Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Nguyên Hà
Thông tin kiểm chứng bởi Ban biên tập MarryBaby
Cập nhật 29/10/2020

Em bé trong bụng mẹ: Bật mí "hành tung" của thai nhi

Em bé trong bụng mẹ: Bật mí "hành tung" của thai nhi
Thai nhi không chỉ biết thức và ngủ. Một ngày của bé sôi động hơn bạn nghĩ rất nhiều. Ngoài việc "tập thể dục" mọi lúc mọi nơi, bé còn biết hóng chuyện nữa đấy!

Em bé trong bụng mẹ làm gì mỗi ngày? Những hoạt động của mẹ ở bên ngoài em bé có cảm nhận được không? Mẹ hãy cùng Marry Baby khám phá trong bài viết này nhé.Em bé trong bụng mẹ

Em bé trong bụng mẹ làm gì mỗi ngày?

1. Ngủ

Em bé trong bụng mẹ thường rất thích ngủ. Thậm chí, ngay cả khi chưa phát triển mí mắt, bé cưng cũng có thể dành 90-95% thời gian của mình để ngủ. Tuy nhiên, mỗi giấc ngủ của con không dài, chỉ kéo dài chưa tới 60 phút. Sau đó, bé sẽ dậy, và bận rộn với một vài “thú vui” khác.

2. “Lộn nhào” trong bụng mẹ

Mẹ có biết, ở tuần thứ 8 của thai kỳ, bé cưng đã biết “ngọ nguậy” rồi không? Mới đầu chỉ là những chuyển động nhẹ nhàng, sau đó bé sẽ chuyển sang “tung chưởng” và “lộn mèo” trong bụng mẹ. Thậm chí, trong mỗi một giai đoạn, con sẽ có “nhịp điệu” riêng nữa đấy.

Chẳng hạn, trong tam cá nguyệt thứ hai, do sợ mẹ còn mệt do ốm nghén, bé cưng chỉ dám “âm mưu” những cú đạp nhẹ nhàng. Nhẹ đến nỗi, nếu không để ý, mẹ còn chẳng biết được. Tuy nhiên, sang tam cá nguyệt thứ ba, nhất là vào tháng thứ 8, thứ 9 của thai kỳ, mẹ đã có thể cảm thấy sự hoạt động của con mạnh mẽ và liên tục hơn nhiều.

3. Mút tay

Rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thói quen mút tay, và những bà mẹ thì thắc mắc không hiểu ngón tay liệu có “ngon” đến như vậy không. Thực ra, không chỉ trẻ sơ sinh, ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã có phản xạ này. Theo các chuyên gia, từ tuần thứ 30, khi xúc giác phát triển hơn, em bé trong bụng mẹ sẽ có “sở thích” mút ngón tay, nhất là ngón cái. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng bé cũng sẽ nghịch ngón tay, dây rốn hay tự sờ lên mặt mình nữa.

4. “Láo liên” mọi nơi

Biết đảo mắt từ tuần thứ 16, nhưng mãi đến tuần thứ 26, khả năng này của bé mới diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, vào giai đoạn cuối, bé cưng còn có thể thường xuyên nhắm và mở mắt.

Mẹ có ngạc nhiên khi biết rằng, trong thời gian này, nếu có một tia sáng chiếu vào bụng, con sẽ cố gắng mở to mắt để “nhiều chuyện” không?

5. Nấc

Không phải tất cả em bé trong bụng mẹ đều nấc, nhưng nếu điều đó xảy ra, mẹ đừng quá lo lắng nhé! Đây là hiện tượng khá bình thường với những thai nhi từ 24 tuần tuổi trở lên. Tiếng nấc của con khá nhỏ, thậm chí nhiều mẹ cảm thấy chúng chỉ như nhịp tim thai. Bé có thể nấc 1-2 lần mỗi ngày, hoặc nhiều hơn tùy theo cơ địa của mẹ và bé.

