Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Huỳnh Quế Trân
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung
Cập nhật 20/10/2023

Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Tiêu chảy là một vấn đề sức khỏe phổ biến, hầu như bé nào cũng trải qua 1-2 lần. Nhất là vào mùa hè, khi các loại vi khuẩn có điều kiện phát triển hơn bình thường.

Trẻ bị tiêu chảy ở độ tuổi nào cũng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời; hoặc dùng mẹo dân gian không đúng. Vì vậy, mẹ nên chú ý quan sát phân của bé hàng ngày để phát hiện bệnh và điều trị sớm nhé.

Khi nào trẻ được xem là bị tiêu chảy?

Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi thường có tần suất đi tiêu phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và cơ địa của trẻ. Thông thường, trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) có thể đi tiêu từ 4 – 6 lần mỗi ngày. Trong khoảng từ 1 – 6 tháng tuổi, tần suất này có thể giảm dần xuống khoảng 1-2 lần mỗi ngày.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là mẹ cần theo dõi sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Nếu bạn thấy trẻ có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tiêu chảy hoặc đi tiêu quá thường xuyên hoặc có phân có dấu hiệu bất thường (như có máu hoặc có màu phân đổi màu), bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để kiểm tra.

Tiêu chảy ở trẻ thường được xác định khi phân của trẻ chứa nhiều nước hơn so với bình thường. Đây là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng, tiêu chảy có thể xảy ra kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút, thậm chí phát ban. (1)

Phân loại tiêu chảy ở trẻ em

Có 2 loại: Tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn tính. Chúng khác nhau dựa trên thời gian kéo dài và tính chất của triệu chứng.\

Tiêu chảy cấp (Acute diarrhea):

  • Thời gian kéo dài: Tiêu chảy cấp xuất hiện và kéo dài trong một thời gian ngắn, thường ít hơn 14 ngày.
  • Tính chất: Triệu chứng của tiêu chảy cấp thường là phân lỏng (trên 3 lần/1 ngày) có thể đi kèm với buồn nôn, và nôn mửa.
  • Nguyên nhân: Tiêu chảy cấp thường do nhiễm khuẩn (bacterial), nhiễm độc thực phẩm, hoặc nhiễm độc virus gây ra.

Tiêu chảy mãn tính (Chronic diarrhea):

  • Thời gian kéo dài: Tiêu chảy mãn tính là khi triệu chứng tiêu chảy kéo dài trong ít nhất 14 ngày hoặc lâu hơn.
  • Tính chất: Tiêu chảy mãn tính thường bao gồm phân lỏng, trẻ tăng tần suất đi tiêu, và có thể kèm theo các triệu chứng khác như sụt cân, tiêu chảy đêm, và mất nước.
  • Nguyên nhân: Tiêu chảy mãn tính có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh lý tiêu hóa, tác động của thuốc, dị ứng thức ăn, hoặc các vấn đề khác về sức khỏe.

Việc xác định xem trẻ đang mắc tiêu chảy cấp hay tiêu chảy mãn tính rất quan trọng để bác sĩ có thể đưa ra điều trị phù hợp. Nếu nhận thấy trẻ tiêu chảy kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy

nguyên nhân

Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp nhất là do đường ruột của bé bị nhiễm trùng virus, vi trùng; hoặc ký sinh trùng. Trong số đó Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ.

Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ em. Các triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh; có thể bao gồm buồn nôn và có xu hướng biến mất trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, bé bị tiêu chảy kéo dài có thể do dị ứng với các loại thức ăn lạ; chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi; hoặc do sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài. Với trẻ nhỏ, việc sử dụng những thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, không hợp vệ sinh là tác nhân hàng đầu khiến trẻ bị nhiễm khuẩn.

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

dấu hiệu

Để dễ dàng nhận biết sớm các dấu hiệu bé bị tiêu chảy; mẹ có thể quan sát một số triệu chứng sau:

  • Đột nhiên bé đi ngoài nhiều hơn so với những ngày khác.
  • Phân lỏng hoặc như loãng như nước; hoặc chỉ toàn nước và màu sắc thay đổi.
  • Phân của trẻ có mùi tanh khó chịu hoặc lợn cợn hơn.
  • Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nặng do nhiễm trùng đường tiêu hóa thì phân còn có thể lẫn cả máu.
  • Ớn lạnh.
  • Sốt.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Đầy hơi.
  • Buồn nôn.
  • Ăn không ngon.

>> Mẹ có thể tham khảo: Trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy màu vàng: bình thường hay bất thường?

Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy sẽ kèm theo các dấu hiệu bị mất nước. WHO đưa ra một hệ thống phân loại mức độ mất nước do tiêu chảy, gồm 3 mức:

  • Tiêu chảy không mất nước (No Dehydration): Trẻ không mất nước hoặc mất nước rất ít.
  • Tiêu chảy mất nước trung bình (Some Dehydration): Trẻ mất một lượng nước trung bình.
  • Tiêu chảy mất nước nặng (Severe Dehydration): Trẻ mất nước nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bé bị tiêu chảy kéo dài có nguy hiểm không?

Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không đúng; trẻ sẽ bị mất nước khiến cơ thể yếu dần, rối loạn điện giải. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu kéo dài.

Những biểu hiện cho thấy trẻ bị mất nước nghiêm trọng là:

Trẻ mắc tiêu chảy kéo dài cũng dễ bị suy dinh dưỡng. Một trong những biến chứng rất nguy hiểm. Suy dinh dưỡng cũng làm bệnh tiêu chảy khó điều trị và kiểm soát.

Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu; điều trị rất khó khăn và gây tử vong cao.

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy khi nào nên nhập viện?

Mẹ nên đưa bé sơ sinh hoặc trẻ lớn hơn đến bệnh viện khi con có những triệu chứng như:

  • Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm.
  • Phân bé có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi.
  • Bụng đau khi sờ ấn.
  • Nôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được.
  • Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi, môi khô.
  • Bé bị sốt cao (trên 39º) kèm theo các triệu chứng trên.

Cách chữa bệnh tiêu chảy ở trẻ em

1. Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy

  • Cho trẻ uống nước nhiều hơn so với bình thường. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch Oresol để bù lại lượng nước đã mất. Ngoài dung dịch Oresol, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường hoặc nước sôi để nguội.
  • Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn và bú lâu hơn. Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Với trẻ bị ói mửa thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.
  • Trường hợp nặng cần đưa đến bệnh viện để kịp thời chữa trị.
  • Giúp cho bé thấy càng thoải mái càng tốt, giữ mông bé khô ráo và thoa kem chống hăm tã.

2. Bé bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?

Mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc mà chưa thông qua lời khuyên và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ. Việc cho bé uống thuốc cần nên nghiêm chỉnh thực hiện theo chỉ định từ bác sĩ.

3. Bổ sung kẽm

Kẽm có tác dụng trong việc hồi phục biểu mô ruột, giúp cơ quan tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt; góp phần lập lại quá trình hấp thu bình thường của đường ruột vốn đang bị rối loạn trong thời gian bé bị tiêu chảy. Từ đó, sẽ rút ngắn thời gian trẻ bị tiêu chảy, giảm lượng phân, qua đó bệnh nhanh chóng thuyên giảm.

Vì vậy, các mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung viên kẽm trong khoảng 10-14 ngày. Đồng thời, khi cho bé uống kẽm, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để phối hợp bổ sung vitamin A, các vitamin nhóm B… giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.

Ngoài ra, mẹ có thể tăng cường bổ sung kẽm cho trẻ bị bệnh từ thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt gà, hàu, trai, hến.

*Lưu ý: Trẻ dưới 6 tháng định lượng kẽm là 10mg/ngày. Trẻ trên 6 tháng, 20 mg/ngày.

Trẻ bị tiêu chảy

>> Xem thêm: Mẹ bị tiêu chảy có nên cho con bú không?

4. Thực phẩm trẻ bị tiêu chảy nên ăn và không nên ăn

4.1. Thực phẩm trẻ nên ăn

Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì? Mẹ có thể bổ sung các thực phẩm sau cho bé:

  • Thịt nạc lợn
  • Thịt gà
  • Dầu thực vật. Nên sử dụng các loại dầu có nguồn gốc thực vật để giúp trẻ tăng khả năng hấp thụ vitamin A, D, E, K, đặc biệt vitamin A làm tăng sức đề kháng của niêm mạc đường ruột tiêu hóa, giúp trẻ khỏi nhanh hơn
  • Chuối
  • Cam
  • Xoài
  • Rau xanh
  • Bột gạo
  • Khoai tây
  • Cà rốt
  • Sữa chua

4.2. Thực phẩm trẻ bị tiêu chảy không nên ăn

Khi bé bị tiêu chảy, mẹ không nên cho con ăn/uống các thực phẩm sau:

  • Thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa
  • Đồ ngọt, nhiều đường (bánh, kẹo), đồ nếp
  • Nước ngọt có ga, sữa tươi.

Trẻ bị tiêu chảy

5. Cách chống mất nước cho trẻ bị tiêu chảy

Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước tốt nhất là uống oresol (nhớ pha theo đúng chỉ định trên bao bì, 1 gói pha trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội hoặc loại gói nhỏ thì pha đúng 200ml). Cho trẻ uống từ từ từng thìa một cho tới khi hết khát.

