thì hãy ngừng việc đánh con.

Việc đánh con cũng gây ra cảm xúc tiêu cực ở cha mẹ, khi mà họ nhận thấy rằng tất cả những điều mình vừa làm chỉ là để giải tỏa cơn giận. Việc phá bỏ cảm giác tức giận này khá khó khăn, nhưng chúng ta có thể khắc cốt ghi tâm rằng: Tôi không bao giờ đánh con, và tôi muốn con mình sống có kỷ luật. Chính việc tự nhắc nhở này sẽ buộc bạn tìm kiếm một biện pháp thay thế hữu hiệu hơn đòn roi.

8. Đòn roi để lại ký ức tồi tệ

Những vết sẹo tâm lý dễ khiến trẻ bị ám ảnh cho đến tân tuổi trưởng thành. Bởi tâm lý con người thường bị ấn tượng mạnh bởi những điều khiến họ cảm thấy khổ sở, đau đớn hơn những niềm vui và hạnh phúc. Và bởi vì các ông bố, bà mẹ luôn muốn con lớn lên với hàng trăm, hàng ngàn những hồi ức hạnh phúc, đẹp đẽ, việc kiên quyết nói không với đòn roi chính là lựa chọn thông thái ngay lúc này.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

x