6. Nghe ngóng tình hình

Đừng tưởng em bé trong bụng mẹ thì sẽ không biết được điều gì đang ở bên ngoài nhé! Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, con đã chịu khó “cập nhật” thông tin rồi mẹ ơi. Bởi vậy, nếu muốn cho bé nghe nhạc, mẹ nên bắt đầu từ giai đoạn này. Chọn những bài nhạc nhẹ nhàng, âm thanh vui nhộn sẽ làm bé “thích thú” hơn nhiều.

Em bé trong bụng mẹ
Em bé trong bụng mẹ nghe ngóng tình hình

Sang tháng thứ 6, thính giác trở nên nhạy cảm hơn, bé không chỉ “nghe” mà sẽ phản ứng lại với những âm thanh bên ngoài. Thậm chí, bé cũng thấy “buồn” hoặc “giận dữ” nếu tâm trạng của mẹ không thoải mái.

Khám phá khả năng nhận biết mùi vị của thai nhi

Em bé nằm trong bụng mẹ bắt đầu phát triển vị giác từ rất sớm, khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ. Những chồi vị giác này sẽ hoàn thiện khi thai nhi 14 tuần tuổi. So với người lớn, thai nhi có nhiều chồi vị giác hơn, khoảng 10.000 chồi. Các chồi này không chỉ có ở bề mặt lưỡi mà còn xuất hiện ở trên, dưới vòm miệng và hai bên lưỡi của bé. Những chồi vị giác dư thừa sẽ dần dần biến mất.

Chưa thể nếm vị thức ăn, em bé nằm trong bụng mẹ chủ yếu chỉ nuốt nước ối. Tuy nhiên, nếu nước ối có vị ngọt, bé cưng sẽ nuốt nhiều nước ối hơn. Ngược lại, bé có xu hướng “chê” nước ối nếu nó có vị đắng. Mẹ có bất ngờ khi biết những điều này? Đây mới chỉ là những điều mở đầu thôi, còn rất nhiều thông tin thú vị về sự phát triển vị giác của trẻ, từ lúc còn trong bụng mẹ đến khi chào đời. Đừng bỏ qua mẹ nhé!

♦ Thực phẩm mẹ bầu “nạp” vào cơ thể mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến hương vị nước ối bao quanh em bé. Khi bé nuốt nước ối, bé sẽ nếm luôn mùi vị. Điều này giải thích tại sao khi chào đời, bé cưng bày tỏ sự yêu thích đặc biệt với một loại hương vị nào đó. Một đứa trẻ sẽ thích nước ép cà rốt hơn nếu khi mang thai, mẹ thường xuyên uống loại nước ép này.Em bé trong bụng mẹ

♦ Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, em bé trong bụng mẹ có thể uống tới 1 lít nước ối mỗi ngày để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bú mẹ sau khi sinh.

♦ Ngoài nước ối, hương vị của thực phẩm mẹ ăn cũng sẽ ảnh hưởng đến vị sữa. Vì vậy, nếu có ý định uống bia, mẹ nên hút sữa trước hoặc đợi ít nhất 2 tiếng sau mới cho con bú mẹ.

♦ Ngay từ lúc mới sinh, bé đã đặc biệt nhạy cảm với những thực phẩm có vị ngọt hoặc đắng. Không chỉ là “thói quen” ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đây còn là cách tự nhiên giúp bé tránh xa những thực phẩm không tốt (thường có vị đắng) và hướng tới những thực phẩm giàu calories hơn (thường có vị ngọt).

♦ Cùng với sự phát triển vị giác, khứu giác của trẻ cũng phát triển. Trong một cuộc thí nghiệm, một bé mới sinh chỉ 5 ngày tuổi đã có thể quay mặt hướng về phía tấm lót có mùi sữa mẹ đặt bên cạnh. Đồng thời, bé cũng biết tránh xa những mùi khó chịu.

♦ Ngay cả những bé sinh non ở tuần thứ 33 cũng có khả năng cảm nhận về hương vị. So với một núm vú bình thường, các bé sinh non sẽ ưu thích một núm vú có vị ngọt hơn.

♦ Sở thích về hương vị của trẻ sẽ thay đổi dần theo thời gian. Khi còn nhỏ, bé có thể chỉ yêu thích những món ngọt. Nhưng khi lớn hơn, bé có thể thiên về các món mặn. Thông thường, chỉ những bé từ 3-6 tuổi mới có thể nhận biết được thức ăn mặn.