Cách cho trẻ tiêu chảy uống nước

  • Trẻ từ 0 – 6 tháng chỉ nên bú sữa mẹ hoàn toàn
  • Trẻ nhỏ từ 6 tháng – dưới 2 tuổi uống 50-100ml, sau mỗi lần đi tiêu. Cho trẻ uống ít một và cho uống từng thìa.
  • Trẻ lớn trên 2 tuổi cho uống 100-120ml sau mỗi lần đi ngoài. Cho trẻ uống từng ngụm bằng cốc cho tới khi trẻ hết khát.
  • Nếu trẻ bị nôn, mẹ hãy đợi 10 phút sau mới tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn cho tới khi ngừng tiêu chảy.
  • Nếu trong 24 giờ không uống hết lít dung dịch đã pha thì đổ đi pha cái khác vì dung dịch đã pha sẽ hỏng; Tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú).

Cách phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Để phòng bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

  • Vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống nước đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch).
  • Vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ (bình sữa, núm vú, bát, đĩa, cốc, thìa ăn).
  • Vệ sinh môi trường: Diệt ruồi, nhặng…
  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, khi pha chế thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã lót cho trẻ…
  • Xử lý đúng cách phân của trẻ tiêu chảy.
  • Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.
  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng sởi vì khi trẻ mắc bệnh sởi hoặc sau khi khỏi bệnh dễ mắc tiêu chảy.

Các thắc mắc thường gặp về chứng tiêu chảy ở trẻ em

Trẻ bị tiêu chảy

1. Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày có sao không?

Tùy theo sự phát triển của bé và việc bú sữa mẹ hay sữa ngoài mà số lần đi ngoài nhiều ít khác nhau. Trẻ bị tiêu chảy khi đi tiêu trên 3 lần trong 24 giờ và phân tiêu ra phải lỏng (loại phân có “nước nhiều hơn cái” và khác với ngày thường).

Nếu bé đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần là phân tròn, dạng viên nhỏ, cứng thì trẻ bị táo bón. Ngược lại, bé bú mẹ có thể tiêu phân sệt, có lúc tóe nước nhưng 2-4 ngày mới tiêu một lần thì hoàn toàn bình thường.

2. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ nên ăn gì?

Nếu trẻ bú mẹ bị tiêu chảy thì bạn nên ăn thức ăn giàu tinh bột, rau xanh, trái cây, trái cây xanh chát. Đồng thời mẹ không ăn đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn tái sống. Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh uống các loại nước ngọt đóng chai, bia rượu, chất kích thích.

3. Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao?

Nếu bé chỉ bị tiêu chảy nhẹ thì mẹ vẫn tiếp tục cho bé uống thuốc theo chỉ định từ bác sĩ kết hợp với chế độ chăm sóc bé bị tiêu chảy kéo dài như ở trên. Tuy nhiên, nếu bé bị tiêu chảy nặng thì mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho dùng thuốc kháng sinh và đưa con đến bệnh viện để điều trị.

4. Trẻ bị sốt và tiêu chảy khi mọc răng phải làm sao?

Nếu bé bị tiêu chảy do mọc răng thì mẹ không cần lo lắng, vì tính trạng này sẽ kết thúc sau khi quá trình con mọc răng hoàn thành. Mẹ chỉ cần áp dụng các cách chăm sóc bé mọc răng như cho con bú nhiều hoặc uống nhiều nước hơn.

Tăng cường trái cây, vitamin, đặc biệt là vitamin D. Chăm sóc bé bị sốt, cho bé ngủ nghỉ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ bị tiêu chảy nặng, mẹ nên đưa con tới bệnh viện để điều trị nhé.

5. Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn trứng gà?

Trứng gà rất giàu chất béo khiến bé khó tiêu lúc bị tiêu chảy, vì vậy mẹ không nên cho con ăn nhé.

Lý do là khi bé bị tiêu chảy, dịch tiêu hóa tiết ra ít làm giảm hoạt tính men tiêu hóa. Vì vậy việc chuyển hóa chất béo và đường bị rối loạn. Điều này khiến chức năng tái hấp thu nước và dinh dưỡng của ruột non kém.

Từ đó dẫn đến việc dinh dưỡng sẽ bị thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Vì thế nếu mẹ cho con ăn trứng gà lúc này sẽ càng khiến con đi ngoài nhiều hơn.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Diarrhea in Children
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diarrhea-in-children
Ngày truy cập: 08/08/2022

2. Diarrhea in Children: What Parents Need to Know
https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/abdominal/Pages/Diarrhea.aspx
Ngày truy cập: 08/08/2022

3. Diarrhea
https://kidshealth.org/en/parents/diarrhea.html
Ngày truy cập: 08/08/2022

4. Diarrhoea in children
https://www.healthdirect.gov.au/diarrhoea-in-children
Ngày truy cập: 08/08/2022

5. Diarrhea in Children
https://gi.org/topics/diarrhea-in-children/
Ngày truy cập: 08/08/2022

x