Chúng tôi có thể cải thiện như thế nào?

close
chevron

Bài viết này có những thông tin sai lệch hoặc chưa chính xác

Hãy cho chúng tôi biết thông tin nào chưa chính xác.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Bài viết này không cung cấp đủ thông tin

Hãy cho chúng tôi biết bài viết đang thiếu điều gì.

Bạn không cần điền thông tin này nếu không thấy thoải mái. Nhấn Gửi ý kiến ở dưới đây để tiếp tục đọc.

chevron

Tôi có câu hỏi.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nếu có góp ý, vui lòng chia sẻ ở khung phía dưới!

Nếu bạn gặp nguy hiểm hoặc cần cấp cứu, bạn phải gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu gần bạn, hoặc

Ảnh tác giảbadge
Tác giả: Đỗ Khánh Linh
Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long
Cập nhật 19/12/2022

Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Viêm tai giữa ở trẻ em là một căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ làm cho bé bị đau, giảm khả năng nghe mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của bé. Mẹ đã hiểu rõ về căn bệnh này chưa?

Qua bài viết này, hy vọng mẹ của bé sẽ hiểu rõ hơn về bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và cái cách để phát hiện những triệu chứng của nó. Nội dung bài viết cũng giải đáp một số thắc mắc như: Viêm tai giữa ở trẻ em trong độ tuổi này có nguy hiểm không; và nó có thể tự khỏi được không?

1. Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?

Tai của trẻ sơ sinh bao gồm 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, ống thông giữa phần mũi họng và tai giữa gọi là vòi nhĩ. Vòi nhĩ có nhiệm vụ giữ cân bằng khí áp ở phía trong và phía ngoài màng nhĩ, nhờ đó mà mãng nhĩ mới có được sự rung động tốt với âm thanh. Ngoài ra, vòi nhĩ cũng dẫn lưu dịch tiết sinh lí ở tai giữa ra ngoài, thông qua vùng mũi – họng; nhờ đó mà niêm mạc tai giữa luôn khỏe mạnh và sạch sẽ.

Do cấu tạo vòi nhĩ của trẻ sơ sinh ngắn, và kèm với hệ miễn dịch yếu; trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc viêm tai giữa cấp.

Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh (otitis media) là tình trạng tai giữa của bé bị nhiễm trùng bởi virus hoặc vi khuẩn; gây nên tình trạng phù nề, sưng tấy, tụ dịch, tụ mủ, đau nhức. Tuy bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là rất phổ biến; nhưng may mắn là đa phần đều tự khỏi mà. Phần nhỏ còn lại, với những biểu hiện nghiêm trọng hơn thì cần được phát hiện và phải nhờ sự can thiệp của y tế.

Hình ảnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có thể là:

  • Thói quen cho bú nằm khiến dịch và sữa dễ bị đẩy ngược vào tai gây viêm tai giữa.
  • Biến chứng từ các bệnh viêm mũi, họng thông thường không được điều trị sớm và dứt điểm.
  • Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém, nếu vệ sinh tai không tốt, không đúng cách vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào tai trẻ gây bệnh.

Những trường hợp này cần phải được điều trị dứt điểm để tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và tránh những tổn thương về sức nghe mà những tổn thương đó sẽ làm chậm. Thậm chí làm gián đoạn quá trình hình thành ngôn ngữ ở trẻ. Trẻ “nghe kém” sẽ “nói kém” và trẻ “điếc” thì sẽ “câm”.

>> Có thể mẹ chưa biết Đau bụng báo hiệu tình trạng táo bón và viêm ruột ở trẻ sơ sinh

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

Các tác nhân gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh chính là virus và vi khuẩn; đặc biệt là từ mũi và họng.

Khi mũi và họng của trẻ sơ sinh bị viêm do cảm cúm, cảm lạnh, viêm amidan, viêm xoang,v.v. khiến vùng xung quanh cửa lỗ vòi nhĩ đọng nhiều dịch nhầy viêm và hội tụ nhiều virus, vi khuẩn. Virus, vi khuẩn sẽ theo vòi nhĩ, lên tai giữa và gây viêm; nhất là khi mũi bên đó đang trong tình trạng “nghẹt đặc”.