♦ Trẻ càng lớn càng phát triển ý thức độc lập về khẩu vị và sở thích. Có thể mẹ phải mất từ 10-15 lần mới có thể tập cho bé ăn một món mới nào đó.

Khả năng học hỏi của em bé trong bụng mẹ

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ khi còn trong bụng mẹ bé đã có thể học hỏi. Mẹ có thể giúp ích cho quá trình này bằng cách đọc sách, nghe nhạc, ngửi mùi hương và ngay cả trong cách nói chuyện hàng ngày.

Cho đến cuối tam cá nguyệt thứ hai, bé đã bắt đầu nghe được. Những âm thanh bên trong cơ thể mẹ như tiếng tim đập, tiếng mẹ thở, giọng nói của mẹ được bé ghi nhớ. Đồng thời, bé cũng có thể nhận biết được các âm thanh từ bên ngoài. Tuy vậy, việc nghe nhạc Mozart cũng không biến bé thành một thần đồng âm nhạc. Bé chỉ có thể nhận ra những giai điệu quen thuộc này và chúng giúp làm dịu tâm hồn bé khi được nghe lại lúc đã chào đời.

Được nghe nhạc, nhịp tim của thai nhi tăng lên và bé di chuyển nhiều hơn. Khi mới sinh, bé cũng sẽ trở nên sôi động hơn khi nghe những âm thanh quen thuộc đó.

Tương tự với âm thanh, hương vị có thể giúp thiết lập thói quen cho con bú mẹ, vì thực phẩm mà bạn tiêu thụ có thể ảnh hưởng đến hương vị sữa. Điều này làm bật lên tầm quan trọng của việc đa dạng thực phẩm khi mang thai.Em bé trong bụng mẹ

Bé mới sinh sẽ có khuynh hướng ưa chuộng những hương vị quen thuộc trong suốt khoảng thời gian bú mẹ. Chẳng hạn, những mẹ thường uống nước ép cà rốt trong suốt tam cá nguyệt thứ 3 thì những gì các con nhỏ của họ cũng có khuynh hướng thích ăn ngũ cốc hương cà rốt hơn loại ngũ cốc thông thường.

Tuy vậy, không có nghiên cứu nào khẳng định rằng việc học hỏi từ trong bụng mẹ có thể kéo dài hiệu quả sau khi sinh. Việc dạy cho em bé từ trước khi ra đời không đảm bảo cho khả năng học tập của bé sau này.

1. Những cửa ngõ nhận thức của em bé trong bụng mẹ

Các chuyên gia cho rằng, có 3 con đường chính giúp bé học hỏi khi còn trong bụng mẹ.

♦ Học hỏi khi tiếp xúc với một trải nghiệm: Trẻ nhỏ nhận ra những giọng nói và âm nhạc mà chúng đã được nghe khi còn trong tử cung mẹ, và trở nên thư giãn với những âm thanh này. Những âm thanh và nhịp rung của xe có thể nhắc bé nhớ đến sự di chuyển và những âm thanh trong cơ thể mẹ.

♦ Học hỏi khi đã quen với một trải nghiệm: Ví dụ, nếu bạn chơi đi chơi lại một âm thanh có tính cảnh báo khi còn mang thai, khi ra đời, bé sẽ giật mình khi nghe âm thanh này.

♦ Kết hợp các trải nghiệm với nhau: Ví dụ, một bản nhạc bạn nghe trong trạng thái thư giãn khi còn mang thai sẽ giúp bé thư giãn sau này.

2. Tác dụng của những trải nghiệm

Không có bằng chứng cho thấy bé sẽ thông minh hơn nếu bạn chịu khó đọc sách hay nghe nhạc lúc mang thai. Tuy nhiên, những hoạt động này có thể giúp bé dễ dàng nhận ra bạn khi được sinh ra. Hơn nữa, những việc này cũng giúp bạn giảm stress và tăng cường cảm nhận sâu sắc của bạn đối với bé.

Nếu như bạn không thấy thoải mái với việc hát hay nói chuyện với chiếc bụng của mình, những kích thích tự nhiên mà bé nhận được thông qua những cuộc nói chuyện và hoạt động hàng ngày của bạn cũng là quá đủ.

3. Khả năng học ngôn ngữ của bé

♦ Em bé trong bụng mẹ có thể nghe và ghi nhớ âm thanh

Bạn nghi ngờ rằng em bé trong bụng mẹ làm sao có thể nghe thấy lời nói ư? Thực tế là các bộ phận não bộ phụ trách xử lý âm thanh lại trở nên linh lợi trong quý cuối của thai kỳ, và âm thanh truyền vào khá rõ thông qua môi trường nước ối trong bụng mẹ.

Nghiên cứu từ năm 1988 đã cho thấy trẻ sơ sinh nhận biết ca khúc chủ đạo từ phim truyền hình dài tập yêu thích của mẹ. Nhiều nghiên cứu khác cũng mở rộng những kiến thức về quá trình học hỏi của bào thai, chỉ ra rằng các bé mới sinh đã quen với giọng cha mẹ khi nói ngôn ngữ gốc.

Em bé trong bụng mẹ

♦ Bé học ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ

Nhà khoa học Partanen và nhóm của ông quyết định trang bị cho các bé cảm biến EEG để tìm kiếm các dấu hiệu thần kinh liên quan đến ký ức trong bụng mẹ. Ông giải thích: “Khi nghe thấy một âm thanh, nếu nó được lặp đi lặp lại thường xuyên, chúng ta sẽ hình thành ký ức về nó và điều này được kích hoạt khi ta lại nghe âm thanh đó lần nữa”. Ký ức này đẩy nhanh tốc độ nhận biết âm thanh trong tiếng mẹ đẻ của người học và có thể được dò ra dưới dạng sóng não, ngay cả ở một em bé đang say ngủ.

Cả nhóm đã đưa các chị em đang mang thai một bản thu âm để bật lên vài lần một tuần vào những tháng cuối của thai kỳ, trong đó có một từ bị biến đổi (là ‘tatata’) lặp lại nhiều lần và được đặt rải rác cùng âm nhạc. Thỉnh thoảng âm tiết giữa được thay đổi, với một cao độ hoặc âm nguyên âm khác. Vào lúc trẻ chào đời, tính ra các bé đã nghe từ bị cải biến này trung bình hơn 25.000 lần. Và khi trẻ được kiểm tra sau khi sinh ra, não của những em bé này nhận biết từ ngữ đó cùng các biến thể của nó, trong lúc những trẻ thuộc một nhóm đối chứng thì không.

Những bé từng nghe các bản thu âm cho thấy tín hiệu thần kinh đối với chuyện nhận ra các thay đổi về nguyên âm và cao độ trong từ ngữ giả hiệu đó và tín hiệu này mạnh nhất ở những trẻ có mẹ bật bản thu âm thường xuyên nhất. Các bé cũng giỏi hơn trẻ thuộc nhóm đối chứng ở khía cạnh phát hiện những khác biệt về âm tiết, chẳng hạn như độ dài nguyên âm.

Partanen nhấn mạnh: “Điều này khiến chúng tôi tin rằng bào thai biết được nhiều thông tin chi tiết hơn chúng tôi nghĩ trước đây” và các vết tích ký ức ấy đều có thể nhận thấy sau khi sinh ra.

Theo Patricia Kuhl, nhà thần kinh học tại Đại học Washington ở Seattle, các kết quả nghiên cứu này cho thấy “việc học hỏi ngôn ngữ bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ”.

♦ Việc học ngôn ngữ của thai nhi chỉ ở mức bắt đầu

Tuy chúng ta có thể coi là em bé trong bụng mẹ đang học hỏi ngôn ngữ, việc bật nhạc hoặc bản thu âm ngôn ngữ sẽ không giúp ích cho bé. Partanen cho biết không có chứng cứ xác đáng nào chứng tỏ sự kích thích vượt ra ngoài những âm thanh của cuộc sống hàng ngày mang lại hiệu quả về lâu dài.