Những yếu tố nguy cơ làm virus, vi khuẩn phát triển và gây ra bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh:

  • Bé mới đi nhà trẻ: La khóc nhiều, nhiễm bệnh từ các bạn.
  • Cho con nằm bú bình, ngậm bình sữa trong khi ngủ, ngậm núm vú giả thường xuyên.
  • Thói quen mút tay, ngoáy mũi: Bé vô tình đưa vi trùng vào đường mũi họng thông qua thói quen này.
  • Viêm tai giữa do “hàng không”: Do chênh lệch khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ khi máy bay thay đổi độ cao.
  • Chuyển từ bú sữa mẹ qua ăn dặm: Quá trình chuyển từ bú mẹ sang ăn dặm khiến bé dễ sặc thức ăn lên mũi.
  • Thể trạng yếu, suy giảm sức đề kháng: Đẻ non, thiếu tháng, thiếu cân, suy dinh dưỡng, cai sữa mẹ quá sớm.
  • Môi trường sống không sạch sẽ, quá lạnh: Thay đổi nhiệt độ đột ngột, mùa lạnh, ô nhiễm không khí bởi các loại khói bụi.
  • Một số các bệnh lý gây viêm tai giữa: Trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh (Hở hàm ếch, hội chứng Down); trẻ có cơ địa viêm mũi dị ứng.

Sau khi hiểu nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh; mẹ đọc tiếp để hiểu thêm về các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em nhé.

>> Mẹ đã biết gì về Cách lấy ráy tai cho bé?

3. Nhận biết dấu hiệu, triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Mẹ có thể nhận biết các dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh qua những dấu hiệu điển hìnhh như sau:

  • Sốt: Có thể “hâm hâm nóng” hoặc sốt cao. Người ta ước tính rằng khoảng 50% trẻ sơ sinh bị sốt do nhiễm trùng tai.
  • Nghe kém: Không như trước, bé có vẻ “thờ ơ” với những tác động đột ngột của âm thanh từ môi trường xung quanh.
  • Quấy khóc và cáu kỉnh: Nếu bỗng dưng thấy bé thay đổi thái độ, đang “hiền như Ma-sơ” và vui vẻ như thiên thần thì tự nhiên đổi tính, quấy khóc “bét nhè và khó ưa”; có thể là bé bị đau tai. Ở tư thế nằm, bé sẽ đau hơn vì áp lực máu ở phần đầu sẽ tăng; dẫn đến tăng sung huyết và ùn ứ dịch trong tai giữa. Do vậy, bé sẽ quấy khóc nhiều hơn.
  • Khó ngủ, ngủ không yên giấc: Do bên tai bị viêm sẽ đau tăng lên khi ở tư thế nằm. Bé sẽ bực bội, quấy khóc và “trăn trở” suốt đêm, nhất là trong khoảng một hai ngày đầu.
  • Chảy dịch tai trắng đục, vàng xanh: Do tai của bé bị ứ đọng mủ; mủ sẽ bắt đầu tràn ra màng nhĩ để thoát ra. Thông thường, các cơn đau sẽ giảm, bé sẽ dễ chịu hơn. Mẹ bé có thể nhận thấy dịch đục chảy ra từ tai của bé, có khi thấm ướt xuống gối. Dịch này thường trắng đục, vàng xanh, có khi pha lẫn máu và mùi hơi tanh hôi.
  • Bú không “nhiệt tình”, khó bú, bỏ bú: Động tác mút và nuốt gây ra những thay đổi về áp suất trong tai giữa và làm bé đau hơn khi đang viêm. Mẹ có thể nhận thấy rằng bé đói và rất muốn bú nhưng vừa ngậm vào là đã…”buông bò ngang xương” và quấy khóc.
  • Hay đưa tay cào, dụi và nắm kéo vành tai: Thông điệp này đã chỉ đích danh cái vùng “có vấn đề”. Bé không biết làm gì khác ngoài việc đưa tay lên để “chăm sóc” cái vùng “thương đau” đó. Đấy là một phản xạ tự nhiên.
  • Một số triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh khác: rối loạn tiêu hóa: có tiêu chảy; hoặc mất thăng bằng – hay nghiêng đầu về phía tai bệnh.