Christine Moon, nhà tâm lý học của Đại học Pacific Lutheran ở Tacoma, Washington nói thêm rằng hành động mở âm thanh cho một bào thai nghe với loa đặt gần bụng mẹ còn có thể gây nguy hiểm vì điều này dễ khuấy động quá mức tai và não bộ đang phát triển nhanh chóng ở bào thai. Tiếng động quá lớn có thể gây rắc rối cho hệ thống thính giác và phá vỡ chu kỳ ngủ của bé.

Giúp bé thông minh ngay từ khi nằm trong bụng mẹ

1. Nghe nhạc cho bé thông minh

Bà bầu nghe nhạc, thai nhi thông minh hơn là khái niệm không còn quá xa lạ với phần lớn các mẹ. Theo các chuyên gia, nghe nhạc khi mang thai không chỉ giúp mẹ và bé cùng thư giãn mà còn giúp kích thích sự phát triển não của thai nhi, giúp bé thông minh hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì cho bé nghe nhạc, mẹ có thể hát cho bé nghe, vừa kích thích sự phát triển, vừa gia tăng tình cảm giữa mẹ và bé.

Em bé trong bụng mẹ

2. Vẽ tranh

Khi bà bầu vẽ tranh, không chỉ đại não của mẹ mà ngay cả não của em bé trong bụng cũng sẽ phản ứng tích cực với màu sắc. Không cần quá quan trọng chuyện đẹp xấu, bởi chính sự sáng tạo và những cảm xúc tích cực của mẹ trong lúc vẽ mới là “bí quyết” giúp bé cưng phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến bé, mẹ nên lưu ý loại màu sử dụng khi vẽ, tránh sử dụng màu có hóa chất không tốt cho sức khỏe.

3. Bà bầu làm toán sẽ giúp con thông minh?

Nghe có vẻ hơi lạ nhưng đây là niềm tin của rất nhiều mẹ bầu Do Thái, dân tộc được “gắn mác” thông minh nhất thế giới. Ngay từ khi mang thai, phụ nữ Do Thái đã tự lập cho mình một kế hoạch chi tiết với nhiều hoạt động. Và giải toán là một trong những hoạt động các mẹ bầu thường làm trong suốt 9 tháng “mang nặng” của mình. Họ tin rằng, cách này sẽ giúp thai nhi phát triển não bộ một cách vượt trội. Tuy nhiên, dù là cách nào, mẹ bầu phải luôn cảm thấy thoải mái, thư giãn, thai nhi mới có thể phát triển tốt nhất. Vì vậy, nếu có dùng thử cách “đau não” này, bầu cũng nên chú ý giữ cho tinh thần mình luôn thoải mái nhé!

4. Trò Sudoku hấp dẫn

Theo các chuyên gia, cảm giác nhàm chán không muốn hoạt động của mẹ bầu có thể gây những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Ngược lại, nếu bầu thường xuyên duy trì những hoạt động tư duy, em bé trong bụng cũng sẽ tiếp nhận những kích thích, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của các tế bào thần kinh. Sudoku là một lựa chọn thích hợp nhất, vừa giúp mẹ bầu bớt nhàm chán, vừa kích thích hoạt động của não.

5. Đọc sách khi mang thai

Đọc sách trước khi đi ngủ không chỉ giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon hơn mà còn giúp thai nhi phát triển khả năng ngôn ngữ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Giống như hát cho bé nghe hay cùng bé nghe nhạc, đọc sách và nói chuyện với thai nhi cũng có tác dụng kích thích khả năng thích giác của thai nhi. Đồng thời, tăng cường sự kết nối giữa mẹ và con.

Những hoạt động của người mẹ có tác động lớn tới sự phát triển và khả năng học hỏi của em bé trong bụng mẹ. Chẳng hạn như khả năng nhận biết mùi vị, khả năng ngôn ngữ, khả năng vận động. Vì vậy ngoài chế độ dinh dưỡng tốt cho thai kỳ thì mẹ nên chú ý tới những việc bồi dưỡng khả năng học hỏi cho thai nhi như nghe nhạc, đọc sách, nói chuyện với con mỗi ngày nữa mẹ nhé.

MarryBaby

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

x