Trong các dấu hiệu trên thì triệu chứng sốt, quấy khóc dữ dội, chảy dịch máu mủ ra tai sẽ là những “hiển hiện” rõ ràng nhất của bệnh; thu hút sự chú ý của người mẹ ngay lập tức.

Không những mong mỏi biết về cách nhận biết viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh; nhiều mẹ còn có những băn khoăn khác về tình trạng bệnh này. Mẹ sẽ được giải đáp ngay đoạn sau đây!

Viêm tai giữa ở trẻ em có nguy hiểm không?

4. Viêm tai giữa ở trẻ em có tự khỏi không?

Câu trả lời là CÓ. Hầu hết, các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh đều tự khỏi mà không cần phải can thiệp điều trị. Nếu mẹ nghi ngờ rằng bé bị mắc bệnh nghiêm trọng hơn, hãy đưa bé đi khám.

Chẩn đoán bé bị viêm tai giữa như thế nào?

Bác sĩ chuyên về tai mũi họng nhi sẽ thăm khám tai trực tiếp bằng đèn chuyên dụng và bằng nội soi để phát hiện những thay đổi bất thường của màng nhĩ vì màng nhĩ là “cái gương” phản chiếu tình trạng tai giữa.

Sau đó, tùy vào độ tuổi, độ nặng của triệu chứng mà định hướng điều trị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh. Đa phần những viêm cấp ở mũi họng đều do virus nên viêm tai giữa cũng vậy. Do đó, nếu bé sốt, quấy khóc nhiều do đau tai thì bác sĩ chỉ cho uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí kèm theo lời dặn theo dõi và tái khám.

Về nguyên tắc, kháng sinh chỉ được sử dụng khi viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn; có thể nguyên phát hoặc thứ phát, tức bội nhiễm vi khuẩn sau nhiễm siêu vi. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây nên tình trạng “lờn thuốc”, bất lợi cho điều trị nếu như bé có nhiễm khuẩn trong tương lai.

Thông thường, bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh sẽ tự lui trong vài ba ngày. Nếu bệnh không đỡ, có xu hướng trở nặng thì bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách sử dụng kháng sinh.

Thậm chí, bác sĩ có thể áp dụng thủ thuật chích rạch màng nhĩ để tháo mủ; đặt ống thông màng nhĩ để dẫn lưu dịch; và tái thông khí thay cho chức năng vòi nhĩ đang bị mất vì bít tắc. Khi mục đích điều trị đã đạt được, ống thông sẽ được lấy bỏ và màng nhĩ sẽ tự lành.

>> Nhiều mẹ cũng băn khoăn: Bé bị ngã đập đầu phía sau có sao không? Cha mẹ cần làm gì?

Viêm tai giữa ở trẻ em có tự khỏi không?

5. Viêm tai giữa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Câu trả lời là CÓ. Tuy rằng đa phần là có thể tự khỏi hoặc chỉ cần can thiệp bằng các thuốc chữa triệu chứng và vệ sinh mũi là có thể chữa khỏi. Nhưng khi bệnh trở nặng, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời; viêm tai giữa sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe.

Thậm chí, viêm tai giữa có thể lan ra các vùng lân cận gây liệt mặt do tổn thương dây thần kinh mặt; viêm màng não mủ; áp xe não; viêm tắc xoang tĩnh mạch bên; nhiễm trùng huyết, v.v. gây đe dọa tính mạng.

Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao, nhất là các bé đang trong thời kỳ sơ sinh, các bé có thể trạng kém và có các yếu tố thuận lợi cho bệnh trở nặng. Chính vì thế, bác sĩ thường sử dụng kháng sinh nếu bé chưa tới 6 tháng tuổi; còn với những trẻ nhiều tháng hơn, sẽ được cân nhắc tùy tình trạng bệnh.

LƯU Ý: Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh tại nhà theo kiểu các mẹo dân gian, tự nhiên, v.v. sẽ không được khuyến khích với độ tuổi này vì chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Khi nào mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ?

Mẹ hãy đưa con đi khám ngay nếu thấy bé có những biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh trở nặng như:

  • Ngủ gà.
  • Bị sưng đỏ sau tai.
  • Bị phát ban trên da.
  • Tổng trạng suy kiệt nhanh.
  • Vật vã kích động hoặc li bì.
  • Sốt cao kéo dài trên 2 ngày.
  • Nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều lần.
  • Rất cáu kỉnh, khóc thét liên tục.
  • Hoàn toàn không có phản ứng với tiếng động mạnh.

6. Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

Để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, các bà mẹ nên:

Cẩn thận khi tắm gội cho trẻ sơ sinh. Tránh để nước đọng, hoặc chảy vào trong tai của bé khi tắm.

Vệ sinh tai – mũi – họng cho bé đúng cách. Không tự ý ngoáy tai của bé băng tăm bông hoặc dụng cụ lấy ráy tai.

Tuân thủ theo các khuyến cáo về chích vaccine cho bé; nhất là vaccine phòng ngừa các bệnh về nhiễm trùng hô hấp.

Cho con bú sữa mẹ đầy đủ để đảm bảo dưỡng chất và kháng thể. Khi cho bú, nên để con ở tư thế ẵm ngồi, tránh cho bé bú ở tư thế nằm ngang vì dễ làm trào dịch, sữa vào vòi nhĩ. Nên rửa tay sạch sẽ khi gần con, vệ sinh bình sữa núm vú đúng cách.

Hạn chế cho những trẻ khác hoặc người lớn đang nhiễm bệnh tiếp xúc với bé. Giữ ấm cho trẻ. Tránh môi trường ô nhiễm bụi, khói…

Thính giác có vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển nhận thức, ngôn ngữ của trẻ, vì vậy mẹ nên thường xuyên để ý xem con có nghe tốt không bằng những cách kiểm tra đơn giản; cho dù bé có viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh hoặc không. Khi thấy bất thường, nên đưa con đi khám.

Tóm lại, khi nghi ngờ con bị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, các bà mẹ không nên quá lo lắng và rối trí. Thay vào đó, mẹ nên hỏi ý kiến và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, đưa con đi khám khi cần thiết.

>> Mẹ đọc thêm: 6 cách phòng ngừa tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

Mẹ nên nhớ rằng viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là cực kỳ phổ biến và nhiều trường hợp bệnh tự khỏi. Giúp cho con cảm thấy thoải mái ở nhà với các loại thuốc giảm đau không kê đơn khi cần thiết; và luôn gọi cho bác sĩ nếu mẹ có thắc mắc.

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo

1. Ear Infections in Babies and Toddlers
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/ear-infections-in-babies-and-toddlers
Ngày truy cập: 19.12.2022

2. Ear Infections in Children
https://www.nidcd.nih.gov/health/ear-infections-children
Ngày truy cập: 19.12.2022

3. Ear Infection Symptoms
https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/ear-nose-throat/Pages/Ear-Infection-Symptoms.aspx
Ngày truy cập: 19.12.2022

4. Otitis Media: Rapid Evidence Review
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31524361/
Ngày truy cập: 19.12.2022

5. The diagnosis and management of acute otitis media: American Academy of Pediatrics Guidelines 2013
https://ep.bmj.com/content/100/4/193
Ngày truy cập: 19.12.2022

x